Sự hình thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(VOH) - Để tạo các động lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cuối thập niên 1990, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành các quy định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các vùng liên tỉnh, đánh dấu sự hình thành các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua nhiều lần điều chỉnh quy mô và bổ sung, đến nay, nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành: TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

Vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử – văn hóa, là vùng lãnh thổ năng động, luôn đi đầu trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trong đó, đô thị đặc biệt TPHCM đóng vai trò hạt nhân.

Tuy chỉ chiếm hơn 6,5% diện tích tự nhiên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng TPHCM là nơi tập trung hơn 40% dân số vùng với mật độ khá cao, hơn 3.700 người/km2, gấp 6 lần so với mật độ dân số trung bình của toàn vùng.

Gia tăng dân số của TPHCM phụ thuộc nhiều vào gia tăng dân số cơ học, tốc độ gia tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm dần, trong khi tốc độ gia tăng dân số cơ học lại tăng giảm không ổn định, phụ thuộc vào nhu cầu nhân công phục vụ sản xuất, kinh doanh của TPHCM.

TPHCM chiếm hơn 60% dân số đô thị của toàn vùng, nơi hơn 1/3 dân số đô thị của cả nước đang sinh sống, tỷ lệ đô thị hóa của TPHCM cao hơn 1,5 lần so với toàn vùng, trong khi, tỷ lệ này của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cao gấp 1,6 lần so với cả nước. Đây là kết quả của quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng trong suốt nhiều thập niên qua tại TPHCM.

Tổng sản phẩm quốc nội GDP của TPHCM chiế khoảng 1/2 GDP của toàn vùng và chiếm gần 1/5 GDP của cả nước. Do đó, tình hình phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của các hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM.

Nhìn lại thực trạng đô thị hóa và phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thể thấy rõ vai trò quan trọng mang tính quyết định của TPHCM.

Với sự “áp đảo” về quy mô dân số và về tiềm lực kinh tế so với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, câu hỏi được đặt ra là vậy liệu mối quan hệ giữa TPHCM và các tỉnh trong vùng có mang tính cân bằng 2 chiều hay không, hay nói cách khác, TPHCM có thật sự cần liên kết với các tỉnh trong vùng hay không?

Câu trả lời là “có!” và để trả lời, cần xem xét liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò như thế nào trong quá trình phát triển của TPHCM và của các tỉnh trong vùng. Nội dung này sẽ được đề cập trong kì tiếp theo.