Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở VN: "Đi tắt đón đầu”  

(VOH) - Tại lễ Khai khóa năm học 2016-2017, ngày 3/10 của ĐHQG TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự với vai trò diễn giả. Chủ tịch nước chỉ rõ, về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”; các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị”.

Nghe bài viết

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì? Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với cơ khí chạy bằng hơi nước đầu tiên diễn ra vào năm 1784, rồi đến sản xuất hàng loạt thiết bị chạy bằng động cơ điện bắt đầu từ năm 1870 là cách mạng công nghiệp lần thứ hai, lần thứ ba là cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử bắt đầu từ năm 1969. Hiện nay là thời của hệ thống sản xuất thực ảo, thiết bị kết nối điều khiển, tự động hóa một cách thông minh, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Robot sẽ dần chiếm việc làm của người lao động trên toàn thế giới. Ảnh: TTXVN

Cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.

Nói chuyện với thầy trò ĐHQG TPHCM, Chủ tịch nước khẳng định “Việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới; tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đi cùng với đó, đất nước cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù hợp thì sức ép đối với phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng…”.

Trước đó “Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam” (Vietnam ICT Summit 2016) diễn ra ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đây là cuộc cách mạng mới mà những nước đi sau như Việt Nam hoàn toàn có khả năng bắt kịp với thế giới và cũng là cơ hội để ta khai thác được nguồn lợi khổng lồ từ cuộc cách mạng này”.

Mới đây, ở diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực sông Mekong tại Hà Nội ngày 25/10, Thủ tướng đề xuất  định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mekong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Theo sách trắng của Bộ Thông tin Truyền thông, xếp hạng về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nằm trong Top 10 nước châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm.

Theo báo cáo của Tập đoàn Gartner,  TPHCM và Hà Nội tiếp tục nằm trong top 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm thế giới. Trong đó, TPHCM xếp thứ 17 và Hà Nội xếp thứ 22. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao rất lớn, đảm đương nhiều phần việc quan trọng trong Công nghiệp CNTT của Người Việt đang làm Công nghệ thông tin trên toàn thế giới.

Như thế, VN hội đủ điều kiện có và đủ để tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp đất nước ta “đi tắt đón đầu” rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới. Vấn đề là các nhà khoa học, các doanh nghiệp VN sẽ đón nhận cuộc cách mạng nầy như thế nào?

Đa số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% DN đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại. Ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thì rất thấp. DN kinh doanh chủ yếu dựa trên "quan hệ" với quan chức, khai thác chênh lệch giá đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm kiếm ưu đãi và chưa có chiến lược dài hạn.

Trong tổng số hơn 400.000 DN đang hoạt động, chỉ có 220 DN khoa học - công nghệ bằng 0,05% tổng số DN. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. Do đó, DN Việt Nam cần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp phải đảm an toàn và có nhãn mác, xuất xứ.

Bên cạnh đó, cần liên kết theo chuỗi giá trị với DN trong nước và nước ngoài. Doanh nhân phải am hiểu xu hướng khoa học - công nghệ để vận dụng vào sản xuất - kinh doanh, không chỉ trông chờ vào Nhà nước với những chính sách bảo hộ. Hội nhập quốc tế đòi hỏi DN cạnh tranh ngay trên "sân nhà" với đối thủ mạnh. DN cần liên kết các trường, viện để tạo chuỗi giá trị để phát triển khoa học - công nghệ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội vừa là thách thức cho nền kinh tế VN “đi tắt đón đầu. Về mặt nhà nước Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc tiến hành cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách quyết liệt và dứt khoát sớm hoàn thiện pháp chế, cải cách thủ tục hành chính thật minh bạch, thông thoáng, trong đó đặc biệt ban hành chính sách tài chính khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu thực hiện thành công thành tựu CNTT, giúp DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển CNTT. Nếu không rất có thể sẽ có nhiều nhà khoa học CNTT cùng doanh nhân Việt Nam thành lập DN tại Singapore, Thái Lan..., vì  thuận lợi khi đã có Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để cả nước ta cùng nhau tiến hành cách mạng công nghiệp lần thứ tư.