Phát thanh thời công nghệ số: đáp ứng nhu cầu của thế hệ thính giả mới

(VOH) - Trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, muốn có chỗ đứng của mình, phát thanh cần phải phát huy tối đa ưu thế của mình để vượt lên trong cung cấp thông tin nhanh, chính xác.

Nêu kinh nghiệm của một đài địa phương, nơi có đường biên giới dài 130km giáp nước bạn Campuchia, bà Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Đắk Nông cho biết, Đài đã có những chương trình đặc thù giúp cho bà con vùng biên giới nắm bắt thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước: "Trong thời điểm bùng nổ của các mạng xã hội, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng và do đó chúng tôi nghĩ rằng mình phải thay đổi để theo kịp với cuộc cách mạng công nghệ số và các mạng xã hội".

Ông Lê Công Đồng, giám đốc VOH phát biểu tại hội thảo "Phát thanh thời công nghệ số - Thực trạng và giải pháp"

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng cho rằng, về phương thức thông tin, trước hết cần tăng cường số lượng và thời lượng các bản tin, chương trình phát thanh trực tiếp, coi đó là vũ khí cạnh tranh của báo phát thanh. Đồng thời, cần chú trọng các chương trình “phát thanh mở”, phát thanh thực tế, phát thanh tương tác để tăng cường vai trò và sự tham gia trực tiếp của thính giả vào chương trình.

“Chúng ta có thể làm những bản tin đầu giờ, tạo một thói quen cho khán thính giả. Cứ 6 giờ, 7 giờ, 8 giờ sáng thì chúng ta có một bản tin 5 phút để cập nhật nhanh nhất những thông tin diễn ra trên địa bàn cũng như thông tin mà khán thính giả quan tâm. Qua đó sẽ tạo thói quen cho khán thính giả, và bản tin của chúng ta cũng có sức sống hơn, cập nhật nhanh chóng hơn. Ngoài ra tôi nghĩ đến tính tương tác trong các chương trình truyền hình cũng như phát thanh, phải lôi kéo sự tham gia của khán thính giả” – ông Nam nói

Trao đổi kinh nghiệm về thu hút thính giả, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên – Huế khẳng định, hai nội dung chủ lực của Đài là về giáo dục và y tế. Do có sự tập trung đầu tư cho hai nội dung này, nên vẫn có lượng thính giả trung thành, ổn định dù phải cạnh tranh với nhiều loại hình báo chí, mạng xã hội khác.

Với gần 20 trường đại học và cao đẳng, chúng tôi hướng đến đối tượng sinh viên - đối tượng rất lớn của mạng xã hội. Chúng tôi hướng đến những nội dung mà học sinh sinh viên quan tâm như vấn đề giới tính, tuổi trẻ … và dùng mạng xã hội để liên kết. Có những chương trình trực tiếp buổi chiều để thảo luận những vấn đề đang quan tâm, do đó đã lôi kéo được thanh niên đến với sóng phát thanh.

Thứ hai là vấn đề y tế, trong những chương trình trực tiếp, tương tác, chúng tôi cũng đặt những vấn đề về y tế. Với thanh niên là giới tính, bệnh xã hội, HIV – AIDS, với cộng đồng là những bệnh nông thôn, bệnh thời tiết … Chúng tôi hướng đặc thù của địa phương vào những chương trình như vậy” – ông Nguyễn Văn Du chia sẻ

Phát thanh sử dụng âm thanh tổng hợp. Được người khác đọc, kể, thông báo… cho nghe là một cảm giác rất dễ chịu. Tuy nhiên, “trăm nghe không bằng một thấy”. Âm thanh có thể sống động, thân mật, riêng tư nhưng chỉ thoảng qua, khó đọng lại, khó ghi nhớ. Điều đó đã chỉ ra hạn chế lớn nhất của loại hình báo nói là “tính thoảng qua”.

Chính vì vậy, một trong những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của phát thanh, đó là mỗi đài phát thanh nên xây dựng một website trên mạng để hỗ trợ cho các chương trình phát thanh. Website cũng là một thư viện online, giúp thính giả tra cứu tư liệu khi cần thiết. Đây cũng là hướng đi mà Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc VOH cho biết: “Khi chúng tôi hoàn thiện để nâng trang tin điện tử của Đài thành tờ báo điện tử thì chúng tôi cũng xây dựng với một ý tưởng chủ đạo: nó phải là tờ báo điện tử nói, khác với các tờ báo điện tử khác thì mới tạo được sức hút. Gần đây, có một số trang tin điện tử và báo lớn trên thành phố khi nâng cấp hoạt động đã chủ động liên hệ với VOH để xin file âm thanh đưa lên báo điện tử của họ. Đây cũng là một phương thức để chúng tôi tập trung đi vào chiều sâu.

Khi truyền hình mới ra đời, rồi đến khi internet bắt đầu lên ngôi và các tờ báo điện tử chi phối mọi mặt đời sống tinh thần của công chúng, người ta bắt đầu đưa ra những cảnh báo về “cái chết đã được báo trước” đối với cả báo in, phát thanh và truyền hình.

Thế nhưng, thực tế là sau bao nhiêu năm, báo in, truyền hình vẫn có ảnh hưởng đến đông đảo công chúng và phát thanh đang là “người bạn” của mọi người. Đối với những địa phương ở đồng bằng Sông Cửu Long, chiếc radio gần như là “vật bất ly thân” đối với nông dân.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Sóc Trăng, chia sẻ “bà con nông dân, ở những vùng quê, 5 giờ sáng người ta đã thức dậy để nghe những chương trình nông nghiệp rất thiết thực. Khi tôi qua làm bên cù lao, thấy những chiếc radio nhỏ bà con mang theo để nghe. Do đó tôi nghĩ phát thanh vẫn tồn tại và thu hút người nghe”.

Hiện nay, phát thanh đang được xem là loại hình truyền thông có khả năng thu hút lượng thính giả rộng rãi và có ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi đơn vị làm phát thanh phải định vị được thế mạnh, tiềm năng để tạo dấu ấn riêng. Bên cạnh đó là tận dụng lợi thế của công nghệ hiện đại để phát thanh gần hơn với công chúng, thay đổi cách thức sản xuất nội dung phù hợp với thính giả trên những thiết bị thế hệ mới.

Có như vậy, phát thanh mới giữ chân được thính giả trong cuộc cạnh tranh thông tin đầy sôi động hiện nay.