Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?

(VOH) - Nhiều người qua lại con đường trung tâm TPHCM là Lê Duẩn, đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng (Q.1) - cổng thành Gia Định xưa - đều thấy hai ngôi nhà kiến trúc Pháp sừng sững. Ít ai ngờ đó là tòa thành nhiều tuổi hơn nhà thờ Đức Bà.

Tất cả các sử liệu đều ghi: 8/3/1859, 19 ngày sau ngày thành Gia Định thất thủ, 32 ổ thuốc nổ đã phá tung nhiều đoạn tường thành Gia Định. Dinh thự kho tàng lẫn thóc lúa trong thành đều bị đốt phá. 

Từ nền thành Gia Định xưa, năm 1870 bản thiết kế một ngôi thành mới của hai kiến trúc sư người Pháp là Varaigne và A. Dupommier đã được vẽ và thi công, 11 năm sau khi các khối kiến trúc lớn của thành Gia Định bị nổ tung. 

Vật liệu xây thành lấy từ gạch, sắt của thành Gia Định vẫn còn ngổn ngang nơi đây. Bản vẽ này cho thấy thành mới chiếm diện tích chỉ bằng gần một nửa thành cũ, chu vi chỉ khoảng 1.400m; hiện nằm khớp trong bốn con đường: Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tuy nhiên, hàng loạt các các cuộc tập kích của người dân Gia Định liên tục diễn ra, thậm chí sát vách thành Gia Định từ dân đất Hộ (Đa Kao) cách đó hơn cây số khiến việc xây thành mới kéo dài đến ba năm, năm 1873 mới xong; đặt tên là Martin des Pallières là tên một tướng Pháp. 

Thành mới này gồm ba khối kiến trúc chính: hai khối nhà dài một trệt một lầu hai bên cổng và một khối nhà một trệt hai lầu xây cao hẳn trên nền đất. Tuy nhiên, phía ngoài tòa thành mới này vẫn còn hệ thống lũy đất quanh thành nên trong các bản đồ, hình vẽ trước 1900 hầu như đa số còn vẽ nguyên hình dáng thành Gia Định xưa (từ 1900, hệ thống lũy đất này mới bị san bằng nên các bản đồ sau đó không còn thấy hình dáng thành Gia Định xưa nữa.

Thành Martin des Pallières là nơi đóng quân đầu tiên của Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ thành lập năm 1869 trước đó. Năm 1890, trước hàng loạt cuộc khởi nghĩa diễn ra khắp nơi của dân Việt, trung đoàn này phát triển thành ba trung đoàn số 8, 10 và 11. Riêng Trung đoàn 11 đóng ở thành Martin des Pallières.

Năm 1900, trung đoàn này đổi tên là Trung đoàn bộ binh thuộc địa 11. Người dân Sài Gòn lúc đó và đến 1955 vẫn gọi đó là Thành Ông Dèm (phiên âm từ chữ số 11 của tiếng Pháp).

Cổng thành Ông Dèm lúc mới xây - trên đường Lê Duẩn hiện nay. Trước cổng thành vẫn còn là đồng cỏ (ảnh chụp từ góc ngã tư Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng hiện nay). Ảnh tư liệu 

Thật trớ trêu khi khu thành người Pháp chiếm được của người Việt 1859, 86 năm sau lại thành nơi quân Nhật giam giữ lính Pháp, người Pháp ở Sài Gòn sau cuộc đảo chính 09/3/1945.

Năm 1954, quân đội Pháp rút, bàn giao thành Ông Dèm cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngay sau đó vài tháng, đây lại là khu vực giao tranh giữa quân đội Sài Gòn lực lượng Bình Xuyên chống chính phủ khi quân Bình Xuyên nổ súng tấn công thành.

1955, khi nắm quyền Tổng thống VNCH, Ngô Đình Diệm đổi tên thành Ông Dèm ra thành Cộng Hòa và trở thành nơi đóng quân của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, rồi nhanh chóng nâng lên thành Liên đoàn, Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống với trang bị vũ khí, khí tài (pháo, xe tăng, xe thiết giáp, súng phòng không) cực mạnh, tương đương một sư đoàn.

Chính lực lượng này ngày 11/11/1960 đã kháng cự quyết liệt quân đảo chính, bảo vệ được Phủ Tổng thống dù trước đó, quân đảo chính đã chiếm Bưu điện SG, Bộ Tổng tham mưu, Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát đô thành, Bộ Tư lệnh Thủ đô...

Trong cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, dù Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống Phủ bị bắt nhưng quân đảo chính dù tấn công dữ dội vẫn không chiếm được thành. Mãi rạng sáng ngày 02/11/1963, lực lượng này mới buông súng theo lệnh tổng thống Ngô Đình Diệm khi ông bị bắt. Đây là thời điểm quyết định số phận thành Ông Dèm - thành Cộng Hòa. 

Sau đảo chính, Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống bị quân đảo chính giải thể.

Một tháng rưỡi sau, 14/12/1963, Hội đồng Quân nhân Cách mạng (VNCH) giao khu thành Cộng Hòa cho Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH để lập khu Đại học với ĐH Văn khoa, ĐH Nông lâm súc, ĐH Dược. Tòa nhà lính ở phía sau bị phá, thành Cộng Hòa bị cắt làm hai, thông đường Đinh Tiên Hoàng với đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).

Năm 1966, khu vực nhà ăn cuối thành Cộng Hòa trở thành Đài truyền hình VNCH kênh 9 và Đài truyền hình ARFVN kênh 11 (nay là khu vực Đài truyền hình TPHCM).

Và thành Ông Dèm - thành Cộng Hòa xưa nay còn lại hai tòa nhà hai bên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1), ngay trên trục đường trung tâm TPHCM Lê Duẩn. Đến nay đã 143 năm (1873-2016).