Đồng bào các dân tộc cùng TPHCM trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập

(VOH) - TPHCM hiện có 52 dân tộc anh em cùng chung sống, với 51 dân tộc thiểu số Việt Nam tương đương hơn 400.000 người, chiếm hơn 6% dân số của TP.

Trong đó, 3 dân tộc chiếm số đông và hình thành cộng đồng là dân tộc Hoa chiếm 94% trong tổng số đồng bào dân tộc thiểu số của TP, dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 2,7% và dân tộc chăm chiếm hơn 1,5%.

TP có hơn 80 khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống, luôn đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, chấp hành tốt an ninh trật tự, chính sách của nhà nước ở địa phương. Có thể nói, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của TP chúng ta, đồng bào các dân tộc luôn đồng hành cùng TP trên mọi lĩnh vực quan trọng.

Phố lồng đèn của người Hoa vào dịp trung thu

Trong lĩnh vực kinh tế, phải kể đến đồng bào dân tộc, các doanh nghiệp người Hoa ở Q.11, Q.5, Q.6 và Tân Phú đóng góp hơn 30% giá trị tổng sản lượng kinh tế của quận.

Hoạt động kinh tế của đồng bào người Hoa trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đô thị. Các doanh nghiệp người Hoa cũng an tâm, tin tưởng chính sách phát triển kinh tế ngày càng thông thoáng, hoàn thiện của Nhà nước và TP.

Đa số các doanh nghiệp đều vận dụng tốt chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cũng như nắm bắt nhanh thời cơ hội nhập, huy động nguồn vốn và mở rộng thị trường. Các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp tư nhân của người Hoa nổi bật có thể kể đến như: các Tập đoàn Kinh Đô, Thái Tuấn, Thiên Long; công ty Vạn Thịnh Phát…

Đồng bào Khmer ở TPHCM chủ yếu dựa vào các nghề lao động tự do, thu nhập không ổn định; về phần đồng bào Chăm lại gặp khó khăn về trình độ dân trí nên phần lớn khó tìm được việc làm ổn định. Chủ yếu là làm thuê, buôn bán tự do, phụ hồ, may gia công... Một số khác làm việc trong khu vực Nhà nước hoặc tham gia làm kinh tế tư nhân.

Với nhận thức sâu sắc về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua, TPHCM đã chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, huy động cao nhất mọi nhuồn lực xã hội chăm lo cho nhân dân, nhất là tực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đời sống đồng bào các dân tộc có sự thay đổi đáng kể, số hộ giàu và khá giả tăng lên, số hộ nghèo khó khăn giảm dần.

Trên lĩnh vực văn hóa, TP có 14 Hội quán, khoảng 40 đền thờ họ, 60 đoàn, đội, nhóm… văn hóa nghệ thuật đồng bào Hoa, 2 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer, 16 Thánh đường, Tiểu thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm.

Chùa Bà Thiên Hậu (Nguyễn Trãi, Q.5) một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời của người Hoa tại TPHCM

Tính đến nay, đã có 19 công trình được xếp hạng di tích có liên quan đến cộng đồng người Hoa về sự kiện lịch sử, nguồn gốc hình thành. Các lễ hội theo phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, đúng quy định của pháp luật.

Đồng bào các dân tộc ngày càng có ý thức xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em mình. Đây được xem là sự thay đổi lớn về quan niệm giáo dục lập nghiệp, thay vì xem trọng nghề hơn học chữ như trước đây.

Hiện nay, con em đồng bào dân tộc đang tuổi đi học đều được đến trường, đã có nhiều em học hành đến nơi đến chốn, có em có 2 bằng đại học, đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ...

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer và các dân tộc khác tại TP luôn chủ động, tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quân sự... góp phần không nhỏ vào sự phát triển và hội nhập của TP chúng ta.