Sóng gió đối với Thủ tướng Anh

(VOH) - Thủ tướng Anh Theresa May hôm 12/12 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Đảng Bảo thủ.

Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm khó khăn khi Thủ tướng Anh phải từng bước khẳng định uy tín của mình trước sức ép từ mọi phía. Tuy nhiên, dù vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Anh vẫn còn tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức. Mà trước mắt, là phải nhận được sự ủng hộ của Nghị viện Anh đối với thỏa thuận đã đạt được với Liên minh châu Âu về Brexit.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May diễn ra tối 12/12 (rạng sáng ngày 13/12 theo giờ Việt Nam) với kết quả 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống. Như vậy, việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 200 phiếu ủng hộ có thể xem là một thắng lợi đối với Thủ tướng Theresa May. Theo qui định của Ủy ban 1922 Pháp luật Anh, hiệu lực của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 12/12 có giá trị trong 12 tháng. Điều này có nghĩa là sẽ không ai có thể lật đổ vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của Thủ tướng May trong 1 năm tới. Phản ứng trước kết quả này, đồng bảng Anh đã tăng giá khoảng 1% sau cuộc bỏ phiếu được công bố.

Cần phải khẳng định rằng việc các Nghị sĩ của đảng Bảo thủ Anh quyết định tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Theresa May vào tối ngày 12/12 không phải là quyết định bất ngờ. Trên thực tế, ý định này đã tồn tại từ lâu và đã nổi lên đặc biệt mạnh vào thời điểm cuối tháng 11/2018 khi bà Mây đạt được thoả thuận Brexit với Liên minh châu Âu. Ngay trong thời điểm đó thì các Nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối bà Mây đã cho rằng thoả thuận Brexit mà Thủ tướng Anh thống nhất được với EU là một thất bại, là một sự phản bội lại các cử tri Anh đã lựa chọn Brexit bởi theo thoả thuận này thì Anh vẫn còn rất nhiều ràng buộc với EU, đặc biệt là việc ở lại trong liên minh thuế quan trong nhiều năm.

Thủ tướng Anh Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May.

Nhóm Nghị sĩ này đã vận động các Nghị sĩ đảng Bảo thủ bất mãn với Thủ tướng Anh đứng lên tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Mây. Tuy nhiên, khi đó thì nhóm này không tập hợp đủ 48 người, tức 15% trong tổng số 315 Nghị sĩ đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, 10/12 vừa qua, việc Thủ tướng Anh bất ngờ hoãn đưa thoả thuận Brexit ra bỏ phiếu trước Quốc hội Anh, được cho là động thái thể hiện rất rõ sự bế tắc và yếu thế của bà Mây trong thời điểm này. Và đó là lí do mà nhóm Nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ cảm thấy họ có thể xông lên lật đổ bà May để nắm lấy quyền lực. Kết quả cuộc bỏ phiếu, với 117 người phản đối việc lật đổ Thủ tướng Anh Thê-rê-da Mây, phản ánh một thực tế số người chống đối Thủ tướng Anh Thê-rê-da Mây không hề ít, bởi chỉ cách đây 1 tháng con số này chỉ khoảng từ 50 đến 70 nghị sĩ.

Vì thế, giới phân tích cho rằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Anh Theresa May tối 12/12 giống như một cuộc nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ. Nhiều Nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng đây là hành động “vô trách nhiệm”, nhưng đó chính là sự khốc liệt của chính trường mà nữ Thủ tướng Anh buộc phải đối mặt trên cương vị nhà lãnh đạo nước Anh.

Trên thực tế, việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Đảng Bảo thủ không thay đổi một thực tế rằng thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Anh trong những ngày tới vẫn là làm thế nào để thông qua được thỏa thuận Brexit tại Nghị viện Anh. Trong khi 200 nghị sĩ bảo thủ đã bỏ phiếu ủng hộ Thủ tướng Theresa May, vẫn còn 117 người không đồng ý, cho thấy sự phản đối không nhỏ đối với chính sách của Thủ tướng Anh. Điều này có nghĩa là Thỏa thuận Brexit đã đạt được với Liên minh châu Âu khó có thể nhận đủ số phiếu ủng hộ để thông qua ở Quốc hội Anh những ngày tới. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu ngày 13/12, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã thừa nhận những thách thức này.

Đối với cá nhân Thủ tướng Anh Theresa May, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tối ngày 12/12 dù rất căng thẳng nhưng đổi lại, đã mang lại cho bà Mây nhiều yếu tố tích cực. Trước hết, đó là mối đe doạ về việc nội bộ đảng Bảo thủ nổi loạn tạm thời bị dẹp yên. Đây cũng là cơ hội để làm suy yếu phe cứng rắn theo đuổi việc không có thoả thuận Brexit với EU bởi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này cũng làm mất đi phần nào tính chính danh của phe cứng rắn.

Ngược lại, sau khi đã được gần 2/3 số Nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ, Thủ tướng Anh Theresa May có thêm sự tự tin và vị thế chính trị để mặc cả với Liên minh châu Âu. Cần phải nói rằng, mặc dù nhiều quan chức EU tuyên bố sẽ không đàm phán lại thoả thuận Brexit với nước Anh nhưng các quan chức này cũng hé mở các cánh cửa về khả năng có thể nhượng bộ một số điều trong thoả thuận. Việc Thủ tướng Anh Theresa May thực hiện chuyến công du con thoi đến Hà Lan hay Đức… chính là nhằm thuyết phục các lãnh đạo EU đưa ra một số nhượng bộ. Và có thể trong Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hôm nay (14/12) và ngày mai (15/12), EU sẽ “giúp” Thủ tướng Anh Theresa May bằng việc đưa ra một số nhượng bộ, nhằm đẩy nhanh việc Quốc hội Anh thông qua thoả thuận.

Tuy nhiên, khó khăn lớn vẫn còn ở phía trước bởi con số 117 nghị sĩ đảng Bảo thủ vừa bỏ phiếu chống Thủ tướng Anh Theresa May đồng nghĩa với việc lực lượng này vẫn đủ để ngăn cản thoả thuận Brexit nếu liên minh với Công đảng, với đảng Dân tộc Scotland và với 10 Nghị sĩ của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Iceland, tức là tất cả các lực lượng đang chống lại thoả thuận Brexit hiện nay.

Vì thế, kể cả trong trường hợp EU có nhân nhượng và âm thầm trợ giúp Thủ tướng Anh thì có lẽ nhà lãnh đạo này cũng sẽ chưa thể sớm đưa thoả thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh trong tháng 12 này mà có thể sẽ chờ sang tháng 1/2019. Việc kéo dài thời gian này sẽ làm gia tăng nỗi lo về việc Brexit diễn ra mà không có thoả thuận, và có thể tạo nên một số hỗn loạn trên thị trường tài chính Anh. Nói cách khác, nếu khôn khéo Thủ tướng Anh có thể sẽ sử dụng chiến lược gia tăng sự sợ hãi để gây sức ép ngược lại với các Nghị sĩ chống đối, buộc họ phải chấp nhận thoả thuận Brexit. Cột mốc quan trọng sẽ là ngày 21/1/2019 bởi đến khi đó nếu thoả thuận Brexit vẫn chưa được Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua thì mọi kịch bản hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Trong đó có việc Công đảng đối lập đưa ra đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Anh Theresa May hay vận động tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. /.