Phải minh bạch để có lời giải đúng

(VOH) - Từ đầu tháng 8 đến nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy trở thành điểm nóng của dư luận. Chỉ làm đường tránh thị xã Cai Lậy và dặm vá thêm ở Quốc lộ nhưng nhà đầu tư lại đặt trạm thu phí kiểu chặn đầu để tận thu, dẫn đến bức xúc lan rộng.

Không còn là chuyện xung đột nho nhỏ, những thông tin đưa đẩy, thiếu xác đáng của những người có trách nhiệm càng khiến mâu thuẫn thêm gay gắt. Để giải quyết bài toán nhiều khuất tất này, lời giải đúng nhất là sự công khai và minh bạch. 

Sau khi nổ ra sự việc bức xúc về trạm thu phí BOT Cai Lậy bất hợp lý, những yêu cầu về sự minh bạch, về sự hài hòa lợi ích của người dân không quá đáng. Đó là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ công dân. Thế nhưng, rất nhiều những câu hỏi chính đáng của người dân đã không được giải đáp thuyết phục. Một số lãnh đạo có trách nhiệm của Tiền Giang thì cho rằng, dự án này do Bộ GTVT thực hiện và quản lý, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng, các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí… thì địa phương không biết. Nếu thực sự không biết thì rõ ràng địa phương quá thiếu trách nhiệm, trong khi hậu quả người dân phải gánh chịu.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Ảnh: Dantri

Những thông tin và cách xử lý từ phía Bộ Giao thông Vận tải càng khiến người dân thất vọng hơn bởi chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đến mức vô lý. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho rằng Bộ này cho phép nhà đầu tư thu phí là đúng và kiên quyết không giảm mức phí, không dời trạm, dù tài xế và người dân phản đối.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ còn cho rằng sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những người cố tình bỏ tiền lẻ vào chai nhựa dù hành vi này không vi phạm pháp luật! Khi bức xúc lên cao, Bộ GTVT đồng ý giảm phí, song kéo dài thời gian thu hơn gấp đôi, đồng thời khẳng định bảo vệ quan điểm không di dời trạm thu phí. Lý do đưa ra là nếu dời thì “phương án tài chính sẽ đổ bể”.

Cách giải quyết này cho thấy, Bộ GTVT đã không thừa nhận, cũng không dám thừa nhận vấn đề tại trạm thu phí Cai Lậy, không phải ở mức phí, mà là vị trí đặt trạm hoàn toàn sai. Liệu có sự chi phối nào của lợi ích nhóm, khi cái sai lại được những người có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước nhất quyết bảo vệ? Vì thực tế, người dân đâu cần giảm giá, họ chỉ cần minh bạch và công bằng.

Đáng nói hơn, chính người đứng đầu ngành giao thông vận tải - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa còn đặt vấn đề, quy định trạm 70 km mới được đặt trạm thu phí BOT ở đâu ra?!. Chưa hết, Bộ trưởng còn bày tỏ buồn bã sau khi vụ việc ở Cai Lậy xảy ra, như thể lỗi ở người dân quá khích. Nhưng thưa Bộ trưởng, người dân không muốn thế. Người dân càng buồn hơn khi lợi ích chung bị tổn hại.

Và khi người dân kiên quyết yêu cầu trả trạm thu phí về đúng vị trí ở tuyến tránh, những khuất tất mới dần hé lộ. Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư kiên quyết không di dời là bởi chính họ đã biết trước tuyến tránh đó rất ít người có nhu cầu dùng đến, hoàn vốn rất khó khăn. Khi đó, sẽ dẫn đến mất cân đối thu chi, chủ đầu tư và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ lo “vỡ phương án tài chính” của chủ đầu tư, sợ lợi ích của nhà đầu tư bị vi phạm, trong khi lợi ích người dân bị vi phạm thì ngó lơ. Bản chất của vấn đề đã rõ.

Thực tế, chuyện đường một đằng, thu phí một nẻo không mới. Thời gian qua, hàng loạt trạm thu phí từ Nam chí Bắc cũng đã xảy ra những chuyện tương tự... Vụ việc trạm BOT Cai Lậy chỉ như giọt nước tràn ly. Những hành vi “ăn chặn”, tận thu trắng trợn đó liệu có xảy ra nếu cơ quan quản lý làm hết và làm đúng trách nhiệm? 

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ vừa công bố, 100% các dự án BOT giao thông khu vực phía bắc được thanh tra đều được thực hiện bởi nhà thầu được chỉ định, nghĩa là không thông qua đấu thầu công khai. Cũng theo kết luận Thanh tra, hầu hết dự án BT và BOT thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh.

Phải khẳng định rằng BOT là chủ trương đúng. Có điều khi triển khai thực hiện lại nhưng lại mắc quá nhiều sai phạm, gây ra quá nhiều bức xúc. Và rõ ràng, sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích chen chân vào đục khoét. Chỉ nhà đầu tư, nhóm lợi ích được lợi, còn người dân cắn răng gồng gánh.

Xuất phát bởi những điều thiếu minh bạch, rốt cuộc người dân mâu thuẫn với dự án BOT đáng ra họ vui mừng thụ hưởng. Từ câu chuyện trạm thu phí của dự án BOT Cai Lậy, và không chỉ riêng dự án này, để giải bài toán mâu thuẫn lợi ích với dân, thiết nghĩ, cơ quan quản lý buộc phải công khai và minh bạch. Cùng với đó, xử lý rốt ráo những sai phạm, truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn những ai có liên quan.

Đó là lời giải đúng nhất, chấp nhận phá vỡ các phương án tài chính, phá vỡ những điều phi lý để sửa sai. Bởi khi phá vỡ niềm tin của người dân, hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều, như lời Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng “Dân mới là vạn đại”.