Băn khoăn chọn ngành xét tuyển Đại học, phải làm sao?

(VOH) -  Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, các thí sinh phải đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển Đại học. Nhưng đến thời điểm này, nhiều học sinh vẫn băn khoăn trước lựa chọn lớn của cuộc đời: chọn ngành theo học.

Hình minh hoạ. Nguồn: internet

Câu hỏi mà nhiều học sinh thường đặt ra trong mỗi mùa tuyển sinh là nghề này ra trường có việc làm không? nghề nào kiếm được nhiều tiền? Có những thí sinh bằng mọi cách để được đậu vào một trường Đại học, bất chấp đó là ngành gì?

Trong chương trình tư vấn tuyển sinh diễn ra tại Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, một học sinh chân thật bày tỏ: em có nhiều ước mơ lắm nhưng em hay bị chi phối bởi những người xung quanh. Khi em nói ra mơ ước của mình thì ba mẹ nói nghề đó khó kiếm việc hay thầy cô tư vấn nghề đó khó có khả năng lo kinh tế cho gia đình. Nên em không biết chọn thi ngành nào?

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu. Hình: Nguyên Khôi

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đây là vấn đề thường gặp ở các em trong giai đoạn chọn nghề.

Cách đơn giản nhất để tự đưa ra quyết định là phải xem xét cả 3 yếu tố: Thích – giỏi – kiếm ra tiền.

Nếu một người chọn nghề mình thích, nghề đó mình cũng giỏi nhưng không kiếm ra tiền gọi là đam mê.

Nếu một người chọn nghề mình giỏi và kiếm ra tiền nhưng mình không thích, và rất nhiều người đang phải trải qua lựa chọn như vậy, gọi là mưu sinh.

Còn một người rất thích một lĩnh vực nào đó và lĩnh vực đó đang kiếm ra tiền được nhưng mình không giỏi, đơn thuần đó chỉ là ước mơ.

Tiến sĩ Khắc Hiếu cho rằng, mỗi học sinh khi chọn ngành học, nên đưa ra danh sách các ngành nghề mình quan tâm rồi căn cứ theo 3 yếu tố trên để quyết định. Nghề nghiệp phù hợp nhất chính là phải thoả mãn 3 tiêu chí này.

Làm sao để biết mình thích ngành nào?

Các bạn học sinh phải mô tả được chi tiết sở thích và gọi được tên nghề phù hợp với yêu thích của mình.

Sau đó phải tìm hiểu về nghề đó bằng cách đọc thông tin trên mạng internet, báo chí, xem các chương trình đào tạo, tiếp xúc với người làm nghề nghiệp đó. Nếu được hãy học thử một học phần nhỏ nào đó trong chương trình đào tạo hay thử làm một công đoạn nào đó trong công việc này. Hoặc ít nhất hãy quan sát một người làm công việc mình yêu thích thao tác như thế nào… để xem mình thực sự thích không

Xác định nghề kiếm ra tiền như thế nào?

Cách tốt nhất là học sinh và quý phụ huynh xem thông tin dự báo nguồn nhân lực. Một kinh nghiệm quý là chúng ta không nên tìm nghề đang “hot” mà nên tìm nghề có xu hướng “hot”. Một thời gian, các học sinh đổ xô đi học ngành quản trị kinh doanh, ngành tài chính – ngân hàng và kết quả là những năm sau đó sinh viên tốt nghiệp ngành này hết sức vất vả khi tìm việc làm vì cung vượt quá cầu.

Có những bạn học sinh chọn 1 nghề mình thích, nhưng ba mẹ người thân tư vấn nghề này ít ai làm, ra trường biết kiếm việc ở đâu? Hãy thử hình dung nếu nghề nghiệp chúng ta chọn là một con cá, với bể cá nhỏ chỉ có hai con có dễ sống hơn bể cá lớn nhưng đến mấy chục con không?

Làm sao để biết mình giỏi lĩnh vực nào?

Tiến sĩ Khắc Hiếu cho biết có nhiều cách để xác định như làm các trắc nghiệm nghề, sinh trắc thuỳ não, phân tích nội tâm…

Cách mà ai cũng có thể áp dụng được, đó là tự tìm kiếm tư chất năng lực bên trong của mình để phát huy. Ví dụ, người “mát tay” thường nuôi con gì cũng lớn, khoẻ hay trồng, chăm sóc cây gì cũng tốt tươi thì đó là người có trí thông minh sinh học, sẽ phù hợp cho các công việc chăm sóc sức khoẻ, các lĩnh vực về nông, lâm, y…

Các bạn học sinh có thể tự đánh giá những việc mình đã từng làm trước đây, đâu là cái mình nổi trội nhất. Hoặc hỏi bạn bè, ba mẹ, những người xung quanh mình, ví dụ làm một trắc nghiệm nhỏ với 20 người thân thiết về câu hỏi “con giỏi gì nhất/Tui giỏi gì nhất? ”

Sau đó, các bạn phải thử xem mình có thực sự giỏi lĩnh vực đó không, bằng cách cọ xát với thực tế về lĩnh vực đó càng nhiều càng tốt.