Hy vọng về những kết quả tích cực

(VOH) - Hôm nay (27/2), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội.

Sự kiện được dư luận thế giới trông đợi suốt nhiều tuần qua này sẽ có thể quyết định tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc chấm dứt tình trạng chiến tranh tại đây cũng như thiết lập hòa bình, hợp tác thực sự tại khu vực Đông Bắc Á và thế giới. Rõ ràng, sau nhiều thập kỷ căng thẳng và đối đầu, dư luận trông đợi vào một thỏa thuận giữa hai bên sẽ kết thúc một trong những hồ sơ quốc tế kéo dài nhất trong lịch sử.

Ở một góc nhìn khác, việc các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội, Việt Nam để tổ chức hội nghị lần này cho thấy uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Việt Nam là đất nước tươi đẹp, mến khách, an ninh an toàn và là điểm đến hấp dẫn. Mỹ cũng vừa có báo cáo đánh giá Việt Nam là nước có mức độ đảm bảo an ninh, an toàn thuộc top đầu thế giới.

Kỳ vọng về một kết quả tích cực của hội nghị là rất lớn nhưng phải thừa nhận rằng cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hôm nay sẽ là cuộc làm việc nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi để có thể đạt được một kết quả, buộc mỗi bên phải cân nhắc tới điều kiện của mình và đối phương để đạt được nhượng bộ thỏa hiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Thời điểm này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tận dụng thời gian đàm phán nhằm đạt được một số kết quả sau thượng đỉnh.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Đại sứ  Stephen Biegun đã trực tiếp gặp các quan chức Triều Tiên và thảo luận với các bên liên quan để hội nghị đạt được hiệu quả nhất có thể. Đã từng có chỉ trích rằng ở cuộc gặp trước Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đã trao cho Triều Tiên nhiều sự quan tâm và tính hợp pháp tuy nhiên không đạt được kết quả nào đáng kể. Do đó mà, phía Mỹ đang cố gắng làm thế nào để cuộc gặp lần này có được những kết quả cụ thể với những cam kết và lộ trình đạt được từ cả hai phía.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bắt đầu hôm nay ở Hà Nội sẽ quyết định tương lai của tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như hòa bình tại bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á. Nhưng để hội nghị này thành công, dư luận cho rằng sự chủ động, nhượng bộ của cả hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đề xuất của mình chính là điều quyết định.

Cũng có nhiều dự đoán về khả năng kết quả cuộc gặp và khả năng lớn nhất đó là Triều Tiên đồng ý cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đây cũng là điều mà Mỹ muốn. Cũng đã có nhiều người đề cập tới khả năng Mỹ có thể chính thức mở một phái đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng, do tới nay thì Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động của mình thông qua phái đoàn của Thụy Điển. Còn một số khả năng khác đó là hai bên tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa mang tính biểu tượng có thể là việc thông báo chính thức một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng là một khả năng, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ có những nhượng bộ gì. Quốc hội Mỹ sẽ rất lo ngại về việc giảm sức ép đối với Triều Tiên mà đổi lại không đạt được một nhượng bộ đáng kể nào từ phía Bình Nhưỡng.

Giới phân tích cho rằng, điều quan trọng nhất mà Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết trước cuộc gặp đó là khiến các đồng minh của mình yên tâm.

Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, có nhiều lo ngại về một thỏa thuận hợp thức hóa việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump có thể sẽ muốn tạo tiếng vang mặc dù cuộc gặp này sẽ không làm thay đổi nhiều tới kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Điều này sẽ khiến các đồng minh của Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi và Tổng thống Trump rõ ràng phải xoa dịu họ.

Nhận định về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, tờ Fox News nhận định vui rằng nếu đạt được một kết quả tốt đẹp, rất có thể Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ “chia nhau” giải Nobel Hòa Bình. Fox News bình luận trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân là biện pháp giúp ông đảm bảo an ninh quốc gia, thì Tổng thống Trump cần phải thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng “chỉ có giải giáp hạt nhân mới có thể đảm bảo an ninh cho Triều Tiên”.

Ở một góc nhìn khác, Việt Nam dù không đóng một vai trò cụ thể tại hội nghị thưởng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 nhưng việc các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Hà Nội, Việt nam để tổ chức thượng đỉnh lần 2 cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ tốt đẹp với nhiều cường quốc và là một trong những quốc gia vẫn còn có thể nói chuyện với Triều Tiên. Cũng đã có nguồn tin cho biết Triều Tiên muốn đại diện của ASEAN tham gia cuộc gặp này.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của ASEAN đồng thời là Chủ tịch của ASEAN năm 2020. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây nhận định rằng Việt Nam được lựa chọn để tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vì “Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên”.

Đánh giá của nhà ngoại giao Nga cho thấy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác, hòa bình và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, cùng phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Cộng đồng quốc tế đã và đang ghi nhận những đóng góp đáng kể của Việt Nam vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Ông Georgy Toloray, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á-Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyên gia hàng đầu của Nga nghiên cứu về Triều Tiên nói “Những chuyên gia mà tôi quen biết đều đánh giá tích cực về việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này. Việt Nam có quan hệ tốt với cả 2 quốc gia đối thoại là Mỹ và CHDCND Triều Tiên, có kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và đặc biệt là hình mẫu về phát triển, hội nhập và hợp tác. Chủ tịch, nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành đã đến thăm Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước (thế kỷ XX) và bây giờ là chuyến thăm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm sâu sắc thêm vị thế của Việt Nam như một nước quan trọng trong khu vực và củng cố quan hệ hai nước.

Có cùng quan điểm này, ông Vương Tuấn Sinh, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược láng giềng và toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đang cho thấy một vị thế khác, một vai trò khác trong các mối quan hệ quốc tế. Theo ông Vương Tuấn Sinh, lần này cả thế giới hướng về Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình. Giữa Việt Nam và Mỹ từng xảy ra chiến tranh, sau đó hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và giờ thành đối tác của nhau, đó là mối quan hệ hết sức thành công. Với Triều Tiên, quan hệ với Việt Nam phát triển hữu nghị từ năm 1950. Việc quyết định thăm Việt Nam, đã thể hiện sự coi trọng của Triều Tiên. Do vậy, tôi nghĩ, dù là Mỹ hay Triều Tiên, đều rất xem trọng vai trò của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam với Hội nghị lần này sẽ được cả thế giới ghi nhận.