Đạo đức con người của nhà báo là nền tảng hình thành đạo đức nghề nghiệp người làm báo

(VOH) - VOH online giới thiệu tham luận của ông Lê Công Đồng - Giám đốc, Tổng biên tập Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - tại tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay".

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là một phạm trù rất rộng, nhưng trong giới hạn đạo đức học và thực tiễn hành nghề, có thể tạm thời phân định thành 2 cấp độ: Đạo đức con người bình thường của nhà báo và đạo đức trong tác nghiệp hành nghề của nhà báo. Và điều này ngoài quy định pháp luật (trong đó có Luật Báo chí) thì quy định đạo đức nhà báo cũng đã quy định đầy đủ.

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài TNND TPHCM (trái) đang trao đổi với đại biểu bên lề buổi Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” sáng 24/10 voh.com.vn

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài TNND TPHCM (trái) đang trao đổi với đại biểu bên lề buổi Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” sáng 24/10.

Như bao con người bình thường khác trong xã hội, trước hết nhà báo cần phải có được những yêu cầu cơ bản của đạo đức một con người; đó là trách nhiệm, lương tâm, chuẩn mực hành vi ứng xử, lời nói và các giá trị chuẩn mực xã hội khác mà văn hóa loài người tạo nên. Nhà báo trước hết phải là một con người sống có đạo đức, biết nghĩ đến người khác, biết yêu thương, chia sẻ, sống khiêm tốn, giản dị, không tự cao, tự đại, kiểm soát lòng tham, sự ham muốn về địa vị, tiền bạc, danh vọng…

Đạo đức con người bình thường của nhà báo là điều kiện tiên quyết hình thành đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bởi suy cho cùng, bao trùm đạo đức nghề nghiệp là đạo đức con người và đạo đức nghề nghiệp thực ra chỉ là sự thể hiện một cách cụ thể đạo đức của con người trong quá trình hành nghề của nhà báo với những yêu cầu, đòi hỏi cụ thể bởi đặc trưng của nghề báo. Không thể xây dựng được đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nếu như người làm báo thiếu đi những giá trị đạo đức cơ bản của một người bình thường.

Vì vậy, không chỉ đợi đến khi có được một nhà báo chúng ta mới bắt đầu nói đến việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp người làm báo, mà điều đó cần phải được học và rèn luyện từ khi còn ngồi ghế giảng đường đại học, được giáo dục từ thuở bé, cho đến những năm học phổ thông. Nói cách khác, nền tảng đạo đức nghề nghiệp đội ngũ người làm báo được hình thành không chỉ dựa trên sự rèn luyện của ngày hôm nay trong quá trình tác nghiệp làm báo, mà nó phải được dẫn dắt từ nền tảng của chất lượng giáo dục đạo đức trong gia đình, học đường và xã hội mà nhà báo được tiếp cận trước khi làm nghề. Chính chất lượng giáo dục chuẩn mực đạo đức con người của nhà báo là nền tảng quan trọng để cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, Hội nhà báo… khả dĩ xây dựng và củng cố được chất lượng đạo đức người làm báo.

Một người biết kiểm soát lòng tham và sự ham muốn về địa vị, tiền bạc, danh vọng… thì mới hết lòng, hết sức thực hành nghề nghiệp một cách vô tư, vô tư làm việc, vô tư sinh hoạt, vô tư cống hiến một cách “thánh thiện” chức trách một nhà báo chân chính, nhà báo của nhân dân và từ đó mới vô tư với tham vọng thấp hèn, mới có thể hy vọng trở thành một nhà báo biết nói không với cám dỗ của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực khi tác nghiệp. Một người sống biết nghĩ đến người khác, biết yêu thương chia sẻ… mới có thể trở thành một nhà báo biết cảm nhận nỗi đau của người khác khi đặt bút viết, biết cảm thông với những góc cạnh vấn đề nhạy cảm liên quan đến người thân đối tượng khi thể hiện chừng mực sự thật của vấn đề phản ánh…

Nói chung, người ta chỉ tin một người sống có đạo đức trong đời thường mới có thể trở thành một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp. Dĩ nhiên, ranh giới của chữ có thể ở đây là một biến số không đơn giản như người ta vẫn nghĩ, bởi những thứ cám dỗ với nhà báo là không giới hạn, có tác động nhiều chiều, nhiều cấp độ, ảnh hưởng không nhỏ tới những chuẩn mực mà trước đó nhiều khi người ta không tin một nhà báo có đạo đức tốt như vậy mà có thể mắc phải. Vì vậy, là một người có đạo đức chuẩn mực chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để bảo đảm trở thành nhà báo có đạo đức nghề nghiệp.

Điều kiện đủ đó chính là sự liên tục học tập, liên tục rèn luyện, thường xuyên làm chủ và tự kiểm soát bản năng con người trong mỗi nhà báo, bởi nghề báo là một nghề đặc biệt với sức mạnh vốn dĩ của công luận, nghề báo là một nghề thường xuyên và liên tục tiếp cận với mọi thành phần, nhiều sự việc, đôi khi giữa cái đúng, cái sai của sự việc không dễ phân định; đó là chưa kể đến những cách thức tiếp cận phong phú, đa dạng và nhiều thủ đoạn trong cuộc đời mà mỗi nhà báo thường vẫn phải đối mặt trong công việc hàng ngày.

