Người Kurd đòi độc lập - “Cơn địa chấn mới” sẽ làm rung chuyển Trung Đông?

(VOH) - Nếu người Kurd ở Iraq có thể giành độc lập, cục diện chính trị Trung Đông sẽ ra sao?

Tại khóa họp 72 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người Kurd ở Iraq không trưng cầu ý dân về nền độc lập. Trước đó, Thủ tướng Iraq, Tòa án Tối cao Iraq cũng đã chính thức yêu cầu cộng đồng người Kurd dừng kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập, dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới.

Tuy nhiên, cộng đồng người Kurd đã từ chối tất cả mọi yêu sách vừa nêu. Vì sao, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và các nước Trung Đông bằng mọi cách ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân này? Nếu người Kurd ở Iraq có thể giành độc lập, cục diện chính trị Trung Đông sẽ ra sao?

Trong bài phát biểu tại Khóa họp 72 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) hôm thứ ba (19/9), trước các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục yêu cầu cộng đồng người Kurd ở Iraq phải hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 25/9, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu sự kiện gây nhiều tranh cãi này vẫn diễn ra. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tập trận quy mô lớn ở giáp biên giới phía Bắc Iraq, nơi cộng đồng người Kurd tập trung sinh sống, một động thái được cho là răn đe - nhằm vào người Kurd ở Iraq. Cũng xin nhắc lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối kế hoạch của chính quyền khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, coi đây là bước đi có thể đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý, không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ mà cả chính quyền Iran, Syria cũng vào cuộc, ráo riết ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd. Cùng thời điểm, bằng tất cả mọi nỗ lực, chính quyền Iraq đã ra sức ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân lần này, coi đây là một hành động vi hiến.

Câu hỏi đặt ra là: vì sao gần như tất cả các nước Trung Đông, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ lại nỗ lực ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd ở Iraq như vậy?

Người Kurd xuống đường biểu tình ủng hộ việc trưng cầu ý dân đòi độc lập. Ảnh: AP

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân lớn nhất, đó là việc các nước Trung Đông lo ngại cuộc trưng cầu ý dân tuần tới có thể thúc đẩy xây dựng một nhà nước độc lập của người Kurd cũng như làm bùng phát hiệu ứng “domino” đòi ly khai trong khu vực và quốc tế, khi ngày 1/10 tới xứ Catalan (Tây Ban Nha) cũng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập tương tự. Nguy hiểm hơn, nếu một nhà nước Hồi giáo người Kurd được thành lập, điều đó có nghĩa là nhiều nước Trung Đông sẽ phải “cắt lại” một phần lãnh thổ của mình cho cộng đồng người Kurd với nhiều hệ lụy về tôn giáo, sắc tộc và xung đột chính trị khác. Đây là viễn cảnh mà gần như tất cả các nước Trung Đông đều không mong muốn.

Trở lại lịch sử, theo nhiều tài liệu, với khoảng 35 triệu người thuộc cộng đồng người Kurd sống rải rác ở khắp Trung Đông, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 quốc gia là Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây nhiều thế kỷ, người Kurd đã xây dựng một chính quyền tự trị trước khi bị đế quốc Ottoman và Ba Tư lật đổ.

Ngay từ năm 1695, người Kurd đã nuôi tham vọng thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền riêng. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong thế chiến thứ nhất và đế quốc Ottoman sụp đổ, theo Hiệp ước Sèvres, (Pháp - 1920) mong muốn của người Kurd được thành lập một quốc gia riêng, tồn tại độc lập ở Trung Đông như các quốc gia khác đã được thừa nhận. Tuy nhiên, Hiệp ước này đã không được thực hiện. Trong cuộc thương lượng tại Lausanne Thụy Sĩ vào năm 1923, các nước đã gạt bỏ mong muốn xây dựng một quốc gia riêng của người Kurd, khiến dân tộc này bị tổn thương và nuôi tham vọng thành lập một quốc gia độc lập như tổ tiên họ đã đặt ra.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, cộng đồng người Kurd ở Iran đã tuyên bố độc lập, nhưng quân đội Iran đã dập tắt tham vọng này bằng các cuộc đàn áp. Cho tới năm 2002, Thổ Nhĩ kỳ, nơi có cộng đồng người Kurd sinh sống lớn nhất, vẫn phớt lờ sự tồn tại của cộng đồng này. Đây là nguyên nhân khiến các phong trào đòi độc lập của người Kurd bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, sự trỗi dậy của đảng Phòng trào Công nhân người Kurd (PKK) trở thành một nhân tố bất ổn đe dọa an ninh của Ankara khi phong trào này tiến hành liên tiếp các vụ tấn công khủng bố, đánh bom liều chết ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập kỷ qua. Đây cũng chính là lý do buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải “sốt sắng” ngăn cản việc hình thành một nhà nước độc lập của người Kurd bằng mọi giá.

Trở lại với cuộc trưng cầu ý dân sắp tới của người Kurd ở Iraq. Bất chấp mọi cố gắng ngăn cản từ chính quyền trung ương, sự can thiệp cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, cộng đồng người Kurd vẫn quyết tâm tổ chức trưng cầu ý dân vào thứ Hai (ngày 25/9) sắp tới. Trong trường hợp người Kurd ở Iraq “gật đầu” với việc thành lập một nhà nước độc lập ở Trung Đông, kịch bản tất cả các cộng đồng người Kurd ở Trung Đông gần như sẽ tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân tương tự đòi độc lập và một lần nữa họ sẽ đệ trình đơn thỉnh cầu lên LHQ chấp thuận xây dựng một vương quốc riêng của người Kurd. Chưa tính tới khả năng LHQ có chấp thuận hay không, nhưng gần như kế hoạch này sẽ khơi mào bất ổn địa chính trị mới ở Trung Đông, khu vực vốn đã tồn tại quá nhiều mâu thuẫn và xung đột.

Bằng chứng là ở thời điểm hiện tại, dù cuộc trưng cầu ý dân vẫn chưa diễn ra, tuy nhiên mâu thuẫn và tranh cãi đang bùng phát khi Israel công khai lên tiếng ủng hộ mô hình “một nước Israel thứ 2 mới” của người Kurd ở khu vực. Trong khi đó, tất cả các quốc gia còn lại đều kịch liệt phản đối và ngăn cản. Nếu cuộc trưng cầu ý dân ngày 25/9 của người Kurd được tổ chức thành công, chắc chắn nó sẽ là “một gáo nước lạnh” dội vào các nước Trung Đông.

Vấn đề người Kurd ở Iraq kiên quyết tổ chức trưng cầu ý dân đòi độc lập đang nóng lên thời điểm này, khiến cộng đồng quốc tế dặc biệt quan tâm. Dư luận lo ngại những kịch bản xấu xảy ra, có thể đẩy Trung Đông lún sâu vào khủng hoảng và xung đột.