Phải chăng châu Âu đang bất lực trước chủ nghĩa khủng bố?

(VOH) - Hôm qua 24/8, cảnh sát Hà Lan đã ngăn chặn kịp thời âm mưu tấn công khủng bố và bắt giữ tài xế lái xe tải chở đầy bình gas nhắm vào buổi biểu diễn nhạc rốc tại thành phố Rotterdam. Những gì đang diễn ra, một lần nữa, gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về những lỗ hổng an ninh tại châu Âu.

Hai vụ khủng bố liên tiếp tại Barcelona và Cambrils hôm 17/8 đã biến kỳ nghỉ cuối tuần của người dân Tây Ban Nha trở thành một cơn ác mộng. Hình ảnh những thi thể nằm trên đường phố, sự hoảng loạn, nỗi đau, nước mắt của các nạn nhân, thân nhân của họ, đang trở thành nỗi ám ảnh thực sự không chỉ đối với người dân Tây Ban Nha mà còn đối với toàn thế giới.

Cảnh sát chống khủng bố Hà Lan. (Nguồn: thesun.co.uk)

Thực tế cho thấy con số 14 người chết, 130 người khác bị thương, phần lớn là du khách nước ngoài, đã xóa đi sự bình yên của Barcelona; ghi tên thành phố du lịch này vào danh sách những “địa điểm đen” bị khủng bố ở châu Âu, như Nice (Pháp), Berlin (Đức), London (Anh), Brussels (Bỉ) và cả Stockholm (Thụy Điển).

Còn tại Phần Lan, Nga, Pháp, hung thủ đều sử dụng dao tấn công người đi đường. Điểm chung của những mô tuýp khủng bố này, là cách thức dùng phương tiện thô sơ gây chết chóc kiểu “khủng bố giá rẻ (low-cost), với yếu tố bất ngờ, gây sát thương cao nhắm vào các địa điểm đông người và gây ra sự hoảng loạn lớn.

Nguy hiểm hơn, cách dùng xe tải lao vào đám đông để giết người đang lan nhanh như một hiệu ứng “domino dây chuyền”, như vụ tấn công ở Charlottesville, bang Virginia (Mỹ) tuần trước, hay vụ tấn công một quán Pizza làm một người chết và 13 người khác bị thương ở tỉnh Seine-et-Marne của Pháp mới đây.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan cảnh sát châu Âu, Europol đã từng cảnh báo về dạng thức tấn công “giá rẻ” này. Dĩ nhiên, giới chức an ninh EU, Tây Ban Nha và các nước đều biết rõ điều đó, đều đã phòng ngừa, nhưng rốt cuộc những vụ khủng bố kinh hoàng vẫn liên tiếp diễn ra.

Phải chăng châu Âu đang bất lực, không thể ngăn chặn được những vụ tấn công tương tự?

Câu trả lời có lẽ là lực bất tòng tâm”. Nếu như sự kiện Brexit là một thách thức lớn nhất có thể phá vỡ những giá trị nhất thể hóa mà EU dày công xây dựng; nếu như những bế tắc kéo dài về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đe dọa sự đoàn kết và đồng lòng của khối, thì những vụ khủng bố liên tiếp diễn ra tại Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển và Tây Ban Nha… đã chỉ ra rằng an ninh chính là một “yếu huyệt” khác mà EU cần đặc biệt lưu tâm.

Thất bại 2 năm qua trên chiến trường ở Syria và Iraq đã kích động tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - IS thay đổi phương thức tấn công, khi kêu gọi mọi tín đồ cực đoan dùng mọi phương tiện có thể để gây ra thiệt hại nhân mạng. Chúng nhằm vào Liên minh châu Âu với mô tuýp tấn công “Sói đơn độc”, chúng nhằm vào EU với những địa điểm có tính biểu tượng cao, để tấn công hòng gây tiếng vang và trả thù cho các thất bại trên chiến trường.

Sau những gì diễn ra, dường như châu Âu đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những hình thức và đối tượng ít ai ngờ tới. Và Barcelona cũng như các thành phố khác có thể sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng của những hành động tội các kiểu này.

Những gì xảy ra tại châu Âu, rõ ràng, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng những nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia cùng những giải pháp dài hơi, mới có thể đảm bảo an ninh cho khu vực. Đó không chỉ là việc xây dựng các kế hoạch hợp tác an ninh chung, không chỉ là việc khắc phục những lỗ hổng trong Hiệp ước Schengen kiểm soát biên giới chung của EU. Sâu xa hơn còn là bài trừ tận gốc những tư tưởng cực đoan, hận thù, sự chênh lệch giai tầng, khác biệt tôn giáo và phân hóa xã hội.

Một thách thức nữa hiện hữu, đó là châu Âu buộc phải tiếp nhận hàng ngàn phần tử tham chiến từ Syria, Iraq trở về. Báo cáo mới đây đệ trình lên Ủy ban An ninh châu Âu cho thấy, sẽ có khoảng 5.000 công dân châu Âu đã từng tham chiến tại các điểm nóng Trung Đông chuẩn bị về nước. Liệu những người này có trở thành những “con sói đơn độc” mới tấn công châu Âu hay không? Đây là điều chưa ai có thể trả lời.

Rõ ràng, châu Âu đang đối mặt với rất nhiều những thách thức an ninh mới. Mà việc tiêu diệt tận gốc những phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như mầm mống của nó, là một bài toán khó đối với EU. Giới phân tích cho rằng để giải bài toán này, cùng với việc xây dựng chiến lược riêng của từng quốc gia, châu Âu cần hướng tới sự hợp tác sâu rộng, toàn diện hơn trên mặt trận chống khủng bố, chứ đừng để nguy cơ “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi lúc ấy, hệ lụy sẽ vô cùng nguy hiểm./.