Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: Quan hệ đồng minh mới sẽ xóa đi “vết rạn” cũ?

(VOH) - Hôm nay (30/6), Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-In (Moon Jae-in) dự kiến sẽ có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Diễn ra trong 2 ngày (29-30/6), chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-In có ý nghĩa quan trọng, bởi nó sẽ quyết định tương lai cho quan hệ Mỹ-Triều cũng như cách thức giải quyết những tồn tại trong vấn đề Triều Tiên.

Trước thềm chuyến thăm này, các quan chức Hàn Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn quốc thiết lập tình bạn cá nhân và lòng tin với nhau. Một câu hỏi khiến dư luận băn khoăn: Vì sao giới chức Hàn Quốc lại sốt sắng như vậy khi Mỹ và Hàn Quốc vốn là đồng minh truyền thống từ nhiều năm nay?

Từ trước đến nay, mối quan hệ đồng minh Mỹ- Hàn luôn được coi là kiểu mẫu với sự hậu thuẫn và hỗ trợ lẫn nhau trên các phương diện kinh tế và quân sự, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khiến tình hình Đông Bắc Á luôn căng thẳng. Thế nhưng kể từ khi Tổng thống Mun-Chê-In nhậm chức và Tổng thống Donald Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn được đánh giá là có nguy cơ rơi vào "một chu kỳ căng thẳng mới".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Nghe bài viết tại đây. 

Việc Tổng thống Mun-Chê-In ngay khi nhậm chức đã quyết định tạm ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ đã khiến Tổng thống Donald Trump không hài lòng, nếu không muốn nói là tức giận. Bởi quyết định của Tổng thống Mun Chê-In không những làm suy yếu tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ Hàn Quốc mà còn làm tổn hại lòng tin giữa hai đồng minh. Đáng chú ý, việc Tổng thống Mun-Chê-In chủ trương đối thoại và viện trợ cho Triều Tiên-được cho là một bước đi-ngược lại với chiến dịch gây sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngược lại, những phát ngôn “tiền hậu bất nhất” và quyết định khó lường của Tổng thống Donald Trump, cũng đã khiến cho nhà lãnh đạo Hàn Quốc không ít lần phật lòng. Chính vì thế, nếu không xử lý khéo léo, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Hàn quốc và Mỹ có thể sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng. Đây cũng chính là lý do khiến chính giới Hàn quốc không khỏi lo lắng và họ không dấu diếm mong muốn chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Mun-Chê-In sẽ giúp cải thiện những khác biệt đang tồn tại trong quan hệ đồng minh truyền thống này.

Theo kế hoạch, ngày hôm nay (thứ 6, 30/6), Tổng thống Hàn Quốc Mun- Chê-In và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiến hành cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên, nhằm thảo luận các biện pháp thiết lập mối quan hệ cá nhân, củng cố quan hệ đồng minh và tăng cường hợp tác để kiềm chế khả năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong bối cảnh tình hình Đông Bắc Á căng thẳng, đặc biệt là khi Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử tên lửa trong thời gian gần đây, việc Mỹ- Hàn “bắt chặt tay nhau” được cho là yếu tố tiên quyết để ngăn cản những tham vọng của Bình Nhưỡng.

Vậy thì, Mỹ- Hàn sẽ làm thế nào để dẹp bỏ “cái tôi” khác biệt?

Tình hình hiện nay buộc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn phải dẹp bỏ “cái tôi” để tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh. Thứ nhất, bất ổn chính trị và biến động của tình hình khu vực và thế giới khiến Tổng thống Mun-Chê-In đối mặt với nhiều thách thức mới. Dù ông Mun Chê-In lựa chọn phương thức đối thoại, nhưng “cái lắc đầu” của Triều Tiên và việc nước này liên tiếp thử tên lửa, hạt nhân, đã đặt nhà lãnh đạo Hàn quốc vào một tình thế khó xử.

 Tuy nhiên, điều khiến người dân Hàn quốc không hài lòng, lại bắt nguồn từ việc Tổng thống Mun-Chê-In “quay lưng” lại với đồng minh chủ chốt Mỹ. Bất chấp việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối đang gây chia rẽ nội bộ Hàn Quốc, sự ủng hộ của công chúng nước này đối với liên minh Mỹ - Hàn hiện rất cao, bởi người dân Hàn quốc đã quá quen với hình ảnh nước Mỹ là đồng minh bảo trợ “chiếc ô an ninh” cho Seoul.

Đấy là chưa tính tới việc Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Hàn quốc. Tất nhiên, những thách thức về an ninh và kinh tế đã buộc ông Mun-Chê-In phải xây dựng một chính sách đối ngoại thực dụng và trách nhiệm hơn so với người tiền nhiệm.

Về phần mình, Mỹ được cho là sẽ phải tự điều chỉnh mối quan hệ với Hàn quốc. Washington biết rõ rằng nếu “cư xử không tốt” với đồng minh Hàn Quốc, tất sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường, trong đó có việc duy trì ảnh hưởng và vị thế địa chính trị của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Ngoài ra, Mỹ hiểu rất rõ rằng nếu bỏ mặc Hàn Quốc, rất có thể đồng minh Hàn quốc sẽ rơi vào vòng tay của các quốc gia đối trọng với Mỹ. Và để tránh tình trạng “già néo đứt dây”, không có cách nào khác Tổng thống Donald Trump sẽ phải tìm một giải pháp khéo léo hơn trong mối quan hệ với đồng minh Hàn Quốc.

Chính vì thế, giới phân tích cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn quốc Mun Chê-In hôm nay có nhiệm vụ khá nặng nề. Đó là vừa phải củng cố lòng tin và thu hẹp khoảng cách trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa không làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp với Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và Quốc tế của Mỹ mới đây, Ngoại trưởng Hàn quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm phương án mở rộng ngoại giao dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc, đóng góp tích cực hơn nữa cho cộng đồng quốc tế.

Bản thân Tổng thống Hàn quốc Mun-Chê-In đã từng khẳng định rằng liên minh Hàn-Mỹ là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Seoul, bởi vậy Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải thật khéo léo, còn nhà lãnh đạo Mỹ cũng cần thể hiện thái độ thận trọng và linh hoạt để có thể điều chỉnh mối quan hệ đồng minh theo hướng tin tưởng lẫn nhau.

Dư luận đang chờ đợi kết quả chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng thống Hàn quốc Mun-Chê-In trong ngày hôm nay với hy vọng quan hệ đồng minh mới sẽ xóa đi “vết rạn cũ”.