Để nối dài những kỳ tích thể thao

(VOH) - Năm 2016 là một năm đầy khởi sắc của thể thao Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhưng sau những vinh quang, làm thế nào để nối tiếp và phát huy thành quả lại là câu chuyện không dễ dàng.

Hoàng Xuân Vinh và tấm huy chương vàng Olympic 2016 - Ảnh: K14

Tấm huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 hay thành tích ấn tượng của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic - những chiến công ấn tượng được gọi là đại kỳ tích đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng chưa bao giờ khiến người hâm mộ thôi hưng phấn. Cùng với đó, đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá U20 Thế giới tại Hàn Quốc, tuyển futsal lọt vào top 16 đội mạnh nhất vòng chung kết thế giới futsal 2016… những chiến tích quá đỗi tự hào, mà có lúc tưởng như giấc mơ, xa ngoài tấm với. Nhưng sau những vinh quang, làm thế nào để nối tiếp và phát huy thành quả lại là câu chuyện không dễ dàng. 

Lần đầu tiên trong lịch sử được tham dự một kỳ World Cup nhưng đội futsal Việt Nam đã gây bất ngờ lớn khi lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất. Bất ngờ là một trong những yếu tố làm nên sự cuốn hút của bóng đá. Và có cả may mắn.

Nhưng quan trọng hơn, đó là trái ngọt của một quá trình đầu tư đầy tâm huyết và có chiều sâu. Trước khi tạo ra kỳ tích ở World Cup, đội tuyển futsal đã liên tục chinh chiến, cọ xát với các đối thủ đẳng cấp cao, tập huấn, khổ luyện và học hỏi không ngừng ở những quốc gia mạnh nhất về bộ môn này.

Chính quá trình đó góp phần mang lại sự tự tin, bản lĩnh cho futsal Việt Nam ở sân chơi thế giới ngay lần đầu góp mặt. Hành trình đó là nền tảng mang đến thành công, chứ không chỉ trông chờ vào sự bất ngờ và may mắn.

ĐT Việt Nam lọt vào chung kết Futsal World Cup 2016 sau kỳ tích đánh bại Nhật Bản - Ảnh: TTVH

Cùng với futsal, bóng đá Việt Nam đã ghi dấu ấn đặc biệt trên đấu trường quốc tế với suất dự World Cup của đội tuyển U.19. Và năm nay, lứa U19 đó sẽ khoác áo đội tuyển U.20 Việt Nam tranh tài cùng những đội bóng trẻ hay nhất thế giới.

Đây là cơ hội lớn cho bóng đá Việt Nam giới thiệu mình với bạn bè quốc tế, để những hy vọng cho tương lai của bóng đá nước nhà bước ra biển lớn, nâng tầm nhìn, nâng cao trình độ. Thế nhưng, đội tuyển đã vấp phải nhiều khó khăn ngay từ quá trình chuẩn bị cho việc nối dài kỳ tích với những nguyên nhân chủ quan đáng trách.

Đơn cử, vừa lên kế hoạch triệu tập cầu thủ khoảng 2 tháng trước khi sang Hàn Quốc dự World Cup, HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải nhận sự chỉ trích từ một số đội bóng với nhận định rằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các CLB, thậm chí từ chối nhả quân. Phản ứng này cho thấy bóng đá Việt Nam hiếm khi có được sự đồng thuận ở cách đầu tư, biết nghĩ cho cái chung hơn lợi ích riêng.

Sẽ không quá lời khi gọi việc tham dự World Cup là vận hội lớn của bóng đá nước nhà. Nhưng, ngay cả trước vận hội ấy, còn không có tiếng nói chung cho niềm tự hào màu cờ sắc áo thì khó mà nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề xấu xí, những tồn tại nổi cộm khác của bóng đá Việt như thời gian qua.

Những tồn tại như thế không hiếm với thể thao Việt Nam. Như trường hợp VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước, khi sự phát triển của tài năng này bị ảnh hưởng không nhỏ từ sự bất đồng giữa đơn vị chủ quản và ngành thể thao trong việc đầu tư, tập huấn. Hay như tài năng Nguyễn Diệp Phương Trâm, từng gặp nhiều rắc rối xung quanh hợp đồng đào tạo và hiện tiếp tục vướng khó khăn trong việc đầu tư, tập huấn, dù đã được một doanh nghiệp tài trợ kinh phí cao kỷ lục để phát triển tài năng.

Ngay như môn bắn súng, môn thể thao mà Hoàng Xuân Vinh bước lên đỉnh cao Olympic, nhiều VĐV đã và vẫn đang tập bắn bia giấy, bắn súng không có đạn, điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Rồi thêm bóng bàn, taekwondo… cũng như nhiều môn thể thao khác, việc đầu tư và kỳ vọng thành tích luôn tỷ lệ nghịch với nhau.

Kể sơ những tồn tại, bất cập đó để thấy rằng, thành quả mà chúng ta gặt hái thời gian qua vẫn chưa không phản ảnh được sự phát triển bền vững của nền bóng đá, của nền thể thao. Thành quả, chiến tích đã đạt được là trái ngọt của những nỗ lực  đáng tự hào, song để duy trì và phát huy lại là cả một hành trình dài.

Trên hành trình đó, phải khắc phục cho được những khó khăn, tồn tại, những nghịch lý chủ quan. Vì thành công chung, vì màu cờ sắc áo, khi cần thiết phải gạt sang một bên những lợi ích riêng, cục bộ. Những mô hình, điển hình thành công như Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, sự phát triển của futsal, các học viên bóng đá trẻ tư nhân… là những điểm sáng ngay trước mắt.

Để nối dài kỳ tích, để nền thể thao phát triển bền vững, cần nhiều hơn những điểm sáng như thế. Điều này phụ thuộc vào nhà quản lý, người điều hành liệu có tầm, có tâm, dám hy sinh cho sự nghiệp chung của thể thao nước nhà.