Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo – Nhà nước không thể làm một mình

(VOH) - Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo thì Nhà nước không thể làm một mình mà phải có sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp...

Tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2025 do Sở Khoa học và Công nghệ TP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức sáng 20/03, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo cho TP thì Nhà nước không thể làm một mình mà phải có sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp…Đặc biệt là những người giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.

Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực nghiên cứu mới, với mục tiêu tạo ra những chương trình, máy móc, hay robot thay con người làm một số việc. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, tiêu biểu như an ninh công cộng, giao thông thông minh, nông nghiệp, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử…Có thể khẳng định, trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành, quản lý.

Cần nguồn dữ liệu sạch và cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ

Hai yếu tố quan trọng để có thể triển khai ứng dụng AI được các chuyên gia đề cập chính là nguồn dữ liệu sạch và cơ sở hạ tầng mạng truyền thông đồng bộ. Đây sẽ là bài toán cần được TP giải quyết trong giai đoạn tới, nhằm hoàn thành mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI phục vụ đề án đô thị thông minh.

Thẳng thắn đặt vấn đề, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP cho rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI của TP là việc bắt buộc phải làm, nhưng TP phải làm trong bối cảnh chung của chiến lược quốc gia về AI. AI liên quan đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chính quyền đang hướng đến xây dựng một hệ sinh thái, vì vậy phải xem đây là đề án lớn của TP để xây dựng nghiêm túc. Thứ nữa là phải đủ nguồn lực, đủ bộ máy để theo suốt, chứ không phải theo nhiệm kỳ.

Ông Dũng đề nghị thành phố cần phải có nghiên cứu cụ thể để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội thay đổi một số khung pháp lý như về vấn đề dữ liệu mở, hiện nay đóng vai trò rất lớn, nhưng ở VN về dữ liệu mở chưa có khung pháp lý. Ngay giữa các Sở với nhau, xin dữ liệu còn khó, thậm chí phải mua.

Bài toán cụ thể của TP

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM, cho rằng, nếu coi AI là nền tảng phát triển thành phố thông minh, thì cần chính sách chung để phát triển lĩnh vực này. “Đối với các trường đại học, tôi tin tưởng rằng trường đại học có nguồn lực, cái chúng tôi thiếu là sự đầu tư và nguồn lực tài chính và bài toán cụ thể để giải quyết. "TP đưa ra bài toán, chúng tôi sẽ giải bài toán đó, rồi đưa giải pháp, doanh nghiệp dựa trên giải pháp đó xây dựng sản phẩm cụ thể. Chứ đòi trường đại học làm từ A-Z là không thể nổi”, Tiến sĩ Tú Anh đề nghị.

Theo ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, đề xuất TP nên có tổ chuyên gia hoặc hệ thống để định hướng phát triển các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Theo ông Tùng, đã tập trung rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn thì việc tập trung đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực hết sức quan trọng. Trong đó, cũng nên chú trọng tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm xuất sắc về AI.

Lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực AI, các nhà quản lý, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay, hội thảo lần này là một trong chuỗi 3 hội thảo sẽ tổ chức trong năm nay liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Qua các ý kiến của chuyên gia nhằm nhận dạng xu hướng phát triển của AI, Thành phố đang làm gì, có tiềm năng gì để hoạch định công việc sắp tới. Tuy rằng TP chưa có chương trình về AI, nhưng đã có các cơ sở giáo dục đại học đã đi vào lĩnh vực AI từ 20 – 30 năm, trường đại học đã có kết quả nhưng còn đơn độc. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự phối hợp nhiều phía. “Nên chăng chúng ta có một Ban xây dựng, điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng AI tại TPHCM. Đây không phải là Ban của chính quyền, mà giúp lại cho chính quyền xác định chúng ta nên hợp tác nghiên cứu với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu. Nếu cái này Nhà nước làm một mình chắc chắn là sai. Chúng tôi không có kinh nghiệm, mà phải có doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia là chính, sau đó các anh chị sẽ kiến nghị với TP: hợp tác với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu? đề nghị đến cuối tháng 3 hình thành được Ban này”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi mở giải pháp.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay, TP sẽ tiếp thu và xây dựng chương trình ứng dụng AI giai đoạn 2019 – 2020, đó sẽ là thông điệp đặt hàng cụ thể của TP với các doanh nghiệp, chuyên gia nhà khoa học...để phát triển lĩnh vực này cho TP./.