Khi chính sách an sinh xã hội cũng bị “rút ruột”

(VOH) - Trong những năm gần đây, cơ quan giám định bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội đã liên tục phát hiện hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.

Thế nhưng, tình trạng này không có dấu hiệu “thuyên giảm”, mà ngày càng lạm dụng, xem quỹ bảo hiểm y tế như món mồi ngon béo bở.

Dư luận ngỡ ngàng khi vụ việc được phanh phui, chỉ trong vòng 6 tháng, một bệnh nhân ngụ tại Quận 8 đi khám bảo hiểm với con số kỷ lục, 319 lần. Tại Bạc Liêu, một bệnh nhân cũng khám 112 lần trong vòng 135 ngày... Còn những trường hợp khám vài chục lần không phải hiếm, thế nên dư luận râm ran có những người chuyên đi khám bệnh như một nghề để kiếm sống.

Bệnh nhân đã vậy, còn các cơ sở y tế, độ trục lợi được nâng lên nhiều lần, mức thiệt hại không hề nhỏ. Điển hình như tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên, đoàn thanh tra phát hiện có nhiều hồ sơ bệnh nhân nội trú khai khống. Làm rõ vụ việc, đoàn thanh tra phát hiện những bệnh nhân “khai khống” này đều là người nhà của nhân viên y tế, dù bệnh án khai bệnh thông thường nhưng chỉ định toàn thuốc “đặc trị” đắt tiền.

Tương tự, tại một bệnh viện đa khoa thuộc tỉnh Cà Mau, số lượng xét nghiệm từ thiết bị của tư nhân đặt vào bệnh viện gấp 3, 4 lần thiết bị có nguồn vốn nhà nước đặt tại bệnh viện. Qua hệ thống thông tin giám định 4 tháng đầu năm 2017, tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, bệnh nhân được chỉ định chụp CT 12 lần trong vòng chỉ có 10 ngày, nghĩa là mỗi ngày bệnh nhân đều chụp kĩ thuật cao này và có ngày đến hai lần.

Trên đây chỉ là bề nổi của tảng băng, còn nhiều vụ rút ruột bảo hiểm y tế vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Rõ ràng, mỗi nơi mỗi kiểu, họ rút ruột trên cơ sở vừa hưởng lợi từ bảo hiểm y tế lại vừa tranh thủ được lợi nhuận từ các thiết bị y tế theo chủ trương hợp tác xã hội hóa. Chính do sự ràng buộc đôi bên cùng có lợi dẫn đến lãng phí vô cùng, trong khi nguồn trang thiết bị từ vốn đầu tư ngân sách nhà nước thì sử dụng chưa hết công suất.

Năm 2016, Quỹ bảo hiểm y tế bội chi 5.500 tỉ, rồi năm nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến quỹ này sẽ hụt 7.000 tỉ đồng. Lý giải số bội chi khủng này, có nhiều nguyên nhân như điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thông tuyến khám chữa bệnh trên toàn quốc nhưng quan ngại nhất phải kể đến là hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.

Câu chuyện bội chi 7.000 tỷ đồng không chỉ thiệt hại từ chính nguồn tiền đóng góp mang tính nhân văn góp phần thực chính sách an sinh xã hội. Đằng sau cho thấy sự lãng phí, thất thoát đang diễn ra tại các cơ sở y tế nhưng quản lý nhà nước chưa theo kịp. Một bên chúng ta đang kêu gọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng số tiền hơn 80% dân số cả nước đóng góp thì lại bị rút ruột, thâm thủng bằng nhiều cách, nhiều đối tượng khác nhau, từ người dân và cả cơ sở y tế.

Bộ Y tế chỉ đạo thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT - Ãnh: BHYT

Phân tích ở góc độ thiệt hại, mất mát, không nói ai cũng hiểu, suy cho cùng, đó là hành vi trục lợi. Hậu quả là tiền bạc thất thoát, ảnh hưởng tái đầu tư cho y tế, chất lượng điều trị khám chữa bệnh cũng suy giảm theo.

Đã đến lúc không thể để hành vi trục lợi bảo hiểm y tế làm thất thoát nguồn đóng góp chung của người dân. Cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp như kiểm tra lịch sử khám bệnh, quy định kê toa khi có mặt người bệnh, tuy nhiên nên có chế tài xử phạt thật mạnh, thật thích đáng với từng hành vi. Quyết liệt hơn, về phía Bảo hiểm xã hội cũng nên kiên quyết ngưng ký hợp đồng với những cơ sở có hành vi gian lận trong bảo hiểm y tế.

Với những cá nhân trục lợi, nên thu hồi thẻ bảo hiểm y tế. Còn về lâu dài, nên có nhiều giải pháp, nhiều cách thức như xây dựng phần mềm chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin liên thông tất cả tuyến nhằm kịp thời phát hiện sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nhiều lần, đổi mới phương thức quản lý nguồn quỹ...

Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa quản lý quỹ vừa giám định chi là không phù hợp. Giải bài toán này nhất thiết phải thành lập cơ quan giám định độc lập tách bạch, chuyên thực hiện chi trả bảo hiểm y tế.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân nhận thức, hiểu đúng về bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng. Thế nên, mọi hành vi trục lợi cần phải lên án thật mạnh mẽ và kiên quyết loại trừ.