Vinh quang nghề giáo

(VOH) - Truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, từ bao đời qua của dân tộc đã luôn khẳng định vai trò của người thầy trong xã hội. Những ngày qua, cả nước trang trọng kỷ niệm, tôn vinh và tri ân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, một dịp kỷ niệm không thể quên với bao thế hệ học trò, với ngành giáo dục, với mỗi giáo viên, và với từng gia đình. Sự tôn vinh và tri ân đó thêm lần nữa khẳng định vinh quang của nghề giáo, khẳng định vai trò của thầy cô giáo trong xã hội học tập hôm nay.

Cả nước ta hiện nay có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên - một đội ngũ nhà giáo khá đông đảo, đang thực sự đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu và sự phát triển của giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”.

Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối, sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Lịch sử ghi nhận và tôn vinh rất nhiều nhà giáo tiêu biểu. Thế kỉ thứ 14, thầy giáo Chu Văn An được tôn vinh là người thầy của muôn đời - vạn thế sư biểu, là biểu tượng của nhân cách lớn. Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam bộ, nhà giáo Võ Trường Toản đã nói đến đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, quốc gia có những người thầy giỏi, có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh. Thế kỷ 20 có bậc thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, người sáng lập nền giáo dục cách mạng. Lớp lớp con cháu hôm nay noi gương Người giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, để nền giáo dục Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời có thể hội nhập quốc tế trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển vũ bão.

Nghề giáo vinh quang, song cũng còn không ít những ưu tư. Ảnh minh họa - Nguồn: Tuyengiao

Nghề giáo vinh quang, song cũng còn không ít những ưu tư. Trong xã hội hiện đại, các thang giá trị biến đổi, kéo theo cách nhìn nhận về nghề giáo cũng biến đổi theo. Có quan điểm cho rằng, nghề giáo ít nhiều không còn được tôn trọng như trước. Từ câu chuyện dạy thêm học thêm biến tướng, rồi không ít thầy cô buộc phải từ bỏ bục giảng vì gánh nặng mưu sinh và bao nhiêu lý do khác. Đáng nói hơn, nơi này nơi khác vẫn còn có các hành vi làm tổn thương đến người thầy và bên cạnh đó có một số biểu hiện suy giảm về đạo đức, làm xấu đi hình tượng của những người làm nghề dạy học. Tuy nhiên điều đó chỉ là số ít, rất ít, không thể và không phải là bức tranh chung để nhận định nghề giáo không còn được trân trọng. Quan trọng là phải xem đó như hồi chuông nhắc nhở cần một sự thay đổi và chấn chỉnh để thầy cô giáo có thể yên tâm hơn, phát huy tốt hơn vai trò, sứ mệnh, để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.

Cuộc sống thay đổi, ngành giáo dục buộc phải đổi mới theo và người ta hay nhắc tới những cụm từ như “lấy học sinh làm trung tâm” và “tự học”... khiến cho vai trò của giáo viên dường như không còn quan trọng như trước đây. Ai sẽ là người tổ chức cho học sinh trở thành vai trò trung tâm, ai hướng dẫn cho việc tự học nếu không phải là người thầy. Dù còn đó những trăn trở, câu chuyện giáo viên chưa được trao quyền chủ động, vị trí của nhà giáo, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, những nơi vùng sâu vùng xa, hải đảo, điều kiện dạy và học còn hết sức khó khăn vất vả… nhưng đại đa số nhà giáo đã vẫn đang làm tốt vai trò, chức trách và nhiệm vụ thiêng liêng của mình, một cách kiên nhẫn và thầm lặng.

Cùng với sự phát triển, có thể không quá lời khi nhận định, vai trò người thầy càng quan trọng hơn, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Người thầy vẫn đóng vai trò quyết định chất lượng dạy và học. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp xúc rất nhanh với thế giới tri thức bên ngoài, rất năng động,  cầu tiến, sáng tạo… Thế nhưng cùng với tri thức, xung quanh các em  có biết bao nhiêu luồng thông tin nguy hại đang rình rập. Nếu không có người thầy định hướng, uốn nắn, việc sa ngã là không thể tránh khỏi. Người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn phải giáo dục đạo đức, giúp người học trưởng thành về nhiều mặt, trở thành người có ích cho xã hội. Đó là sứ mệnh cao quý, rất đỗi thiêng liêng song lại vô cùng vất vả, mà bất kỳ ai làm nghề dạy học đều phải gánh lấy.

Trong xã hội của chúng ta, nghề nào cũng được quý trọng bởi tất cả đều làm ra các giá trị vật chất hay tinh thần phục vụ cho lợi ích của con người. Song nghề dạy học vẫn luôn có vị thế đặc biệt quan trọng. Thầy cô giáo là người ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước, trồng cây, đơm hoa kết trái cho cuộc đời. Dạy học là một nghề hội tụ vẻ đẹp của các ngành nghề khác, vẫn luôn là “nghề cao quý, nhất trong những nghề cao quý”. Ngày nhà giáo VIỆT NAM cũng là dịp nhắc nhớ về vị trí người thầy xứng đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh bởi những đóng góp lớn lao. Cùng với đó, mỗi giáo viên trong thời đại mới càng phải nỗ lực tự hoàn thiện mình, đáp ứng mọi tin yêu, kỳ vọng của toàn xã hội.