Kỳ 2: TPHCM lập lại trật tự đô thị: Vận động, thuyết phục và chế tài

(VOH) - Ở góc độ là Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu khoa học và Quản lý dự án, Khoa Nhân học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ, thực tế khi đi đến các nước châu Âu, châu Úc, châu Á và kể cả các nước châu Phi, tất cả thành phố lớn đều quan tâm đến vấn đề trật tự đô thị lòng lề đường, vỉa hè bởi đây là bộ mặt của thành phố.

Nhiều trường hợp ô tô chiếm vỉa hè ở quận 1 bị kéo đi (Ảnh: DanViet)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, việc thu gom vật dụng để trả lại đường thông hè thoáng là hoàn toàn đúng theo luật, nhưng còn đòi hỏi yếu tố khách quan khác. Như hiện nay, ở khu vực trung tâm còn thiếu nhiều nơi giữ xe. Các dự án bãi giữ xe có quy mô như khu vực sân khấu ca nhạc Trống Đồng tại Công viên Tao Đàn, bãi ngầm của Công viên Lê Văn Tám, bãi nổi ở Thảo Cầm Viên, nhà giữ xe tự động nhiều tầng ở quận 1 đã lên kế hoạch từ nhiều năm nhưng nay vẫn chưa xây dựng được.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ cũng đồng tình với việc quy hoạch lại khu phố Tây trở thành các tuyến đường đi bộ và cho rằng, bản thân du khách nước ngoài họ cũng không thích ngồi ngoài vỉa hè và trên lề đường vì bụi bặm, nguy hiểm.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Philippines, người đã từng có một quá trình công tác tại một số nước trên thế giới, cho rằng, các vấn đề văn minh đô thị rất cần phải được làm nghiêm. Để TPHCM sạch, làm sao cho hàng triệu người dân có ý thức sống văn minh, đừng bỏ rác bừa bãi, đừng chen lấn trên đường, đừng đổ ra đường và coi lòng lề đường, vỉa hè là chốn mưu sinh.

Ở Ý, Pháp, đường nhỏ, nhưng tại sao không bị kẹt xe, vỉa hè không bị lấn chiếm? Như vậy để thấy rằng, cơ sở hạ tầng chỉ là một phần, phần quan trọng vẫn là ý thức của mỗi con người, là việc tổ chức sắp xếp đô thị một cách khoa học, hợp lý. Muốn được như vậy, Thành phố nên bắt đầu bằng… phạt. Việt Nam đã có luật và cần thực hiện nghiêm để xây dựng ý thức người dân. Đây là những vấn đề cơ bản nhất để Thành phố có môi trường sống tốt, văn minh.

Trong khi đó, ở góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Sơn Nam đưa ra quan điểm thận trọng khi cho rằng, khi làm, chúng ta nên tránh tư duy cực đoan, hoặc quá thiên về tình, cứ để mặc người dân muốn làm gì thì làm, để TP trở nên lộn xộn. Hoặc quá thiên về lý, cứ lấy mô hình Singapore máy móc áp đặt cho TPHCM thì cũng không phải cách hay, mà cần sự phối hợp của cả hai, cần nghĩ đến việc những hộ kinh doanh nhỏ lẻ kiếm sống bằng cách nào khi quy hoạch và có giải pháp hợp lý. 

Ông Ngô Viết Sơn Nam đề nghị, khi quy hoạch, Thành phố nên phân ra, có những khu hoàn toàn được phép mua bán, có những khu chỉ nên mua bán một phần, có những khu chỉ dành riêng cho đi bộ và không cho xe máy vào.

Muốn làm được điều này, Thành phố phải có những bãi giữ xe công cộng, bãi giữ xe ngầm: “Thật sự, nói về quản lý và xử lý, chúng ta nên phân biệt rõ, bước một là trả lại không gian lấn chiếm lòng lề đường. Ví dụ như không gian đi bộ, nếu lấy khoảng một mét rưỡi đến 2 mét dành cho người đi bộ chúng ta vẽ một vạch sơn.

Trên không gian đó, không chấp nhận việc lấn chiếm ra ngoài. Và hễ lấn chiếm ra là chúng ta phạt. Đó là quản lý. Còn về xử lý, chúng ta không máy móc “xóa trắng” hết vỉa hè, mà nên có cái nhìn rộng hơn, tức là bên cạnh luật pháp, còn có vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là đô thị cũ của TPHCM tồn tại cả trăm năm rồi, người dân quen sử dụng đường phố…”.

