Như vậy, việc có thêm những ngành đào tạo mới sẽ mở ra nhiều lựa chọn cho các thí sinh trong mùa tuyển sinh 2018.
Đặc biệt, với những ngành học mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai sẽ là cơ hội tốt cho những ai biết nắm bắt cơ hội ngành nghề.
Đồng thời, việc cho ra đời những ngành học mới với nhiều hình thức xét tuyển đa dạng cũng là cách thu hút nguồn thí sinh giỏi của các trường đại học.
Với danh mục các ngành đào tạo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, một số ngành học mới lần đầu tiên sẽ xuất hiện trong chương trình đào tạo của các trường năm nay.
Trường Đại học Kiến trúc TPHCM năm 2018 sẽ có thêm hai ngành mới gồm Mỹ thuật đô thị và Quản lý xây dựng. Đáng chú ý ngành Mỹ thuật đô thị là ngành lần đầu tiên được đào tạo trình độ đại học tại VN.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM dự kiến sẽ có ngành Quản lý công ở bậc đại học. Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc Gia TPHCM dự kiến thêm ba ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật hóa học và kỹ thuật cơ khí.
Trong khi đó, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM dự kiến nâng cấp ba chuyên ngành cũ thành ba mã ngành đào tạo bậc đại học, đó là Kỹ thuật xây dựng công trình thủy; Logicstics và quản lý chuỗi cung ứng; Kỹ thuật ô tô.
Song song đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cảnh báo, những ngành học mới mở cách đây không lâu cũng đang rất cần nguồn thí sinh vào học để đáp ứng nhu cầu nhân lực rất lớn của xã hội:
“Từ hai năm nay, trường mở thêm chuyên ngành Khoa học hàng hải để cho sinh viên nữ vào học, do trước kia chỉ có sinh viên nam và nguy cơ không có người học. Sắp tới, khả năng ngành Hàng hải sẽ không có người làm quản lý trên bờ chứ không nói là đi biển nữa, nên rất nguy hiểm.
Rõ ràng đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên bây giờ người học không thích ngành đó nữa, nếu sinh viên nữ học để làm quản lý trên bờ sẽ làm rất tốt”.
Xét tuyển Đại học năm 2018 cân nhắc kỹ ngành học mới - Ảnh: THPTquocgia
Trước xu thế phát triển của TPHCM trở thành trung tâm về dịch vụ, nhiều trường đại học đã nắm bắt xu thế này và nhanh chóng đưa vào đào tạo những nhóm ngành nghề mới, để đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai gần từ 4 – 5 năm tới của TP và các địa phương lân cận.
Trong đợt xét tuyển đại học cao đẳng sắp tới tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hai ngành: Khoa học chế biến món ăn; Khoa học Dinh dưỡng và Ẩm thực sẽ chính thức tuyển sinh bậc đại học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của trường đánh giá, liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ thì đây sẽ là hai ngành có xu hướng phát triển tốt trong thời gian tới.
Có thể thấy tại một số nước lân cận như Thái Lan, Hồng Kong hay Singapore….công tác cung cấp dịch vụ mới thực sự mang lại nguồn lợi lớn, ông Sơn nói: “Đối với ngành khoa học dinh dưỡng sẽ tập trung khá nhiều về vấn đề nghiên cứu dinh dưỡng. Ngành Khoa học chế biến món ăn, ngoài kiến thức chế biến món ăn, còn có một xu hướng mà nhà trường sẽ đưa vào, đó là Food – Stylist, tức là khi đưa ra một món ăn nó không chỉ là món ăn bình thường mà nó phải trở thành một yếu tố mang tính nghệ thuật để thu hút được du khách.
Đây cũng là xu thế của khá nhiều bạn trẻ và một số nước có đề cập đến”.
So với các ngành học truyền thống, việc tìm hiểu và nắm bắt xu hướng thị trường lao động qua các ngành học mới, sẽ giúp cho người học có cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường. Bởi vì, sự ra đời các ngành học mới đều xuất phát từ nhu cầu nhân lực của một nhóm ngành nghề nào đó trong tương lai.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông tin, năm 2018 trường dự kiến thêm 6 ngành mới bao gồm Thiết kế đồ họa, Kiến trúc, Quản lý xây dựng, Năng lượng tái tạo, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Sư phạm công nghệ.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng khi xem xét mở các ngành học mới, Hội đồng đào tạo của trường đã dựa vào dự đoán nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 – sự biến đổi về nghề nghiệp xảy ra nhanh chóng, vì vậy trường đã quyết định mở các ngành mới để phục vụ nhu cầu của thị trường lao động trong những năm tới:
“Khi mở ngành mới, trường đã khảo sát thị trường lao động chứ không phải tự ý mở. Vì thế nên các em khi đăng ký vào các ngành mới thì sẽ rất yên tâm bởi vì ngành mới là những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn.
Thông thường đối với ngành mới, thông tin đến với thí sinh chưa được nhiều cho nên số lượng các em đăng ký vào ít nên dễ đậu, nhu cầu công việc trong tương lai rất nhiều”.
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM dự kiến tuyển sinh thêm ba ngành mới: Ngôn ngữ Hàn; Công nghệ truyền thông, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông của trường cho rằng việc đào tạo thêm ngành mới, trước tiên để thí sinh có thêm lựa chọn ngành học yêu thích trong đợt xét tuyển sắp tới.
Trong đó, đối với hai ngành Công nghệ truyền thông và Ngôn ngữ Hàn, nhà trường chủ trương mở mới, đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực thời hội nhập và xu hướng công nghệ 4.0.
Có thể thấy, những ngành học mới là cơ hội cũng vừa là thách thức để thí sinh lựa chọn, thử sức mình ở những lĩnh vực nghề nghiệp mới trong tương lai.