Các “hiệp sĩ” sẽ không còn đơn độc

(VOH) - Vì góp phần mang lại sự bình yên của thành phố, 2 "hiệp sĩ" đã ngã xuống, hy sinh cả tính mạng cho việc làm nghĩa khí âm thầm bao năm qua.

Mất mát và xót xa, nhưng sau sự việc đau lòng này, các “hiệp sĩ” chắc chắn sẽ không còn đơn độc trong cuộc chiến chống tội phạm.

Nhiều năm qua, người dân TPHCM, và một số tỉnh lân cận quen thuộc với hình ảnh "hiệp sĩ đường phố" rong ruổi thường xuyên trên các tuyến đường, sẵn sàng ngăn chặn bọn tội phạm lộng hành, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân. Trong khi không ít cư dân đô thị tỏ ra dửng dưng trước cái xấu, cái ác đang diễn ra trước mắt, vì ai cũng nghĩ không liên can đến mình, việc làm của các hiệp sĩ càng thêm đáng quý.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi một "hiệp sĩ" bị thương trong vụ việc ngày 13/5

Bằng tâm sức, mồ hôi nước mắt và cả máu để tham gia giữ gìn an ninh trật tự, nhưng chưa bao giờ các hiệp sĩ nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cơ quan chức năng.

Theo lãnh đạo Công an TP, hiện vẫn chưa tìm thấy quy định nào về mô hình này, nên sẽ nghiên cứu, kiến nghị các ngành chức năng ban hành quy định, cơ chế để có cơ sở quản lý quy củ. Những người tham gia bắt cướp cần được đào tạo bài bản về những vấn đề nghiệp vụ, tâm lý tội phạm... Đây là vấn đề đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay gần như không có gì thay đổi. Mô hình “hiệp sĩ” đã hoạt động trong một thời gian đủ dài để ngành công an nói riêng, và chính quyền đưa ra cách ứng xử phù hợp, chứ không phải kiểu nước đôi như hiện nay.

Ở một đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh, dù ghi nhận sự nỗ lực giữ gìn an ninh trật tự của ngành công an, nhưng rõ ràng, ở nhiều nơi, trộm cướp, tội phạm vẫn ngang nhiên lộng hành. Dư luận đòi hỏi ngành công an thể hiện nhiều hơn nữa, trong đó có tính hiệu quả trong quản lý địa bàn, phòng chống tội phạm, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Cư dân Thành phố thì nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa tội phạm, tính chấp hành pháp luật.  

Ai cũng biết, khi tham gia truy bắt tội phạm, chỉ có lòng nhiệt huyết thôi là chưa đủ. Kiến thức về pháp luật, lượng định, đánh giá tình huống, kỹ năng xử lý để tự bảo vệ mình, bảo vệ người xung quanh là những thứ mà hiệp sĩ rất cần được trang bị, tập huấn. Rồi chuẩn chất thế nào, đạo đức hiệp sĩ ra sao?  Không chỉ ngăn chặn tội phạm, mà còn phải bảo đảm các chứng cứ, dấu vết về tội phạm nhằm phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng.

Tại Bình Dương, mô hình các nhóm “hiệp sĩ” có sự liên kết chặt chẽ với công an và chính quyền địa phương, nên hoạt động phòng chống tội phạm được đánh giá rất hiệu quả. Mô hình này từng được nhiều nơi đến tham khảo, học tập kinh nghiệm, trong đó có Công an TPHCM. Song mọi việc sau đó vẫn không có gì đổi mới. Các nhóm “hiệp sĩ” tại Thành phố vẫn hoạt động tự phát mà gần như không có sự hỗ trợ nhiều từ ngành công an. Họ tự truyền đạt cho nhau kinh nghiệm, trao đổi kiến thức pháp luật, võ thuật, kỹ năng săn bắt cướp... Động lực của các “hiệp sĩ” chính là sự bình yên của thành phố, sự yêu quý của người dân. Người dân tri ân các hiệp sĩ, song cũng thật lòng lo lắng cho họ. Những hiểm nguy đã được cảnh báo. Các hiệp sĩ biết rõ và chính họ cũng bao phen gặp nguy hiểm tính mạng từ những tai nạn khi hành hiệp, bị tội phạm trả thù. Tổn thất đêm 13/5 vừa qua có thể coi như đỉnh điểm của mất mát, là thảm kịch với các “hiệp sĩ” đầy tinh thần trượng nghĩa. Từ thảm kịch cũng cho thấy các hiệp sĩ quá tự tin, không lường hết hậu quả.

Những kẻ thủ ác nhanh chóng bị lực lượng chức năng truy bắt, và chắc chắn sẽ nhận bản án thích đáng của pháp luật. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM đã kịp thời thăm hỏi, cảm ơn và động viên các “hiệp sĩ” gặp nạn cùng thân nhân của họ. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công an cũng như các địa phương lên tiếng, bày tỏ sự thương tiếc, khâm phục trước hành vi dung cảm của các hiệp sĩ. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ làm việc với Công an TP để tìm biện pháp bảo vệ các “hiệp sĩ” không quản nguy hiểm, xả thân bảo vệ bình yên cho người dân. Các tổ chức, cá nhân đã cùng nhau vận động, đóng góp số tiền lên đến hàng tỷ đồng chăm lo cho các “hiệp sĩ” gặp nạn và gia đình. Đó là sự tri ân kịp thời, và xứng đáng, bù đắp phần nào mất mát quá lớn cho gia đình các “hiệp sĩ” dũng cảm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hiệp sĩ bị nhóm trộm xe đâm trọng thương

Máu các anh đã đổ ! 2 người ngã xuống đã về với lòng đất mẹ. Tuy nhiên, để sự hy sinh của các “hiệp sĩ” không rơi vào quên lãng, đã đến lúc các ngành chức năng, đặc biệt là công an cần phải hành động quyết liệt, nghiên cứu cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế và tổ chức, hỗ trợ hoạt động của các “hiệp sĩ” một cách hiệu quả hơn, an toàn hơn, quy củ hơn.

Xã hội luôn cần những người nghĩa hiệp vì cộng đồng, vì cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng chính họ cũng phải hết sức ý thức sự an toàn cho bản thân mình. Cũng vì lẽ đó, chống tội phạm manh động, hung hãn, liều lĩnh, ngăn chặn cái ác, cái xấu cần sự chính danh. Mong và tin rằng, thời gian tới sẽ không còn xảy ra sự việc đau lòng như vừa qua.