Vui chơi xin đừng quá đà

(VOH) - Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống quan trọng của người dân Việt Nam. Những hoạt động vui chơi, giải trí cũng như việc di chuyển, đi lại vào thời điểm này trở nên nhộn nhịp, đa dạng sắc màu và rộn ràng nhất trong năm. Tuy vậy, chính không khí vui vẻ, náo nhiệt có thể dẫn đến cuộc vui quá đà, vượt quá giới hạn dẫn đến hậu quả đáng tiếc vẫn thường diễn ra hàng năm.

Từ thực tế này, Ban Bí thư đã có chỉ thị tạo điều kiện cho mọi người dân được vui Xuân, đón Tết năm 2017 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chủ trương này rất cụ thể, đón Tết vui tươi nhưng phải lành mạnh, trong đó vấn đề an toàn được ưu tiên hàng đầu.

Dịp nghỉ Tết 2016 kéo dài 9 ngày, theo thống kê toàn quốc xảy ra hơn 400 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người, bị thương 380 người. Đáng lo hơn là báo cáo từ Bộ Y tế, trong 8 ngày Tết 2016 đã thực hiện khám, cấp cứu hơn 43.700 lượt cho các nạn nhân tai nạn giao thông, trong đó trên 5.400 lượt khám chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng và đã có hơn 200 ca tử vong do tai nạn giao thông. Những số liệu nêu trên phản ánh hiện tượng sử dụng bia rượu, thức uống có cồn thiếu kiểm soát trong cuộc vui và sau đó lại điều khiển phương tiện giao thông, thậm chí còn tổ chức đua xe, chạy xe đánh võng, lạng lách dẫn đến trường hợp tai nạn đáng tiếc.

Ảnh minh họa - Nguồn: TTO

Bất chấp hậu quả thực tế đau lòng đã được thống kê và ghi nhận, không ít người vẫn quan niệm “Tết thì phải vui, chơi hết mình!. Nhưng mọi người hãy dành ít nhất một phút để nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra do cuộc vui quá đà. Chỉ có nhận thức và tự ý thức mới giúp chúng ta tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc.

Trước thềm Tết Nguyên đán 2017, Đảng và Nhà nước cùng đoàn thể các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung. Tổ chức thăm hỏi các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng  làm nhiệm vụ trực Tết.

Những hình ảnh đầy nhân văn này tương phản với thực trạng lãng phí, “thăm hỏi”, “quà cáp” mà Chính phủ đã khuyến cáo. Theo đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội vui chơi mừng năm mới, tổng kết năm, các lễ kỷ niệm ngày truyền thống thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc, với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán của từng địa phương. Song song đó là chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết và tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội.

Chủ trương đưa ra cụ thể là rất thiết thực bởi tư tưởng vui chơi xả láng đã ăn sâu bấy lâu trong tiềm thức người dân cùng các buổi tiệc, liên hoan tốn kém, lãng phí theo kiểu cho… đông vui vì “Tết mà”! Chưa hết, sau những buổi tiệc đó lại xuất hiện trên đường phố không ít người điều khiển xe mất khả năng kiểm soát, có thể dẫn đến tai nạn giao thông thảm khốc. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cảnh báo việc vui chơi, ăn uống, tiệc tùng quá độ có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, ngộ độc thực phẩm chứ không đơn thuần chỉ là lãng phí.

Ảnh minh họa - Nguồn: Baomoi

Tết đến – Xuân về khiến lòng người ai cũng nôn nao, háo hức đón chào một năm mới. Tuy vậy, mọi người có thể lựa chọn cho mình cách đón Tết, chia sẻ niềm vui cùng gia đình, bạn bè, người thân một cách hợp lý, tiết kiệm và đồng thời góp phần chống lãng phí, tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.