"Biến nguy cơ thành thời cơ"

(VOH) - Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, song vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Vùng đất này lại đang phải đối mặt với những nguy cơ tồn vong khi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua nhận được rất nhiều sự quan tâm. Những vấn đề như hạn mặn, lũ lụt, sụt lún, thiếu nước... đến nguy cơ xóa sổ vùng đất chín rồng đã được bàn từ nhiều năm trước, nhưng có lẽ chưa có hội nghị nào mổ xẻ đến tận cùng như "Hội nghị Diên Hồng" mới đây. Đó cũng là cơ sở để tin rằng, trước những thách thức sống còn, đồng bằng sông Cửu Long buộc và sẽ tận dụng cơ hội cất cánh bay cao.

Với dân số gần 20 triệu người, đồng bằng sông Cửu Long cung cấp lương thực cho 200 triệu người khác, đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Những con số quá đủ nói lên tầm quan trọng của vùng đất này. Thế nhưng, biến đổi khí hậu đã và đang đẩy đồng bằng sông Cửu Long vào những nguy cơ, thách thức nghiêm trọng chưa từng có. Các nhà khoa học cảnh báo, 50 đến 70 năm nữa, mực nước biển tăng cả mét, đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào khủng hoảng toàn diện, thậm chí biến mất, nếu không có các quyết sách chiến lược ngay từ bây giờ.

Những nguy cơ đó không còn là câu chuyện vĩ mô, mà đang hiện hữu gõ cửa từng nhà. Hơn ai hết, giờ đây mỗi người dân vùng châu thổ trù phú miền Tây đều có thể cảm nhận được. Như đợt hạn mặn thế kỷ hồi đầu năm 2016, khiến hơn một triệu người thiếu nước, sản xuất, hoa màu thiệt hại nặng nề, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trên 50% tổng chiều dài bờ biển đồng bằng sông Cửu Long đang bị sạt lở dữ dội, trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất. Có đến hàng trăm điểm sạt lở trên khắp vùng đất này, đe dọa cuộc sống, tài sản và tính mạng của người dân. Vụ sạt lở tại sông Vàm Nao hồi tháng 4 vừa qua khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng là một ví dụ.

Các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy. Như hiện tượng sụt lún lớn với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn nặng nề. Việc khai thác nước ngầm đã khiến đồng bằng sông Cửu Long chìm dần, tình trạng sụt lún nhanh hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Vì thâm canh, nông dân phải sử dụng hàng triệu tấn phân bón khiến đất đai hoang hóa, cạn kiệt dần nguồn dinh dưỡng. Việc khai thác cát cũng như nuôi trồng thuỷ sản thiếu khoa học khiến cho môi sinh của khu vực này càng tệ hại thêm… Rõ ràng, cùng với thiên họa, nhân tai cũng góp phần đẩy đồng bằng sông Cửu Long lún sâu hơn vào nguy cơ thảm họa.

Rất nhiều vấn đề cốt lõi và sát sườn đã được Hội nghị nêu trên phân tích, nhận diện đầy đủ và trực quan, mổ xẻ nguyên nhân, đề xuất những giải pháp đột phá. Trên thực tế, câu chuyện tìm kiếm mô hình tăng trưởng bền vững cho ĐBSCL không phải đến bây giờ mới được đưa ra. Nhưng làm thế nào hiện thực hoá một cách cụ thể và hiệu quả những quyết sách - mới là điều người dân đang mong chờ. Vì lẽ đó, Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, với mục đích tìm lời giải cho chiến lược phát triển ĐBSCL tầm nhìn thế kỷ là một cột mốc cực kỳ quan trọng. Vì rằng, ở đó - tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, các địa phương và cả nhân dân trong vùng đã được thể hiện rõ.

Vấn đề còn lại là hoạch định và hành động. Nguy cơ đang hiện hữu, nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất. Phải biến nguy cơ thành thời cơ, tổ chức, sắp xếp lại vùng, xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, tức là xác định sản xuất nông nghiệp, không phải canh tác nông nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, đặt mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân trong các kế hoạch phát triển. Cùng với đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn.

Không thể không nhắc đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trũng về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, khoảng cách phát triển ngày càng xa với thế giới trong làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn lúc nào hết, vùng đất chín rồng buộc phải bứt phá mạnh mẽ để rút ngắn khoảng cách - phải cất cánh bay cao - bằng nội lực và sự tiếp sức từ nhiều phía, để phát triển bền vững trước những thách thức sống còn.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và người dân. Chính phủ, Thủ tướng cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động mọi nguồn lực cho quá trình phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long. Thông điệp mạnh mẽ này đã tiếp thêm niềm tin và động lực cho các tỉnh, thành miền Tây nỗ lực vượt qua những nguy cơ đang vây bủa. Đưa vùng đất trù phú của gần 20 triệu dân phát triển xứng với tiềm năng, cần một chính sách phát triển vùng tổng thể, hội tụ được tri thức và bản lĩnh của nhiều phía liên quan. Từ sự điều hành, kiến tạo của Chính phủ, quyết tâm và nỗ lực của các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân, đến sự chung tay của các tổ chức xã hội, và đối tác nước ngoài.

Đã có nhiều bài học tham chiếu và tiếp thêm động lực cho đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Đất nước Israel khô cằn khắc nghiệt nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, phát triển vượt bậc. Hà Lan có 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển nhưng vẫn xây dựng nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao ngất ngưỡng. Vượt bao khó khăn, điều kiện khắc nghiệt, người Nhật đứng lên mạnh mẽ để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới. Và rõ nhất là nhiều bài học quý trong lịch sử dân tộc. Khi nước nhà thống nhất, từ đau thương mất mát, với tinh thần đoàn kết, bước đi thích hợp chúng ta đã khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dựng xây quê hương, đạt những thành tựu rất đỗi tự hào. Trong thách thức mới này, đồng bằng sông Cửu Long cần nỗ lực nhiều hơn, tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả nước và sự hợp tác quốc tế để phát triển vững bền. Trong đó, ý thức của người dân đồng bằng sông Cửu Long về tiêu trừ dần nhân tai có vai trò quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên họa, phát triển bền vững.