Tất yếu phải ăn sạch, sống xanh

(VOH) - 86% người tiêu dùng Việt Nam được phỏng vấn cho rằng, họ sẽ chọn sản phẩm hữu cơ khi có thể.

Theo báo cáo gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có 86% người tiêu dùng Việt Nam được phỏng vấn cho rằng, họ sẽ chọn sản phẩm hữu cơ khi có thể. Kết quả này phù hợp trong bối cảnh đời sống vật chất ngày càng tốt hơn, khiến người ta phải quan tâm hơn đến sức khỏe và tuổi thọ của mình. Trong khi đó, mặt trái của sự phát triển chính là mức độ con người gây tổn thương ngày càng lớn đến môi trường sống. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà môi trường bị ô nhiễm ngày một trầm trọng. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp cải thiện môi trường của Nhà nước thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng phải được nâng cao.

Tất yếu phải ăn sạch, sống xanh

Chuỗi thực phẩm sạch ngày càng được phát triển. Ảnh: LĐO

Hiện nay ở nước ta, điều dễ nhận thấy là ai cũng giật mình trước số người chết vì tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Nhưng thực tế, có những cái chết khác âm ỉ và nghiêm trọng hơn rất nhiều, đó là số người chết vì bệnh ung thư. Cụ thể theo số liệu thống kê năm 2018, có khoảng 300 người Việt Nam tử vong vì bệnh ung thư trong 1 ngày. Trả lời cho câu hỏi, điều gì khiến số người chết vì ung thư tại Việt Nam ngày càng cao, các chuyên gia đã chỉ những nguyên nhân cơ bản, trong đó có nguyên nhân do ăn uống phải thực phẩm chứa hóa chất độc hại và môi trường bị ô nhiễm ngày càng tăng.

Với chuyện ăn uống, có câu“bệnh từ miệng mà vào” nên xu thế ăn sạch, sống khỏe đã được xã hội quan tâm hơn. Trong vài năm trở lại đây, việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ-organic, không sử dụng phân - thuốc đã được cộng đồng nhận thức tốt hơn. Điều này giúp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ (organic) hay thực phẩm sinh học (probiotic) được nhiều cá nhân, doanh nghiệp theo đuổi.

Gần đây trước yêu cầu cao từ thị trường, các nhà sản xuất, nhà quản lý đã chú trọng đến vấn đề “truy xuất nguồn gốc” nông sản, làm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, kể cả tiêu chuẩn HACCP (tức hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Người tiêu dùng thông thái không còn dễ bị thuyết phục bởi “quảng cáo miệng” mà hàng hóa, nông sản phải được chứng nhận, kiểm định bằng quy trình vận chuyển và quy chuẩn kỹ thuật khắt khe.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện ở nhiều địa phương đã xây dựng, hình thành gần 1.500 sản phẩm theo chuỗi và hàng ngàn điểm bán hàng kiểm soát theo cách tổ chức này. Hiện có 63/63 tỉnh thành đã và đang phát triển mô hình chuỗi sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn. Vấn đề còn lại là sự cam kết giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, rồi giá cả thị trường sao cho đảm bảo quyền lợi các bên để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thật sự đạt chất lượng, vệ sinh an toàn cao.

Có thể thấy, trước đây nói đến thực phẩm hữu cơ hay các loại nông sản sạch, người tiêu dùng còn e ngại về giá. Nhưng hiện nay, mặt bằng giá cả những loại thực phẩm- nông sản này không còn quá xa tầm tay đại bộ phận người tiêu dùng. Kể cả những loại thực phẩm sạch, organic có giá cao nhưng nếu đạt tiêu chuẩn thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận, miễn sao đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nhưng hiện nay trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu đang đe dọa đến cuộc sống con người thì vấn đề quan tâm không chỉ có chuyện ăn uống! Lúc này, môi trường sống, sao cho gần thiên nhiên, xanh, sạch, giảm rác thải, giảm xả chất gây ô nhiễm là đòi hỏi tất yếu.

Mới đây, dự lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn xã hội hãy hạn chế sử dụng, tiến tới giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Và đến năm 2025, cả nước sẽ không còn sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh rác thải nhựa mang đến nhiều hệ lụy cho đại dương, sinh vật biển và con người mà Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa đứng thứ 4 thế giới. 

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh,Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Dù Việt Nam được thừa nhận là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới nhưng nước ta đang bị suy giảm nhanh, tốc độ tuyệt chủng các loài rất cao. Trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong chỉ vì môi trường bị ô nhiễm. Ngoài ra vấn đề môi trường tại các khu vực như đô thị, nông thôn và các làng nghề cũng đang ở mức báo động”.

Với việc thải ra khoảng 13 triệu tấn rác/năm trong khi công nghệ xử lý rác thải ở nước ta chưa được đầu tư phát triển đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thậm chí gần đây, ô nhiễm tiếng ồn, không khí tại nhiều vùng thành thị đến nông thôn cũng được các chuyên gia cảnh báo. Thực trạng này đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nhiều bài toán hóc búa và buộc mọi người phải ý thức hơn đến vấn đề rác thải cũng như môi trường sống quanh ta.

Chưa thể tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ nhưng gần đây, có rất nhiều tổ chức, cá nhân thanh niên, bạn trẻ kêu gọi, tình nguyện hành động ngăn chặn hành vi xả rác, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Các tổ chức - nhóm hoạt động vì môi trường trải đều khắp cả nước như Nhóm WildAct, câu lạc bộ môi trường AGU, môi trường 360 độ, Nhịp cầu hữu nghị, Tổ chức Thanh niên vì tương lai xanh của bé, Tổ chức “Tôi dám thay đổi”, phong trào “đổi giấy lấy cây”, phong trào bỏ ống hút, ly nhựa, ni-lon để sử dụng vật phẩm thân thiện môi trường… đã giúp tác động và lan tỏa hành vi tích cực trong dân cư cùng đông đảo thanh thiếu niên.

Có thể thấy, thay đổi hành vi, nhận thức theo xu hướng tất yếu ăn sạch, sống xanh, bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng lan rộng trong nhiều tầng lớp. Những biện pháp và cách làm hiện nay chưa thể gọi là đủ nhưng cần được khuyến khích, phát huy. Vì vậy, chỉ bằng hàng động nhỏ thay đổi hành vi cá nhân trong ăn uống, lên án sản xuất nông sản, thực phẩm bẩn, phòng chống các hành động gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tức là chúng ta đang góp phần bảo vệ cho chính mình và gia đình.