TPHCM: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm và xử lý tình trạng lừa đảo xin việc

(VOH) - Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, xử lý tình trạng lừa đảo khi xin việc…là những vấn đề đã làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/7.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, xử lý tình trạng lừa đảo khi xin việc… là những vấn đề đã làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX trong chiều 12/7. 

HĐND, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa 9

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội trả lời băn khoăn của đại biểu. Ảnh: TTO

Đặt thẳng vấn đề nguồn lao động Thành phố đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu, tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cần làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực.

“Có một thực tế là hiện nay ở Thành phố đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu nguồn lao động, trên 60% cử nhân khi ra trường làm trái nghề, tỷ lệ lao động phải đào tạo lại khá cao. Như vậy thì Sở đang có biện pháp gì để định hướng, dự báo lại nguồn nhân lực", đại biểu Nga chất vấn.

Nhìn nhận đây là vấn đề được xã hội quan tâm, ông Lê Minh Tấn cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh giải quyết vấn đề này thông qua các sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm để kết nối cung cầu lao động giữa doanh nghiệp, nhà trường và người lao động. “Hằng năm, trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố đã tổ chức 80 hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm để kết nối cho lao động ở đây để các doanh nghiệp quảng bá ngành nghề như yêu cầu của doanh nghiệp mình. Các cơ sở dạy nghề cũng hướng để kết nối các lao động với nhau", ông Tấn cho hay.

Tình trạng lừa đảo việc làm đang diễn biến phức tạp cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều câu hỏi đặt ra cho Sở Lao động – Thương Binh – Xã hội về giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm: "Nhiều người lao động vẫn kêu cứu với báo chí về tình trạng bị lừa đảo việc làm và thêm vào đó nhu cầu tìm việc của người lao động nghèo rất cao, trong khi họ thiếu thông tin, hiểu biết hạn chế, tuy nhiên chúng ta không thể chịu thua không xử lý được”.

Ông Lê Minh Tấn cho biết, vấn đề này Sở luôn theo sát và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý mạnh tay những cơ sở làm trái quy định, đồng thời tuyên truyền sâu rộng những cơ sở giới thiệu việc làm uy tín để người dân được biết.

"Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 83 cơ sở, dịch vụ giới thiệu việc làm, trong đó có 50 cơ sở ở thành phố, còn 33 cơ sở là chi nhánh ở các quận, huyện. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có 50 cơ sở là được phép giới thiệu việc làm, còn 33 chi nhánh kia  chỉ có tư vấn thôi. Tuy nhiên hiện vẫn có tình trạng các chi nhánh này làm sai quy định, tự ý thu tiền và giới thiệu việc làm sai phép. Thời gian qua Sở vẫn tranh thủ kiểm tra, chấn chỉnh, gỡ bỏ biển hiệu và đồng thời cũng tuyên truyền các địa chỉ cơ sở uy tín cho người dân biết", ông Tấn cho biết thêm.