Đừng để người dân tự đối phó với thực phẩm bẩn

(VOH) - Vấn nạn thực phẩm đang đe dọa đời sống, sức khỏe của hàng triệu người dân Việt có nhiều nguyên nhân. Trong đó, bên cạnh nguyên nhân về môi trường, đáng lo ngại nhất vẫn là lòng tham của nhà sản xuất, người cung cấp hàng hóa, chế biến… khi sử dụng các loại hóa chất cấm không có trong danh mục được sử dụng để chế biến thực phẩm nhằm thu lợi bất chính, mà các biện pháp quản lý, chế tài chưa giải quyết hay cải thiện được tình hình.

Trong mấy năm gần đây, nhiều vụ thực phẩm bẩn được các cơ quan phát hiện và xử lý càng khiến người tiêu dùng lo ngại đến vấn đề sức khỏe cho bản thân và gia đình khi hàng ngày sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Rau muống tưới nhớt, măng ngâm hóa chất, thịt nhiễm bệnh, trái cây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Đó mới chỉ là “bề nổi” trong muôn vàn thực phẩm hiện nay đang xuất hiện ngoài thị trường và tồn tại hàng ngày trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà cơ quan quản lý không thể kiểm tra và xử lý hết được.

Rau muống sinh trưởng nhanh, đẹp là nhờ các loại thuốc? Ảnh minh họa: Zing

Làm thế nào để phát hiện và tẩy chay thực phẩm bẩn, đồng thời an tâm với thịt sạch, rau sạch. Đó là vấn đề mà người dân đang mong chờ từng ngày, từng ngày lời giải đáp. Tuy nhiên, câu trả lời hiện nay vẫn còn ”bỏ ngỏ ” và để đối phó với vấn nạn này thì người dân đã tìm nhiều cách để có thể “né” thực phẩm bẩn trong bữa ăn hằng ngày của mình. Có nhiều cách mà người dân đang thực hiện như: tự trồng rau sạch, nuôi gà, heo để sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Dĩ nhiên, biện pháp này cũng không mấy khả thi vì đâu phải nhà nào cũng có điều kiện để trồng rau hay nuôi gà, nuôi heo. Do vậy, người dân vẫn tiếp tục tìm nhiều cách khác để nhận diện thực phẩm bẩn. Hiện nay trên thị trường  đang xuất hiện nhiều máy được giới thiệu có khả năng phát hiện dư lượng nitrat có trong phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản trên rau củ, trái cây, thịt, cá. Không biết chiếc máy này có hiệu quả như những gì người bán quảng cáo, nhưng với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan không biết đâu mà lần như hiện nay, người dân phải tự tìm cho mình lối ra bằng việc mua máy và cầm theo để "test" hàng trước khi mua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì bộ thử này chỉ phát hiện nhóm hóa chất bảo vệ thực vật gốc lân và carbamat, trong khi nông dân còn sử dụng nhóm thuốc trừ sâu họ cúc, thuốc bảo vệ thực vật gốc clo hữu cơ, phốt pho hữu cơ. Về chỉ tiêu đạm nitrat, thì hiện tại Việt Nam không có quy định ngưỡng an toàn. Đạm thì có vô cơ và hữu cơ, bản thân thịt, cá cũng có đạm nội sinh nên không thể tin tưởng vào sự đánh giá của các máy đang bán tràn lan trên thị trường. Theo Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại máy này chủ yếu xử lý một số vi sinh trên bề mặt. Còn các loại kháng sinh, chất tạo nạc salbutamol, vàng ô… có tính bền cao, không phân hủy qua việc chế biến, máy gần như không có tác dụng.

Với sự bất an về thực phẩm bẩn hiện nay, thì người dân chỉ còn biết trông chờ vào lương tâm của người sản xuất, chế biến, bởi không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn hay an toàn bằng mắt thường hay bằng cảm tính được. Hiện nay, nhiều địa điểm bán rau tự gắn mác là rau an toàn, rồi nhiều phiên chợ bán rau sạch, an toàn, hay vài trang web bán rau sạch an toàn đã xuất hiện trước nhu cầu cần mua thực phẩm sạch, thu hút rất đông người tiêu dùng. Tuy nhiên, các loại hàng hóa này có sạch, an toàn không thì chưa có gì bảo đảm.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến bữa ăn hằng ngày của người dân, phải có giải pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, đồng thời, cung cấp cho người dân những địa chỉ tin cậy để mua sản phẩm an toàn. Đừng để người dân phải tự đối phó với thực phẩm bẩn như hiện nay.