Phong trào Bình dân học vụ

(VOH) - Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, Đảng, Chính phủ nước ta đã bắt tay xây dựng nước nhà.

Trong đó, xác định rõ, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức. Như vậy, trước tiên phải biết đọc, biết viết. Phong trào Bình dân học vụ ra đời từ đó.

Và ngay tại mảnh đất Sài Gòn – Gia Định - TPHCM này, phong trào đạt được những kết quả nhất định.

Ngay buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ diễn ra vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, chống nạn mù chữ là việc quan trọng thứ hai phải làm ngay sau việc chống nạn đói. Trong bài viết “Chống nạn thất học”, viết ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Một lớp Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác Bình dân học vụ ở Nam Bộ đã hình thành và phát triển rộng khắp. Dù thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ diễn ra quyết liệt, nhưng phong trào Bình dân học vụ đã đạt được những kết quả ban đầu. Tính đến cuối năm 1947, toàn Nam Bộ đã xóa nạn mù chữ cho gần 600 người, mở được 9.400 lớp dự bị bình dân. Trong đó, 2 xã Quới Xuân (của Gia Định) và Tân Kiên (thuộc Chợ Lớn) đã hoàn thành công tác xóa mù chữ.

Từ những thành quả ban đầu của các lớp Bình dân học vụ, dự bị bình dân, đến giữa năm 1949, toàn Nam Bộ đã tổ chức được 3 trường Trung học phổ thông kháng chiến là Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Tố và Huỳnh Phan Hộ. Đối tượng học sinh của các trường trên chủ yếu là lực lượng thanh niên tham gia kháng chiến, có trình độ văn hóa sơ học hoặc tương đương. Cùng thời gian này, trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ cũng được thành lập.

Đến đầu năm 1950, toàn Nam Bộ có 800.000 người trong vùng giải phóng được xóa nạn mù chữ. Nhiều đồng bào dân tộc S’tiêng, Chăm, Khơme, Hoa ở các tỉnh Biên Hòa, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Trà Vinh, Sóc Trăng,… đã được thanh toán nạn mù chữ.

Đến tháng 8/1951, Sở Giáo Dục Nam Bộ thành lập thêm trường Trung học bình dân Huỳnh Văn Hộ do giáo sư Lê Văn Chí làm Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn An làm Phó Hiệu trưởng. Trường được xây dựng ở rạch Nàng Chăn, sát ven rừng U Minh Hạ, thuộc huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu.

Quay trở lại với phong trào Bình dân học vụ ở khu vực thuộc TPHCM ngày nay. Cần phải nhắc đến xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Nơi đây vốn có dân đến ngụ cư, xây làng lập ấp từ 250 năm trước. Dân không đông, làm nghề ruộng rẫy. Năm 1947, đây là cái nôi của địa đạo Củ Chi. Tất cả bà con xóm ấp Bà Giả, Cây Bài, Bàu Hóc, xóm Đồng, Cây Sọp,… đều cùng nhau tham gia phong trào chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, với bài nhạc: “Đây mùa thu đua nở trong lòng người, toàn nhân dân ta hăng hái thi đua. Trẻ già trai gái quyết tâm một lòng”. “Thi đua thi đua trừ đói, thi đua thi đua trừ dốt, thi đua thi đua trừ quân ngoại xâm”, ca vang khắp xóm làng với phong trào học tập võ nghệ rộng khắp.

Vài người ở địa phương được tập huấn tại quận, ngắn ngày, về phương pháp dạy và học theo cách mới “i tờ”. Mãn lớp, họ quay trở về bắt tay triển khai công việc hết sức rầm rộ và sôi nổi. Phân công người dạy lớp ban ngày cho trẻ em với biên chế chính thức, có lãnh lương, số còn lại, cộng tác viên thì phụ trách xóa mù chữ ban đêm. Dạy tập trung hoặc phân tán, tùy theo tình hình. Tài liệu học tập thì do Ty Giáo dục tỉnh Gia Định gửi về. Là quyển Vần Quốc ngữ “i tờ” với hình thức in ronéo, hoàn toàn khác so với cách học cũ, đại khái là không còn học theo lối a, bê, xê,… nữa. Kèm theo đó, còn có những câu ca dao dễ nhớ như: i – tờ có móc cả 2, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang. Ngoài ra, còn có những biện pháp cứng rắn như đặt trạm gác kiểm tra, ai biết đọc thì cho qua, ai không biết đọc thì trở về, giao cho các nhóm thiếu nhi phụ trách.

Trong một tham luận mới đây, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, tìm hiểu công tác Bình dân học vụ những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, có thể thấy, những kinh nghiệm của phong trào này còn có ý nghĩa đối với công tác xóa nạn mù chữ ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần cho mọi người dân thấy được lợi ích của học tập. Cần bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, đào tạo và tuyển dụng những người thực sự tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường, nhà giáo và gia đình, để thấy rõ sự quan tâm của nhà trường, giáo viên đối với học sinh và sự kính trọng từ học sinh đối với thầy cô và nhà trường. Ngoài ra, cần thúc đẩy tinh thần tự học, ham học trong từng cấp học, cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại, từ chính sách, nội dung sách giáo khoa đến cách dạy và học,…