Quy định "hở"- dân chịu thiệt

(VOH) - Bằng nhiều cách phản đối khác nhau, người dân ở huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh đã thành công khi phản đối trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 (bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).

Trạm thu phí Bến Thủy - Hà Tĩnh

Trong cuộc họp chiều 11/4, Bộ Giao thông vận tải quyết định miễn phí cho người dân sống 2 bên cầu này. Một quyết định được cho là phù hợp thực tế!

Nhưng đâu chỉ có Bến Thủy

Từ lâu, nhiều nơi khác người dân tiếp tục bức xúc vì hệ thống trạm thu phí dày đặc mà việc giải thích sự tồn tại của nó không phải ai cũng hiểu.

Giữa tháng 2/2017, không ít người dân Bình Phước “bàng hoàng” vì trạm thu phí Thanh Lương (km 105+700 quốc lộ 13) bắt đầu thu phí. Sự ngỡ ngàng là bởi quốc lộ 13 (43 km) từ giáp ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước đi Bình Long nay đã chễm chệ tới 3 trạm thu phí.

Đó là hai trạm ở cầu Tham Rớt (Chơn Thành) và Tân Khai (Hớn Quảng) nay lại thêm một “ông” mới toanh ở Thanh Lương (thị xã Bình Long). Đoạn đường giữa 3 trạm thu phí chỉ cách nhau là 20 km và 23 km ?!

Dư luận được xoa dịu khi có thông tin, trạm thu phí Thanh Lương nhằm thay trạm thu phí Tân Khai. Nhưng sau gần 2 tháng, trạm thu phí Tân Khai vẫn tồn tại, chưa có dấu hiệu bị thay thế. 

Điều đáng nói từ TPHCM để chuyên chở hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) chỉ có đường thuận tiện nhất là quốc lộ 13, các loại xe phải qua tới 5 “cửa ải” là các trạm thu phí Lái Thiêu, Suối Giữa (Bình Dương) và 3 trạm thu phí nói trên của tỉnh Bình Phước !

Ai cho trạm thu phí “mọc lên” dày đặc?

Quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính tại Điều 2: Điều kiện thực hiện thu phí. 

Khoản 2a: “Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.”

Khoản 2b: “Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ).”

Như vậy, một phần nội dung khoản 2a và khoản 2b sẽ có lúc mâu thuẫn và dĩ nhiên doanh nghiệp có quyền vận dụng sao cho có lợi nhất.

Trạm Thu phí Thanh Lương ( QL 13, Bình Phước)- trạm thứ 3 trong vòng 43 km vừa mọc lên tháng  2/2017

Mới đây, kết luận của Kiểm toán nhà nước 27 dự án BOT giao thông giai đoạn 2011-2016 đã chỉ rõ, nhiều kẽ hỡ chính sách khiến cho trạm thu phí dày đặc và Thông tư 159 của Bộ Tài chính đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư và các cơ quan liên quan “vận dụng”. Từ đó dẫn tới quốc lộ bị "chặt khúc", khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo 70 km nhưng vẫn được chấp nhận.

Cần nhấn mạnh, doanh nghiệp đầu tư làm đường phải rõ ràng, minh bạch giữa nâng cấp, cải tạo hay đầu tư xây dựng mới theo hình thức BOT. Thế mà, tại nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ, người tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng hạ tầng giao thông miễn phí mà “bắt buộc” phải trả phí cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp BOT luôn “than thở” khó khăn để nhanh chóng lập trạm thu phí nhưng lại không công khai cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn. Đã có trường hợp, sau 10 ngày giám sát thu phí tại dự án BOT Hà Nội-Bắc Giang, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra, số phí đã báo cáo thấp hơn thời điểm kiểm tra đến 84 triệu đồng/ngày. Khỏi phải nói về khoản lợi nhuận "béo bở" này.

Theo Kiểm toán Nhà nước, “nhất thiết phải ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng trong lựa chọn đề án thực hiện theo BOT” để siết lại các kẽ hở mà ngay trong thông tư 159 đã bộc lộ. Các bộ, ngành địa phương phải có giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân, không để trạm thu phí "mọc lên như nấm" bất chấp qui định và dư luận.