Bánh ít hay bánh ích?

(VOH) - "Bánh cả mâm, sao em kêu rằng bánh ít? / Trầu cả chợ, sao em gọi là trầu không?" Món bánh quen thuộc trong những ngày tết của người Nam Bộ, đặc biệt là người miền Tây phải chăng đang bị đọc sai tên?

Tết đến, gia đình nào ở Nam bộ cũng có bánh tét, bánh ích trong nhà. Nhưng thường người ta gọi đây là bánh ít, do phương ngữ Nam bộ nên đọc lên nghe thành bánh ích. Đó có phải là lý do cho loại bánh hai tên này?

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Nhật Quang, tên gọi và hình dáng của chiếc bánh dân dã này là cả một nét văn hoá sâu sắc của người dân phương Nam

Điều ít ai biết, đó là tên bánh dựa trên hình dáng của nó. Bánh có hình tam giác, theo Hán tự là hình chữ “Ích”. Trong kinh dịch, 1 trong 64 quẻ dịch là “Phong lôi ích” hay còn gọi tắt là quẻ ích (phong là gió, lôi là sấm, có gió có sấm là sẽ có mưa xuống, là điềm tốt, có ích). Ích có nghĩa là thêm được lợi, vươn lên suôn sẻ, là tăng lên, làm tốt cho nhau.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Nhật Quang cắt nghĩa bánh ích miền Nam. Hình Phương Nguyệt

Hình dáng bánh như hình tam giác mang hình ảnh rất đặc sắc của dân khai khẩn, đó là hình lều trại.

Thuở khai hoang của cư dân Việt thế kỷ 16, 17, miền Nam rất hoang vu, lưu dân vùng Ngũ quảng đến phương Nam phải dựng lều trại để nương thân, lập nghiệp. Mép gấp của bánh tượng trưng cánh cửa của lều. Người miền Nam khi gói bánh ích còn gấp đỉnh đầu xuống một chút, có nơi gọi là bánh nóc chùa. Điều này mô tả thời khai khẩn, người ta phải nương náu cùng nhau trong những đền chùa.

Tết đến, dâng hương ông bà tổ tiên dĩa bánh ích, cùng nhau ăn lấy vị đầu năm, cũng là để ôn lại cội nguồn.

Bánh ích trông nhỏ, gọn, dân dã nhưng gói bánh ngon, bánh đẹp phải có nghề. Bánh ích ngon là bột dẻo nhưng không dính răng, cắn một miếng đầu lưỡi cảm ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hay vị bùi của đậu xanh và mùi thơm của lá chuối. Gói bánh ích cũng phải chăm chút từng góc bánh. Gói không khéo, khi chính sẽ bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra không thẩm mỹ.