Một hoạt động trong Ngày Thơ Việt Nam 2014 (Ảnh: Tiền Phong)
Ngày thơ dần tiến đến tầm vóc quốc tế
Ở qui mô toàn quốc, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề “Hướng về biển đảo tổ quốc” diễn ra trong 7 ngày (từ 1 - 7/3/2015) tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh, chính thức khai mạc vào sáng ngày 5/3 (tức ngày Rằm tháng Giêng âm lịch) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngày thơ năm nay không chia ra "già" và "trẻ" như mọi năm mà tổ chức thành sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế. Ngày thơ năm nay còn có phố nghệ thuật để tôn vinh nghệ thuật truyền thống như: hát văn, hát xẩm...
Đặc biệt, Ngày Thơ năm nay có sự tham gia của hai lực lượng: Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng và hơn 150 nhà thơ quốc tế đến từ: Anh, Pháp, Brazil, Nam Phi, Pakistan… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Ban Tổ chức cho biết, một nét đặc sắc chính là sự tham gia của các nhà thơ quốc tế, không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn có đại diện, nhà văn lớn tên tuổi ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, họ mang đến những giọng nói hoàn toàn riêng biệt, đầy bản sắc và mang đến những hiểu biết của họ về Việt Nam.
Ngày Thơ năm nay còn có 2 sự kiện rất lớn trước đó là Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2, có 2 cuộc hội thảo về Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển và Thơ - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt. Đó là những điểm đặc biệt mà bạn đọc đến đó có thể hưởng nhận giọng nói của các nền thơ khác trên thế giới, nghe lại tất cả quá trình phát triển của văn học Việt Nam và chia sẻ với những nhà thơ, nhà văn, dịch giả, những NXB từ nhiều vùng trên thế giới...
Nhiều tỉnh thành kỷ niệm Ngày Thơ
Nhắc đến Ngày Thơ không thể không nhắc đến tỉnh Phú Yên, bởi lẽ Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên trên núi Nhạn tính đến nay đã tròn 35 tuổi. Đây là lễ hội thơ đương đại xuất hiện sớm nhất sau ngày đất nước thống nhất và ngày càng có sức lan tỏa, thu hút bạn yêu thơ cả nước tìm về.
Thực tế cho thấy, không phải ở tỉnh thành nào cũng có được những đêm thơ tổ chức đều khắp ở các huyện, thành phố, thậm chí đến cấp xã phường như Phú Yên xuyên suốt những ngày Tết cổ truyền. Chính tiếng vang từ lễ hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên là một trong những nguyên nhân quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định thành lập Ngày Thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng hàng năm.
Từ nhiều năm nay, chủ đề về biển đảo tổ quốc luôn được thể hiện xuyên suốt trong Ngày Thơ tại các địa phương. Về với miền đất võ Bình Định, Ngày Thơ năm nay được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào tối Rằm tháng Giêng với các tiết mục thơ - nhạc đặc sắc mang đậm chủ đề “Tổ quốc bên bờ sóng”.
Tại Thừa Thiên Huế, Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề “Biển đảo Quê hương” bao gồm các hoạt động : chương trình Tưởng nhớ thi nhân, đi viếng mộ thi nhân, thăm và thắp hương ở mộ của các nhà thơ, nhà văn đã có nhiều đóng góp cho nền thi ca và văn học nước nhà. Các bài thơ, các ca khúc phổ thơ và những sáng tác mới của các nhà thơ Huế sẽ hội ngộ trong Đêm thơ Nguyên Tiêu vào ngày 14 tháng Giêng diễn ra tại Công viên 3 tháng 2, thành phố Huế.
Đến với Quảng Ngãi, Đêm thơ - nhạc Nguyên tiêu vào Rằm tháng Giêng với chủ đề “Biển đảo và quê hương” giới thiệu đến người yêu thơ 16 tác phẩm thơ và ca khúc phổ thơ do hội viên Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh sáng tác. Nét mới của đêm thơ - nhạc Nguyên tiêu 2015 tại Quảng Ngãi là ngoài việc đọc thơ, ngâm thơ còn có hình thức trình diễn thơ với hai bài thơ của hai nhà thơ lớn ở Quảng Ngãi là bài “Quê hương” của Tế Hanh và bài “Làng em” của Bích Khê.
Tại TP.HCM, năm 2015 gắn liền với sự kiện kỷ niệm 40 năm giải phóng TP, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên bên cạnh chủ đề chung của toàn quốc là “Hướng về biển đảo tổ quốc”, Ngày Thơ lần thứ 13 tại TP.HCM sẽ hướng theo một chủ đề lớn là “Xuân thống nhất, phát triển và hướng về biển đảo tổ quốc”. Ngày hội thi ca TP chính thức diễn ra trong 2 ngày: 14 và 15 tháng Giêng Âm lịch tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM.
Nhà thơ Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thơ tại TP.HCM chia sẻ, Ngày Thơ tại TP.HCM sẽ có các điểm nhấn : đêm thơ Nguyên tiêu với khoảng 25 tiết mục gồm những bài thơ, những bài hát nổi tiếng phổ từ thơ để chúng ta có thể thấy được tiến trình phát triển của TP. Hiện tại, Hội đã nhận được sự đăng ký tham gia của 25 CLB thơ đến từ các quận, huyện, trường đại học, ban, ngành, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số TP với các CLB thơ của người Hoa, Chăm, Khmer để góp thêm màu sắc cho Ngày Thơ. Ngoài ra chương trình còn có một số hoạt động như trình bày ấn phẩm thơ, viết thư pháp thơ, chương trình giao lưu giữa công chúng với các nhà thơ...
Với Cần Thơ, cùng chủ đề “Hướng về biển, đảo tổ quốc”, đêm thơ nguyên tiêu của đất Tây Đô diễn ra tối ngày 14 tháng Giêng tại Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia đình Bình Thủy với những tác phẩm thơ của các thi sĩ Cần Thơ và ĐBSCL viết về tình yêu biển đảo, về sự kiên cường, hy sinh của người lính biển, cảnh sát biển. Ngoài ra, nhiều tác phẩm ca nhạc, ca cổ phóng tác từ các bài thơ hay sẽ được các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa thành phố giới thiệu.
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ, Trưởng Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại TP. Cần Thơ chia sẻ : "Ngoài những hoạt động vệ tinh như viết thư pháp, trưng bày sách, ký họa chân dung, chương trình nghệ thuật tổng hợp thì còn có thêm phần thi thơ lục bát nhanh. Mục tiêu chung của ngày hội là gợi lên cho tuổi trẻ về tình yêu tổ quốc, tình yêu thi ca, kích thích sự sáng tạo của các CLB thơ, tạo nên sinh khí mới trong việc sáng tác và thưởng thức thơ, hâm nóng tình yêu tổ quốc, tình yêu quê hương vốn đã có sẵn...
Với sức lan tỏa của Ngày Thơ Việt Nam; với nét độc đáo, sự đổi mới và sáng tạo không ngừng của thế hệ những nhà văn, nhà thơ trên khắp cả nước; hi vọng thơ ca Việt Nam ngày càng gần gũi, thân thiết, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân Việt Nam; qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng trong trái tim mỗi người.