Ngôi chợ mang tên đàn ông

(VOH) - Ở TPHCM có nhiều ngôi chợ, như chợ Bà Chiểu, chợ Bàn Cờ, chợ Lớn, chợ Hòa Hưng,… với tên gọi đều mang dấu ấn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, có 1 ngôi chợ đặc biệt khiến cho ai mới nghe lần đầu cũng không khỏi thắc mắc là vì sao nó lại gắn với tên một người đàn ông mà không phải là tên của một phụ nữ? Đó là Chợ Cầu Ông Lãnh nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM.

Chợ Cầu Ông Lãnh được xây cất từ năm 1929. Chợ chuyên bán những loại trái cây tươi như cam, bưởi, quýt, dừa, dưa hấu, ổi, xoài và các thứ rau sống. Hàng được các ghe thuyền từ lục tỉnh chở lên đổ cho các chủ vựa ở chợ. Chủ vựa bán sỉ hàng lại cho dân buôn bán ở các chợ nhỏ trong phố về bán lại. Chợ Cầu Ông Lãnh họp suốt ngày đêm nhưng từ nửa đêm tới sáng là đông và nhộn nhịp nhất. Bên cạnh chợ Cầu Ông Lãnh còn có một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Cầu Muối, chuyên bán cá tươi, tôm, cua… cũng do các ghe chài mang lên. Tuy nhiên, người ta vẫn hay gọi chung khu này là chợ Cầu Ông Lãnh, vì hai ngôi chợ sát nhau, cùng gần một nơi có cây cầu mang tên Ông Lãnh.

Trong 1 bài viết đăng trên báo Thanh niên của Lý Nhân Phan Thứ Lang, tác giả cho rằng lý do có cái tên này vì nơi đây có con rạch. Từ cuối đường Nguyễn Thái Học khi muốn qua bến Vân Đồn, khu Khánh Hội, Q.4, người ta phải dùng ghe mới sang được. Lúc đó có một ông Lãnh hảo ý đã bỏ tiền ra làm một cây cầu gỗ để dân chúng đi lại cho thuận tiện. Sau này, đến năm 1929, người Pháp cho xây dựng lại cây cầu bằng xi măng dài 120 m, do một hãng làm cầu của Pháp thiết kế. Đến nay, cây cầu đã gần một thế kỷ nên bị hư hỏng và đã được xây dựng lại.

Nhiều người thắc mắc: Ông lãnh ở đây là ông lãnh binh hay lãnh sự? Vì ở gần rạch này phía Chợ Lớn cũng có dinh của một viên lãnh sự VN là ông Nguyễn Thành Ý ở. Phải chăng cây cầu được dựng lên do một nhân vật tên tuổi tại địa phương nên người ta gọi là Cầu Ông Lãnh? Hay ông lãnh sự Thành Ý lúc đó cũng có hảo tâm đã góp tiền dựng nên cầu này cho dân chúng đi? Cuối cùng, giả thuyết thứ hai nói tiền xây dựng cây cầu này là do một lãnh binh bỏ tiền ra nên người địa phương nhớ công ơn đặt cho tên cầu là cầu “Ông Lãnh” là thuyết phục hơn cả. Nhưng tên thật của “Cầu Ông Lãnh” này là gì thì không có sách báo nào từ xưa tới nay ghi lại.

Tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang đã tìm tới đình Nhơn Hòa, Q.1 thăm hỏi thì vị trụ trì cao niên ở đây cho biết: “Đình Nhơn Hòa đã được xây dựng hơn 150 năm, vào khoảng thế kỷ 19 và đã được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Đình được xây dựng theo lối kiến trúc xưa, có chính diện, võ ca, nhà túc mang sắc thái của một ngôi đình làng cổ đang thờ ba vị thần: Thành hoàng bổn cảnh (thần làng), thần Trần Triều hiển thánh, tức Linh vị đức Trần Hưng Đạo và thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Cần phải nói thêm là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng là một vị tướng của triều Nguyễn, trấn giữ đồn Thủ Thiêm - Cây Mai, chống lại quân Pháp khi chúng tấn công thành Gia Định... Vào năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký có viết rằng: “Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh gần đó cho bắc qua, chắc là ông lãnh Binh Thăng này chứ không phải ai khác”.

Vậy, ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng có lẽ chính là nhân vật đã được người dân đặt tên cho cây cầu cùng ngôi chợ cũ nổi tiếng và được thờ trang trọng ở đình Nhơn Hòa để ghi ơn. Hiện nay tên ông Lãnh Binh Thăng còn được đặt cho một con đường ở Q.11,

Chợ Cầu Ông Lãnh dù nằm cạnh dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nó vẫn trải qua những vụ cháy kinh hoàng. Vụ cháy lớn ở ngôi chợ này vào ngày 24/01/1971 thậm chí phải dùng cả thực thăng để thả nước dập lửa. Đó là trực thăng CH-47 Chinook của quân đội Mỹ, được điều đến lấy nước tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để chữa cháy. Máy bay liên tục cẩu nước để dội vào đám cháy, song nhiều giờ sau hoả hoạn mới được dập tắt. Vụ cháy đã khiến phần lớn diện tích khu chợ cùng nhiều nhà dân bị hủy hoại hoàn toàn. Mới đây nhất, vào khoảng 15 giờ chiều ngày 01/12/2015, khu vực chợ gà cầu Ông Lãnh, ngã ba Đại lộ Võ Văn Kiệt - Yersin bùng cháy dữ dội. Hậu quả, 8 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn và nhiều căn khác bị cháy một phần.