Cẩn thận với thực phẩm Tết

(VOH) - Hãy lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp tại những địa điểm uy tín nhằm có một ngày Tết vui trọn vẹn.

Đây chính là khuyến cáo của cơ quan chức năng dành cho người dân. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết của người dân tăng đột biến đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát. Điều này kéo theo tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng.

Bộ Y tế khẳng định trong đợt kiểm tra cao điểm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018, các mặt hàng tiêu dùng như bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại chỗ và có thể công bố kết quả ngay để xử lý nếu phát hiện vi phạm. Động thái này hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự yên tâm cho người dân cũng như mang ý nghĩa một thông điệp cảnh báo mọi người cần “tỉnh táo” khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình trong những ngày Tết.

Hiện nay nhiều địa phương vẫn có dấu hiệu “lơ là” công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, chỉ biết “phó mặc” cho cơ quan y tế. Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành thì hiệu quả kiểm tra không cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn liên ngành kiểm tra ATTP dịp Tết nguyên đán 2018 tại Hà Nội.

Bộ Y tế cho biết, các đoàn thanh kiểm tra của Trung ương chủ yếu đôn đốc, thanh kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương chứ không làm thay địa phương. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý. Đặc biệt, sẽ kết hợp lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại chỗ để cho kết quả ban đầu và có thể công bố ngay để xử lý sai phạm. Bộ Y tế cũng sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 178 theo hướng tăng mức xử phạt rất nặng với hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, rút giấy phép, công khai các đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cách làm này được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực cần thiết cho các địa phương nỗ lực hơn cũng như gây khó khăn cho thị trường làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy vậy, riêng các loại thực phẩm được quảng cáo hàng xách tay bán trên mạng internet có không ít sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao và việc quản lý, xử phạt còn hạn chế. Do đó, vấn đề này chủ yếu phụ thuộc vào chính người tiêu dùng cần đưa ra sự lựa chọn “thông minh” để cả gia đình mình có thể vui trọn ngày Tết.

Ở góc độ khác, người dân không nên tích trữ thực phẩm quá nhiều bởi yếu tố thời tiết có thể ảnh hưởng xấu đến việc bảo quản. Thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao ở miền Bắc khiến các loại thực phẩm rất dễ bị nấm mốc mà không ít người có thói quen rửa bỏ nấm mốc rồi lại sử dụng như bình thường, nhưng thực chất các loại thực phẩm vẫn bị ẩm và sinh ra chất độc. Trong khi đó, thời tiết ngày Tết thường nóng bức tại miền Nam dễ gây ôi thiu các thực phẩm nhiều đạm có thể làm người ăn bị ngộ độc, tiêu chảy vì nhiễm khuẩn. Do vậy, khuyến cáo chung đưa ra là mọi gia đình chỉ nên tích trữ thực phẩm mua vừa phải, đủ dùng.

Trong khi nguy cơ an toàn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu diễn ra chủ yếu ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì vấn đề ngộ độc bia rượu lại tiềm ẩn ở mọi nơi, từ thành thị cho đến nông thôn. Nhu cầu cho mặt hàng này luôn tăng đột biến vào dịp Tết và địa điểm, nguồn cung cấp thì cũng như “nấm mọc sau mưa”. Vấn nạn này trên thực tế không dễ kiểm soát nên điều quan trọng nhất là người dân cần tự ý thức hạn chế việc sử dụng bia rượu và tuyệt đối không sử dụng các loại bia, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngộ độc bia rượu không chỉ gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng cho chính người dùng mà kéo theo những hệ lụy khác như an toàn giao thông hay an ninh trật tự xã hội. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu rõ và cần hết sức lưu ý phòng tránh.

Trên hết, một lần nữa cần khẳng định vấn đề an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết phải có sự kết hợp từ nhiều phía: từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan chức năng đến người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh, cung ứng thực phẩm. Nếu những mối liên kết này được thắt chặt thì cũng đồng nghĩa với việc đẩy lùi cơ hội cho sản phẩm hàng gian, hàng giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. Trong đó, điểm cốt lõi chính là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực từ cơ quan chức năng Trung ương cũng như địa phương; sự nhận thức đầy đủ, lựa chọn tiêu dùng thông minh từ người dân và sau cùng là sự tận tâm, thể hiện đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong việc xây dựng mạng lưới cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Có như vậy thì ngày Tết mới vui trọn vẹn với mọi người, mọi nhà.