Mặt khác, nghề báo là một nghề đặc biệt nên trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của nhà báo cần phải được đề cao, đòi hỏi phải được thẩm thấu trong huyết mạch hành nghề của từng nhà báo. Khi tác nghiệp trên hiện trường cũng như thể hiện trên mặt báo, làn sóng, màn hình, nhà báo trước tiên phải ý thức trách nhiệm công dân của mình.

Anh có thể biết nhiều, biết hết ngóc ngách của vấn đề và thậm chí nghề nghiệp yêu cầu anh phải biết sâu, đi đến tận cùng của sự thật nhưng anh phải ý thức nhiệm vụ của nhà báo, của báo chí phản ánh đầy đủ, đúng đắn, chân thật nhưng trên cơ sở tính Đảng, tính dân tộc và tính đại chúng. Không phải mọi thông tin nhà báo nắm được, có được đều được lên mặt báo. (Ông bà ta thường nói “Biết nhiều nói một ấy là biết” và nhà báo phải biết “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói).

Chỉ khi ý thức trách nhiệm công dân của mình thì trên hiện trường tác nghiệp nhà báo mới không có những biểu hiện lời nói, hành vi ứng xử vi phạm những quy định pháp luật báo chí, quy định pháp luật hiện hành; khi thể hiện việc thu thập thông tin, tác nghiệp phỏng vấn cũng như thể hiện thông tin trên mặt báo, làn sóng… nếu nhà báo ý thức tốt trách nhiệm công dân thì không dẫn đến những vi phạm quy định làm phương hại đến quyền và lợi ích người khác đến xã hội và đến đất nước. Một nhà báo ý thức tốt trách nhiệm công dân là một nhà báo trước hết phải tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình tác nghiệp.

Nhà báo là người giữ vai trò công luận, có tầm ảnh hưởng lớn, nên trách nhiệm xã hội của nhà báo càng được đề cao. Mỗi nhà báo cần luôn ý thức rõ trách nhiệm xã hội của mình là rất lớn khi hành động tác nghiệp cũng như hành xử trong cuộc sống. Trách nhiệm xã hội của nhà báo thể hiện ở thái độ và hành vi hướng đến mục tiêu vì tổ quốc, vì dân tộc, làm xã hội tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, nhân bản hơn…

Chẳng hạn, thông tin sự thật, thông tin cái công chúng cần biết là nguyên tắc nghề nghiệp của nhà báo, nhưng với trách nhiệm xã hội của nhà báo thì phải được lọc bằng một nguyên tắc lớn hơn, nhân bản hơn; đó là nguyên tắc đạo đức của lòng yêu nước, của tình người, của lợi ích xã hội, của giá trị văn hóa, đạo đức… Vì vậy, bên cạnh chuẩn mực về tính chính xác, khách quan, thì trách nhiệm xã hội của người làm báo còn mách bảo lý trí nhà báo về tính quan trọng của lợi ích cộng đồng, mà vụ nước mắm nhiễm asen vừa qua là một bài học đắt giá.

Nhà báo của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngoài trách nhiệm nhà báo, phóng viên Đài còn ý thức mình là công dân Thành phố và hơn nữa là viên chức của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, nhà báo của Đài luôn tự tu dưỡng và luôn được yêu cầu là phải kết hợp tốt giữa xây và chống, trong đó lấy xây làm chính.

Nhà báo của Đài phải luôn tìm tòi, phát hiện cái hay, cái mới, cái tích cực của con người và của Thành phố để phản ánh, để tôn vinh, để quảng bá cho mọi người biết và noi theo, ngoài ra còn tìm tòi, tổng kết để hiến kế, để tham mưu giải pháp khả thi cho chính quyền, Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố biết, chọn lựa thực hiện. Do đó, chương trình của Đài luôn phản ánh nhanh, đầy đủ, chính xác thông tin, tình hình của Thành phố và cơ sở. Về chống, Đài không đao to, búa lớn mà mềm mại, nhẹ nhàng để góp ý, phản ánh, đấu tranh với cái cũ kỹ lạc hậu; cái tồn tại, tiêu cực; cái xấu để mọi người thấy, “dù nhẹ mà sâu, nhẹ mà đau” để cùng sửa, cùng bỏ cái xấu, cái cũ đi.

Năm 2017, toàn Đài đang tích cực, khẩn trương nâng cao chất lượng nội dung từ bộ phận hành chính, kỹ thuật đến đội ngũ phóng viên, cán bộ nội dung để phát triển làn sóng, ổn định chất lượng kỹ thuật và duy trì các nội dung, chương trình còn thấp kém và bổ sung hoàn thiện thêm những nội dung, chương trình mới, góp phần nâng cao chất lượng nội dung trong thời gian tới.

Nói tóm lại, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến nhà báo xảy ra rất đáng tiếc, thậm chí liên quan đến cả pháp luật, chỉ vì ý thức công dân và ý thức trách nhiệm của nhà báo chưa được nâng cao, làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của nhà báo.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, quy định đạo đức người làm báo không chỉ là bổn phận, nguyên tắc hành nghề mà đó còn là lương tâm, trách nhiệm xã hội nghề nghiệp người làm báo. Đạo đức nghề nghiệp người làm báo được hình thành trên nền tảng của đạo đức con người bình thường của nhà báo được vận dụng cụ thể trong nghề nghiệp đặc thù – nghề báo.