“Ươm trồng âm nhạc” trong trường phổ thông

(VOH) - Hơn 250 khách mời là các chuyên gia âm nhạc, nhạc sĩ, giáo viên trong nước và quốc tế đã tham gia Hội thảo “Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông hiện nay” được tổ chức vào sáng 16/11.

Với 19 tham luận và nhiều ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, tại Việt Nam nhiều năm qua, môn Âm nhạc được triển khai ở bậc tiểu học và THCS chưa đạt được những mục tiêu như mong muốn. Những bất cập được nhắc đến là hệ thống đào tạo trên cả nước còn chưa đồng bộ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trình độ của giảng viên, giáo viên âm nhạc chưa đáp ứng được yêu cầu chương trình hoặc còn phải kiêm nhiệm…

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đưa chương trình giảng dạy môn Âm nhạc vào bậc Trung học phổ thông (môn tự chọn) cho thấy đã có những chuyển biến lớn về nhận thức hướng tới những giá trị đích thực trong việc xây dựng con người toàn diện có đạo đức, nhân cách và chuyên môn.

Hội thảo “Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông hiện nay”

Hội thảo “Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông hiện nay”.

Trước thực trạng này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Tạ Quang Đông – Giám đốc Nhạc viện TP.HCM đã tổng kết 10 giải pháp thiết thực để việc giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông được hiểu quả hơn. Trong đó, theo ông, giải pháp “đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy trong chương trình phổ thông” là bước cuối cùng song cũng là bước đỉnh cao và khó khăn hơn cả.

"Giải pháp này rất quan trọng vì có thể giúp chúng ta bảo tồn được vốn âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, nó sẽ là khởi nguồn để các trường chuyên nghiệp có được nguồn tuyển sinh tốt và đào tạo được những tài năng âm nhạc dân tộc cho Việt Nam trong tương lai…”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Tạ Quang Đông lí giải.