Thủ tướng yêu cầu TPHCM chủ động làm rõ việc “đội vốn” các dự án trọng điểm

(VOH) - Vốn đầu tư các công trình trọng điểm của TPHCM vượt dự toán và không được giải ngân kịp tiến độ.

Đây là vấn đề được các Bộ, ngành bàn luận tìm giải pháp tháo gỡ tại buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - và Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo TPHCM diễn ra sáng nay 23/6 tại TPHCM.

Nghe bài viết: 

 

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM

Để tạo điều kiện cho TPHCM phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017-2020.

Hiện nay, vốn ODA, ngân sách Trung ương cấp phát cho thành phố đối với 2 dự án trọng điểm của thành phố là 29.512 tỷ đồng, trong đó, dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên là 20.930 tỷ đồng, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé  - kênh Đôi – kênh Tẻ giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng.

UBND TP 3 lần kiến nghị Thủ tướng bố trí đủ vốn cho dự án trên. Tuy nhiên, tại quyết định số 572 ngày 20/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án trọng điểm của thành phố, chỉ đáp ứng 39% tổng nhu cầu vốn ODA của thành phố.

Trong đó, dự án Xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 là 7.500 tỷ đồng, dự án cải thiện Môi trường nước TP giai đoạn 2 là 4.017 tỷ đồng. Với số vốn trên, thành phố rất khó khăn hoàn thành tiến độ 2 dự án này đúng thời gian quy định.

Về việc vượt nguồn vốn chi cho dự án này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đào Quang Thu cho rằng, phải tính đến việc lấy nguồn ở đâu để bù vào nguồn vốn đã bị đội lên, trong đó, cân đối đầu tư công để Thủ Tướng xem xét, quyết định theo đúng Luật Đầu tư Công. Ông Thu cho rằng, cần tập trung vào làm các tuyến vành đai, trước mắt là vành đai 3 tuyến cao tốc từ Bến Lức đi Long Thành, hiện 2 cầu Bình Khánh, Phước Khánh cũng sắp xong. Tuy nhiên, tại đây còn những vướng mắc rất lớn.

Về tuyến đường sắt số 2 nối Bến Thành – Tham Lương kết nối vào ga trung tâm của Bến Thành, Bộ cũng đồng ý với đề xuất của TPHCM bởi tính cấp bách của dự án này. 

Đối với dự án sân golf tại Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án này khi triển khai đã được sự đồng ý bằng văn bản của 8 bộ ngành từ cuối năm 2007. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên hàng không dân dụng. Hiện diện tích đất quốc phòng ở TPHCM rất lớn. Đây là đất lịch sử để lại, có rất nhiều vấn đề.

Bộ đang cho thanh tra toàn bộ đất Quốc phòng này ở TP.HCM. Nơi nào quân đội không cần dùng thì giao lại cho TP.

“Chúng tôi sẵn sàng bàn giao cho TPHCM, để phát triển kinh tế quốc phòng. Quan điểm của Thường vụ quân ủy trung ương là nhất quán điều này, không lăn tăn. Hiện nay có chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội Cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại để phục vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Tất cả doanh nghiệp quân đội là sẽ cổ phần hóa thoái vốn, chuyển ra bên ngoài hết. Còn cái nào phục vụ cho quốc phòng là để lại, không để đi làm kinh tế, không thể hiện được sức mạnh quân đội”.

Đối với vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “TP sẽ chủ động phối với Bộ Giao thông để rà soát lại quy hoạch TP, vành đai 2, 3 và các cửa ngõ. Làm thế nào để chúng ta tập trung nguồn vốn và đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, sớm hoàn chỉnh hệ thống giao thông này để giúp TP phát triển.

TP cũng đang làm chức năng là trung tâm tài chính, có một chương, đề án đầy đủ về vấn đề này. Chúng tôi xin phép Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ phối hợp cùng thành phố thuê tư vấn nước ngoài làm đề án, đồng bộ giúp TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực quốc tế trong thời gian tới”.

Đánh giá lại toàn diện về các vấn đề mà TP nêu, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động sáng tạo của thành phố và biết ơn nhân dân TP đã đóng góp cho sự phát triển của cả nước. Theo Thủ tướng, tại TPHCM, cứ 1 hecta đất công nghiệp dịch vụ tạo giá trị gia tăng 50 tỷ đồng, trong khi đó, 1 hecta đất nông nghiệp tạo ra chỉ có 66 triệu đồng.

Thủ tướng yêu cầu TP làm rõ nguyên nhân nào trong nhiều năm qua, TP không mở rộng được khu công nghiệp. Đặc biệt, giải quyết những bất cập về hạ tầng đô thị, sân bay, bến cảng, bởi nếu không có giải pháp tốt, TPHCM sẽ mất đi tính hấp dẫn, cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi đã chuyển văn phòng Chính phủ hoàn thiện lại kết luận này trên cơ sở ủng hộ các kiến nghị. Trong đó, có mấy vấn đề lớn: nâng tỷ lệ điều tiết từ 17-18%; bố trí một số các chương trình mục tiêu từ các nguồn khác, như thưởng nguồn thu... để tạo điều kiện cho thành phố phát triển; thực hiện các kết luận của Thủ tướng trước đây đã nêu tại cuộc làm việc với thành phố.

Hai là phải làm đúng thẩm quyền của từng cấp, từng ngành. Nói Nhà nước pháp quyền, làm sai đâu có được các đồng chí. Công trình 35 tỷ đồng thì báo cáo quốc hội thế nào. Trước khi báo cáo quốc hội thì báo cáo trung ương thế nào.

Đặc biệt là từ cuộc họp này, TP phải chủ động làm rõ vì sao tăng cao dự toán như vậy? Các phó chủ tịch TP nên chủ trì các đề án thuộc lĩnh vực với các bộ ngành, nhất là một số bộ tổng hợp để làm rõ vấn đề này.

Trong thông bào lần này, phải ghi những công trình, dự án, nhất là công trình dự án ODA mà vượt, để chúng ta dễ xử lý kịp thời. Còn các kiến nghị của thành phố chúng tôi cơ bản đồng ý”.

Thủ tướng yêu cầu Trung ương, các bộ ngành cùng TPHCM phối hợp trách nhiệm cao nhất, tập trung tháo gỡ những nút thắt, đường vành đai, vành đai 3, sân bay Tân Sơn Nhất, chống ùn tắc, môi trường, thể chế, phân cấp, lo những việc đó dài hơi hơn.

Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đề nghị TPHCM định hướng trở thành “thành phố toàn cầu, hội tụ đông tây”, hoàn thiện quy hoạch thành phố, đổi mới cách nhìn xa, sáng tạo, dành thêm đất cho cây xanh, quy hoạch không gian ngầm của thành phố.