Giới hạn của phán xét

(VOH) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây mại dâm quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ nhiều người mẫu, diễn viên, MC đi khách với giá hàng ngàn đô la.

Thế nhưng điều đáng bàn là thông tin đời tư của một số đối tượng vi phạm bị công khai tràn lan có thể khiến họ mất đi cơ hội trở lại với cuộc sống đời thường dù đó chỉ là vi phạm hành chính.

Xin khẳng định ngay, tổ chức môi giới và mua bán dâm là hoạt động trái pháp luật, bị nghiêm cấm và được quy định cụ thể tại “Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003”. Các quy định điều chỉnh khác cũng chỉ rõ những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự là mua dâm người dưới 18 tuổi hay người bán, người mua dâm có hành vi lây truyền HIV cho người khác. Những kẻ tổ chức chứa mại dâm, môi giới mại dâm thì bị phạt tù tùy theo mức độ và tính chất vụ việc.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật cũng chỉ rõ cả hai hành vi mua dâm và bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp giáo dưỡng tại địa phương trong khi không có quy định phải công khai danh tính của đối tượng vi phạm. Ngay cả Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về “công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính” thì hành vi mua bán dâm cũng không thuộc trường hợp được phép công khai.

 Nghe nội dung bình luận Giới hạn của phán xét

Thế nhưng, mỗi khi một vụ án mại dâm nào liên quan đến những hotgirl, người mẫu, diễn viên, MC... bị khám phá thì liền sau đó, thông tin đời tư về đối tượng vi phạm bị công khai rõ mười mươi trên các trang mạng xã hội.

Thậm chí có ý kiến đặt ra, khi đã công khai người bán dâm thì cũng phải bêu luôn tên tuổi người mua dâm vì hoạt động mại dâm là vi phạm thuần phong mỹ tục làm băng hoại đạo đức, là mầm mống phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình... cần phải bị lên án mạnh mẽ.

Thế nhưng cả 2 cách ứng xử như trên đều không ổn, thậm chí là không được phép nếu xét về lý lẫn tình.

Ảnh minh họa - Nguồn: PLO

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Cho nên những thông tin phơi bày danh tính, bí mật đời tư của đối tượng chỉ phạm lỗi hành chính là có phần bất nhẫn.  

Chúng tôi từng nghe câu chuyện về một cô gái đã sa vào con đường này. Sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng, trở lại đời thường cô chẳng dám đối diện với ai vì danh tính trước đó bị người ta công khai, bêu xấu. Cô từng có ý định sống buông thả, bất chấp tương lai vì thấy bản thân khó có nơi dung nạp mình.

Trong tình cảnh tưởng như không còn hy vọng làm lại cuộc đời thì may mắn có một bàn tay chìa ra làm thay đổi quãng đời còn lại của cô. Đó là tình yêu của một người bạn đời trong một tổ chức từ thiện. Người ấy biết rõ hoàn cảnh của cô gái này nhưng tự nguyện chấp nhận và cùng xây đắp một tổ ấm gia đình.

Giờ đã có 2 mặt con nhưng ngay cả khi được người chồng rộng lượng với quá khứ không lấy gì tốt đẹp của mình, cô ta vẫn phải sống khép mình vì miệng lưỡi thế gian và bị ám ảnh bởi áp lực thông tin cá nhân còn tràn lan trên mạng.

Rõ ràng, với người bán dâm, vi phạm này chẳng phải là kết thúc cuộc đời mà họ còn cả một tương lai. Nhưng nếu cứ bị phỉ nhổ, hình ảnh, thông tin đời tư bị khai thác một cách thái quá sẽ đẩy số phận con người vào thế cùng cực, không lối ra. Đó là chưa nói đến tình huống tiêu cực khi họ chọn cách trả thù đời thì chẳng biết hậu quả sẽ thế nào?! 

Còn với người mua dâm, càng không thể tiết lộ thân phận của họ. Ở đây chúng ta chưa bàn đến số tiền khủng vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn đô cho một lần mua vui từ đâu mà ra, nhưng việc bị thông báo về địa phương, gia đình cũng là quá đủ khiến họ phải chịu áp lực không nhỏ cho hành vi sai trái của mình trước người thân. Còn trong trường hợp danh tính bị công khai thì thử hỏi hạnh phúc gia đình, sĩ diện của người thân, con cái họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Vì vậy khi đưa ra những quy định điều chỉnh hành vi vi phạm, các nhà làm luật cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa giới hạn của pháp lý và tính chất nhân văn của vấn đề, từ đó phân biệt, phân loại từng mức độ hành vi để áp dụng các hình thức xử phạt phù hợp.

Pháp luật rất công bằng khi trừng phạt người vi phạm nhưng cũng không tước đi cơ hội được làm lại cuộc đời của họ. Chỉ có tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, những kẻ phạm pháp không còn khả năng cải tạo thì pháp luật mới loại bỏ họ khỏi đời sống xã hội. Còn lại, pháp luật luôn xét đến sự khoan hồng, tạo điều kiện cho những đối tượng vi phạm trở về với cuộc sống đời thường.

Trong khi đó, dù được phép hay không thì khi thông tin về các vụ việc như thế này cũng cần dựa trên các nguyên tắc nghề nghiệp, lương tâm, đạo đức, kể cả những quy định của Luật Báo chí.

Một bộ phận những cư dân mạng “hà hơi tiếp sức” buông những lời thị phi, mạt sát và phơi bày đời tư những đối tượng vi phạm trước bàn dân thiên hạ một cách mất kiểm soát. Trong bối cảnh như vậy thì mỗi động thái từ bàn phím share, like, bình luận chẳng khác nào là một nhát dao cứa vào nỗi đau người khác.

Không ai cấm chúng ta phê phán hoặc chê bai điều gì nhưng có nhiều cách tiếp cận để thể hiện chính kiến mà vẫn không tước đi cơ hội để những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Chúng ta thay vì "đạp" họ xuống bùn thì nên mở ra cho họ con đường sống tử tế và đàng hoàng. Ai mà không mắc sai lầm trong cuộc sống này? Vậy chúng ta hãy thử đặt mình vào trường hợp người khác sẽ tự khắc có những ứng xử chuẩn mực hơn. Đó chính là giới hạn cuối cùng trước khi chúng ta đưa ra phán xét.