Cần chính sách tốt cho các vận động viên thể thao

(VOH) - Ngày 12/8, vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên cùng huấn luận viên Đặng Anh Tuấn và nhóm tác giả Đặng Hoàng  - Đinh Hiệp đã giao lưu về quyển sách Ánh Viên “from zero to hero”.

Ánh Viên “from zero to hero” là một câu chuyện tuyệt vời về tấm gương nghị lực. Không chỉ thế, đây còn là câu chuyện của kỷ luật rèn luyện, khát vọng tuổi trẻ.

Con đường để từ không đến có, từ vô danh đến nổi tiếng, thậm chí trở thành “người hùng” hẳn là một hành trình gian khó nhưng đầy cảm hứng. Là  câu chuyện thể thao hấp dẫn nhưng cao hơn là câu chuyện truyền cảm hứng chinh phục. 

Cần chính sách tốt cho các vận động viên thể thao 1

VOH trò chuyện cùng nhà báo Đặng Hoàng về tác phẩm này. 

VOH: Cơ duyên nào đã đưa nhà báo Đặng Hoàng viết nên tác phẩm Ánh Viên “from zero to hero”?

Nhà báo Đặng Hoàng: Đầu tiên tôi biết là huấn luyện viên (HLV) Đặng Anh Tuấn trước, sau đó mới là Ánh Viên. Bắt đầu là từ câu chuyện ông giám đốc công ty Gia Hòa Lê Hùng Mạnh tặng Ánh Viên căn hộ 1,5 tỷ.

Tôi là người giúp ông Hùng Mạnh trao tặng cho Ánh Viên trong buổi lễ do Thành đoàn phối hợp báo Tuổi trẻ, HTV trao tặng trong buổi giao lưu với độc giả Thành phố tại Nhà văn hóa Thanh niên năm 2015.

Khi tiếp xúc với nhau tôi có nảy sinh ý định là cần phải viết một cuốn sách về thầy Đặng Anh Tuấn và trò Nguyễn Thị Ánh Viên. Tôi viết cuốn sách này không phải chỉ cho người hâm mộ, người dân Việt Nam mà tôi đặc biệt gửi đến chính phủ, tổng cục thể thao, những người làm ngành thể thao hiểu rằng phải làm thế nào để thể thao Việt Nam có Ánh Viên.

Ánh Viên là sản phẩm của sự kết hợp giữa nhà nước, với cơ quan chủ quản của Ánh Viên là quân đội và đặc biệt có sự đóng góp của xã hội.

VOH: Khi viết Ánh Viên “from zero to hero” thì nhà báo Đặng Hoàng thấy ấn tượng như thế nào về gia đình cũng như người thầy rất đặc biệt của kình ngư Ánh Viên?

Nhà báo Đặng Hoàng: Gia đình Ánh Viên là gia đình rất tuyệt vời. Có nhiều gia đình sẽ ảnh hưởng đến vận động viên. Nhưng ở đây, gia đình Ánh Viên là nền tảng vững chắc. Từ đó có nhiều ngành, xã hội đẩy Ánh Viên lên cao.

Thể thao Việt Nam gần như rất nhiều vận động viên, huấn luận viên, đi qua nước ngoài tập huấn vì đó là những vận động viên tài năng, nhưng tại sao đa phần đều thất bại mà riêng Ánh Viên lại thành công. Đây cũng là bài học cho thể thao Việt Nam.

HLV Đặng Anh Tuấn là tài sản quí của thể thao Việt Nam. Không có HLV Anh Tuấn, dứt khoát không có một Ánh Viên. Vậy thì làm sao để có HLV Anh Tuấn. Việt Nam không phải thiếu người giỏi, vấn đề là chúng ta không biết cách, không biết đường hướng, hướng đi để tạo ra nhiều HLV Anh Tuấn.

Đương nhiên, không thể gói gọn trong 200 trang sách mà nói lên hết được. Nhưng cũng nói lên được phần nào để có một HLV Anh Tuấn, một Ánh Viên thì đó là con đường cực kì gian khổ, đòi hỏi sự hy sinh, đầu tư của mọi người.

VOH: Là người theo mảng thể thao lâu năm, chắc rằng nhà báo cũng có giải pháp cho việc phát triển tài năng thể thao đỉnh cao?

Nhà báo Đặng Hoàng: Thông qua cuốn sách này, tôi có đặt vấn đề tại sao các tài năng thể thao đỉnh cao, không chỉ cho bơi lội mà rất nhiều môn khác, khi họ chấm dứt đỉnh cao thì cuộc đời của họ, mấy chục năm về sau như thế nào.

Hiện nay, tôi đang cùng với mọi người "giải toán", có lời giải cho Ánh Viên, Ánh Viên mới có thể sống khỏe suốt đời. Đó là câu chuyện xã hội hóa mà tôi có một phần gửi gắm trong sách này để nếu có thành công thì đây là mô hình cho bơi lội nói riêng và thể thao nói chung.

VOH: Nói viết tự truyện thì người ta sẽ nghĩ ngay đến những văn nghệ sĩ có tuổi, có đóng góp cả đời cho ngành nghệ thuật nước nhà nhưng thời gian gần đây thì các tác giả trẻ cũng đã bắt đầu viết tự truyện như đội bóng U23 của Việt Nam, rồi nay là Ánh Viên với Ánh Viên “from zero to hero”? Phải chăng đang có sự dịch chuyển thể loại này khi các tác giả viết về nhân vật đang ở đỉnh cao sự nghiệp?

Nhà báo Đặng Hoàng: Đây không phải là ý tưởng của HLV Anh Tuấn hay của Nguyễn Thị Ánh Viên. Tôi nói ngay từ đầu đây là của tôi.

Tôi viết không chỉ cho Ánh Viên, không chỉ cho Anh Tuấn, tôi viết tôi gửi gắm đến cho những người Việt Nam, ngành thể thao Việt Nam, xã hội, chúng ta làm sao để tạo cú hích Ánh Viên, vì chúng ta không dễ để có một người như Ánh Viên. Tôi sẽ viết cuốn tự truyện của Ánh Viên về sau.

Một năm 2,3 tỷ là số tiền không phải nhỏ nhưng không phải quá lớn mà một doanh nghiệp nào đó không thể tài trợ cho Ánh Viên. Trách nhiệm của những người làm thể thao là các anh phải đưa ra chính sách. 

Như vậy, nếu chúng ta làm dự án từng vận động viên ngôi sao và đi mời gọi các doanh nghiệp thì số tiền tỷ doanh nghiệp sẵn sàng chi nhưng doanh nghiệp biết người ta tài trợ có hy vọng.

VOH: Cám ơn ông !