Phòng bệnh mùa tựu trường : Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, giáo viên và ngành y tế

(VOH) - Khi vào môi trường tập thể, làm sao để sức khỏe của trẻ em lứa tuổi mầm non được đảm bảo, không phát sinh bệnh tật nguy hiểm là mục tiêu hàng đầu hướng đến.

Mùa tựu trường đã chính thức bắt đầu, trẻ em lứa tuổi mầm non sau thời gian nghỉ hè đã bắt đầu quay lại trường. Khi vào môi trường tập thể, làm sao để sức khỏe của trẻ được đảm bảo, không phát sinh bệnh tật nguy hiểm là mục tiêu hàng đầu hướng đến.

Gửi con vào trường mầm non, điều cha mẹ luôn quan tâm là làm sao sức khỏe của con em mình được đảm bảo. Vì thế hơn bao giờ hết, phòng chống dịch bệnh tại trường học đặc biệt tại trường mầm non, nhà trẻ cần được quan tâm, riêng với các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình lại càng phải chú trọng.

Thực tế cho thấy, một khi có ổ dịch trong trường học thì điều nguy hiểm nhất là việc làm sao khống chế, dập tắt ổ dịch vì tốc độ lây lan trong môi trường tập thể khó lòng kiểm soát. Do vậy công tác giám sát tại trường học rất quan trọng. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường sức đề kháng kém lại chưa quen sinh hoạt, học tập trong môi trường tập thể sẽ rất hay mắc bệnh.

Nguy hiểm hơn, với các bệnh dễ lây lan như tay chân miệng, hay sởi thì việc giám sát tại các lớp học, các nhóm trẻ càng phải được lưu tâm vì chỉ cần sơ sẩy, khả năng một trẻ mắc bệnh rồi lây qua cho nhiều trẻ khác rất nhanh.

Với bệnh tay chân miệng đáng ngại vì đây là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch do siêu vi trùng đường ruột gây ra, lại chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây tổn thương thần kinh, gây viêm não, viêm màng não, liệt, nguy cơ trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não về lâu dài. Lo ngại hơn khi bệnh này thường xảy ra dưới 5 tuổi.

Nghe bài Phòng bệnh mùa tựu trường : Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, giáo viên và ngành y tế

 

Phòng bệnh mùa tựu trường

Ảnh minh họa: congluan

Bên cạnh bệnh tay chân miệng thì những ngày gần đây, bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc. TPHCM cũng đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhi có kết quả dương tính với sởi đến từ các tỉnh thành. Đầu năm đến nay đã có 5 trường hợp mắc sởi. Nguy hiểm hơn với bệnh này một khi đã có trẻ mắc sởi thì tốc độ lây lan vô cùng nhanh mà thực tế bài học về dịch sởi năm 2014 đã cho thấy rất rõ điều đó. Đến khi bùng phát thành dịch thì hậu quả e rất khó lường.

Chính vì vi rút sởi lây trực tiếp qua tiếp xúc thông thường nên tại trường học sẽ là môi trường thuận lợi dẫn đến bùng phát dịch... Do vậy, đối với các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ dễ phát sinh trong trường học cần được chủ động giám sát và người đảm nhận vai trò này không ai khác chính là giáo viên phụ trách lớp của trẻ.

Tuy vậy, cần phải thừa nhận tại hệ thống trường công lập, một nghịch lý hiện nay vì áp lực học sinh tăng, sỉ số lớp khá đông. Một lớp khối mầm non hơn ba mươi trẻ là chuyện bình thường. Trách nhiệm giáo viên đứng lớp sẽ rất nặng nề, áp lực rất nhiều, bên cạnh phải hoàn thành theo đúng giáo án chương trình, rồi phải đảm bảo chuyện ăn – ngủ cho trẻ thì việc giám sát bệnh đôi khi khó bao quát hết được.

Để công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường mầm non được căn cơ, bài bản thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, giáo viên cũng như y tế dự phòng. Phụ huynh phải là người thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe con em mình, nếu thấy trẻ có vấn đề cần phải cho đi khám ngay tránh đưa trẻ vào trường vì có thể sẽ là mầm bệnh lây cho các trẻ khác.

Còn tại lớp học, vai trò giáo viên sẽ rất quan trọng để phát hiện, cách ly kịp thời khi phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên, tránh để lây lan giữa các trẻ với nhau. Bên cạnh đó, công tác tập huấn y tế học đường đối với đội ngũ giáo viên tại trường mầm non phải thực chất, đi vào chiều sâu. Quan trọng nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng để khi áp dụng vào thực tế, giáo viên thực hiện một cách thuần thục, chuẩn xác trong phát hiện, lọc bệnh tại lớp học.

Còn nếu không may có ca bệnh xảy ra thì y tế dự phòng phải vào cuộc một cách khẩn trương, tăng cường vệ sinh khử khuẩn cùng các biện pháp dập dịch ngay, không để lây lan trên diện rộng./