Lực lượng chức năng xử lý lấn chiếm vỉa hè tại quận Bình Thạnh

Thực tế hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP cũng đã thực hiện vận động, xử phạt có lộ trình. Bình Tân hiện có hơn 500 tuyến đường lớn, nhỏ và quan điểm của UBND quận Bình Tân sau khi ra quân tuyến đường nào thì không để xảy ra tình trạng tái chiếm. Quận cũng đã vận động khu chế xuất dành quỹ đất đưa hàng bình ổn xuống khu vực để bán cho công nhân. 

Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân kiến nghị Thành phố nên cho phép quận thí điểm để nhân dân được tự đầu tư, san lấp, trồng cây xanh, kết hợp buôn bán, lập chợ, làm bãi giữ xe, các công trình thể dục thể thao: “Lâu nay, người dân luôn nghĩ rằng về TPHCM thì có thể kiếm sống bằng cách bán hàng rong. Thành phố nên có thông điệp mạnh mẽ gởi cho nhân dân biết về TPHCM thì không thể sống được với nghề này, ai vi phạm sẽ bị xử lý.

Về phía quận cũng đã triển khai kế hoạch thu thập tin nhắn, số điện thoại của các cá nhân hộ buôn bán lấn chiếm trên các tuyến đường, nhắn tin tuyên truyền vận động. Ngoài ra, kêu gọi, vận động, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn quận, đặc biệt là các hộ có căn hộ mặt tiền mở các cửa hàng tiện ích, tạo sự thuận tiện cho việc buôn bán, phục vụ nhân dân trên địa bàn.”

Riêng quận 1 đã xây dựng đề án quy hoạch phố hàng rong trên một số tuyến đặc thù của quận như ở đường Nguyễn Văn Chiêm, cảng Bạch Đằng trình Thành phố, dự kiến sẽ triển khai trong quý II/2017, trong đó, sẽ sắp xếp, bố trí lại việc kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè cho gần 500 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo của quận hiện đang sống bằng nghề buôn bán vỉa hè, hàng rong. 

Trước đó, quận cũng đã vận động 71 hộ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để có cuộc sống ổn định hơn.

Khẳng định một lần nữa chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè không phải là chủ trương mới và quá khó, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho hay: “Chúng tôi tự tin hơn khi thấy chủ trương của chúng ta thực hiện được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chúng tôi cũng có một sự phân công rất rõ ràng, những tuyến đường nào phường đăng ký thực hiện trong khả năng của phường thì chúng tôi giao cho phường, tuyến đường nào có những khó khăn nhất định và cần ra quân mạnh mẽ thì chúng tôi huy động các ngành và giao cho đồng chí phó chủ tịch quận tổ chức thực hiện, ra quân chấn chỉnh những điểm chấp hành chưa tốt về trật tự lòng lề đường.

Trong giai đoạn 2 chúng tôi nỗ lực giữ được vỉa hè thông thoáng, lâu dài, bền vững. Chúng tôi tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân, cán bộ đảng viên cùng chung tay góp sức trong chủ trương chung này”.

Xây dựng, quy hoạch lại khu phố Tây và rộng hơn là tái lập lại trật tự lòng lề đường của TPHCM, chủ trương đúng, nhân dân ủng hộ, vấn đề là làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích chung và riêng, giữa vấn đề quy hoạch và quyền lợi người dân. Đồng thời, kêu gọi sự tự giác, ý thức của người dân cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Muốn làm được điều này, trước hết, thành phố cần có lộ trình thực hiện, quy hoạch lại từng tuyến phố mang nét đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, kinh doanh, bố trí bãi giữ xe đủ, rải rác tạo sự thuận tiện để người dân đi lại.

“Khi thực hiện cần kiên quyết, kiên trì, nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, thấu tình đạt lý”. Đây là yêu cầu của Bí thư Đinh La Thăng đối với các quận huyện và cơ quan chức năng khi tổ chức lại trật tự đô thị: “Chúng ta phải quán triệt tinh thần này, công tác quản lý xây dựng trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, khu phố văn hóa, là chúng ta đang thực hiện đúng nghị quyết Đảng bộ TPHCM lần thứ 10, chúng ta xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Có lẽ đây là công việc khó, nhưng chúng ta cần quyết tâm cao hơn, kiên nhẫn, không duy ý chí, phù hợp đúng pháp luật, đúng quy trình, thủ tục, nhưng điều quan trọng nữa là không được nóng vội, phải có những giải pháp căn cơ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, tính khả thi cao và bền vững. Điều này đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị”.