Thêm địa điểm vui chơi, rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi dịp hè

(VOH) - Công trình Nhà thiếu nhi TP đã chính thức đưa vào hoạt động sau gần 2 năm khởi công xây dựng. Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 5.000m², tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Với thiết kế bằng những đường nét mang biểu tượng mầm cây, cánh diều, tổ chim tạo nên tổng thể hình ảnh kiến trúc sáng tạo, vui nhộn, tạo cảm giác thoải mái, cuốn hút thiếu nhi. Công trình gồm 15 phòng chức năng, 25 phòng năng khiếu, một hội trường với sức chứa gần 500 người, phòng chiếu phim 3D, sân chơi ngoài trời để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, học tập của thiếu nhi thành phố. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội kiến trúc sư TPHCM, người đã thiết kế công trình này bày tỏ niềm vui và mong muốn nhà thiếu nhi TP sẽ là nơi mà các em thỏa sức vui chơi, sáng tạo, học thêm những kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Xung quanh ý tưởng và những công năng của công trình này, VOH phỏng vấn kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu. Ảnh: SGTT

*VOH: Ông hãy chia sẻ thêm về ý tưởng thiết kế độc đáo của công trình nhà thiếu nhi thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng?

- KTS Nguyễn Trường Lưu: Ý tưởng này xuất phát từ việc tôi nghĩ ai cũng cần có 1 ngôi nhà để ở, ngôi nhà để ta về, chở che ta. Mà đây là nhà thiếu nhi, làm cho thiếu nhi vậy thì phải làm thế nào đây. Các cháu thiếu nhi tuổi đời chưa lớn, các em còn nhỏ giống như những chú chim non khi mới sinh ra thì cần phải có một cái tổ để bảo vệ, vậy là tôi xây dựng nhà thiếu nhi trên 2 hình tượng, nó là cái tổ chim, thiếu nhi cũng như cái mầm, rồi lên chồi sau đó là lên lá nên tôi làm 2 cái khồi, như hình tượng của hạt mầm tách ra và ở trên có cái lá nhỏ nhỏ là cái mái. Trên những suy nghĩ như vậy, mình đưa hình tượng của thiên nhiên tạo hình lại bằng những ngôn ngữ của kiến trúc.

*VOH: Bước vào thế giới tuổi thơ không hề đơn giản, vậy thiết kế công trình cho thiếu nhi có khó hơn và suy nghĩ nhiều hơn so với việc thiết kế những công trình khác?

- KTS Nguyễn Trường Lưu: Thật sự để thiết kế một công trình cho thiếu nhi như là công việc giải những bài toán khó. Tiêu chuẩn thiết kế các công trình công cộng như trường học, bệnh viện… thì có nhưng mà các tiêu chuẩn ấy khi quy về cho các em thiếu nhi thì không có, rất khó. Cái khó đầu tiên đó là phải hình dung thiếu nhi là ở tuổi nào, 6 tuổi, 7 tuổi, thậm chí 11, 12 tuổi cũng vẫn là thiếu nhi. Vậy thì khi thiết kế tính như thế nào cho hợp lý, chẳng hạn như bậc thang, tính làm sao để các em từ 6 tuổi đến 12 tuổi đều có thể đi mà không bị mệt. Không gian cho các em học tập vui chơi tôi đều thiết kế có mảng xanh để các em có cảm giác như mình đang trong một khu vườn chứ không phải trong một lớp học. Khi thiết kế chúng tôi cũng tính toán để làm sao lấy được gió trời, thiên nhiên vào trong không gian từng khu vực. Thì tất cả những điều đó phải tính toán rất kỹ.

Công trình Nhà thiếu nhi TPHCM. Ảnh: thanhdoan

*VOH: Thưa ông, với 1 công trình có rất nhiều mảng xanh, màu sắc sáng và đẹp như vậy thì việc chăm sóc bảo quản như thế nào?

- KTS Nguyễn Trường Lưu: Vì đây là một công trình có nhiều cây xanh nên khi thiết kế chúng tôi cũng đã có cho xây dựng một bể chứa nước ngầm. Bể nước này làm nhiệm vụ chứa nước mưa của cả năm để tưới cho hệ thống cây xanh của công trình. Chúng tôi cũng thiết kế hệ thống phun tưới tự động, mỗi ngày vào giờ nhất định nước sẽ tự động tưới chứ không phải đi tưới từng tầng. Còn về bộ khung bao quanh công trình đều làm bằng lam nhôm nên dĩ nhiên phải lau chùi để tránh bụi bẩn.

*VOH: Công trình có sức chứa khoảng bao nhiêu người và công năng sử dụng khoảng bao nhiêu năm?

- KTS Nguyễn Trường Lưu: Công trình này có thể cùng lúc chứa khoảng 2.000 người và thời hạn sử dụng lên đến 100 năm.

*VOH: Ông nhắn gửi điều gì đến các em thiếu nhi với ngôi nhà chung thật ý nghĩa này?

- KTS Nguyễn Trường Lưu: Tôi cho rằng đây là sự quan tâm của thành phố dành cho các em, vậy thì các em cần cố gắng học tập,, trui rèn, khi các em đến đây không những vui chơi mà còn học thêm về những kỹ năng mềm để các em càng trưởng thành, càng hiện thiện bản thân hơn.

*VOH: Cảm ơn ông.