Cô Nhóc Mùa Đông

(VOH) - Cô nhóc cứ ngồi đó mà ngủ, tranh thủ từng giây từng phút một trong lúc xe chạy. Chẳng để ý người ta đưa mình đi đâu. Rồi trong lúc ngủ say quá, cô nhóc lại ngả đầu vào người ngồi kế bên. Cuối cùng, một cú rẽ của chiếc xe đã làm cô nhóc sực tỉnh. (Văn học tuổi xanh 11/12/2016)

Cô Nhóc Mùa Đông

Vào những ngày đông lạnh, chiếc xe buýt dường như rộng hơn và thừa rất nhiều chỗ. Cô nhóc ngồi thu lu một góc, mắt nhắm mắt mở, rụt cổ sâu vào chiếc áo lạnh.

Cô nhóc cứ ngồi đó mà ngủ, tranh thủ từng giây từng phút một trong lúc xe chạy. Chẳng để ý người ta đưa mình đi đâu. Rồi trong lúc ngủ say quá, cô nhóc lại ngả đầu vào người ngồi kế bên. Cuối cùng, một cú rẽ của chiếc xe đã làm cô nhóc sực tỉnh.

Đầu cứ lâng lâng, cô nhóc chẳng biết mình đang ở đâu. Cảm giác này khác hẳn với cảm giác mỏi đơ cả cổ khi ngồi ngủ. Cô nhóc thoát khỏi cơn mơ, mắt sáng dần và nhận ra rằng mình đang ngả đầu vào một ai đó. Cô nhóc giật thót tim, ngồi bật dậy. Mặt cô nhóc bắt đầu đỏ lên một cách nhanh chóng, giống như một mặt trời mới đang mọc lên  giữa bầu trời âm u.

-  Ơ…ơ. Xin lỗi!

-  Ừm.

Cuộc giao tiếp chỉ vỏn vẹn là vậy.

Suốt đoạn đường, vì quá xấu hổ nên cô nhóc chẳng dám quay mặt nhìn sang bên cạnh. Những giọt mưa bên ngoài cửa sổ vẫn không phải là tâm điểm của cô. Mà cô nhóc đang cố nhớ về hình ảnh của “nạn nhân”. Những gì sót lại sau “tai nạn” đó chỉ là một mái tóc bù xù như một con nhím. Một chiếc áo khoác màu xanh rêu và chiếc khăn quàng cổ màu sẫm. Một điều quan trọng nữa, người đó là nam. Cũng phải, vì là nam nên mới có thể làm cho cô phải bối rối một cách khó hiểu và mặt cứ đỏ lên như đĩa xôi gấc. Chỉ nhiêu đó nhưng cũng đã làm đầu cô nhóc phải nổ tung lên vì không hình dung được khuôn mặt chàng ta ra sao.

Lần thứ năm, lần thứ sáu, lần thứ mười lăm, cũng không nhớ rõ, cô nhóc vẫn không kiềm chế được cơn buồn ngủ của mình. Và điều tất nhiên sẽ xảy ra là đầu cô lại ngả trên vai anh chàng có mái tóc nhím xù kia. Sự việc cứ xảy ra như có một ai đó đã lập trình trước. Cô nhóc ngả vào tay người ta ngủ, rồi khi tỉnh giấc lại mở miệng lí nhí câu xin lỗi: “Ơ…ơ. Xin lỗi”. Nghe hoài mà phát ngán…Chàng ta cũng vậy. Mỗi khi nhóc mở câu xin lỗi là chàng lại nở một nụ cười thật ngắn. Ngắn đến nỗi không ai tưởng đó là một nụ cười. Và hình ảnh về chàng trai không quen đã dần rõ nét trong đầu cô nhóc. Một chàng trai cao và ốm. Khuôn mặt sáng. Đôi mắt long lanh đen, nụ cười ấm. Đặc biệt là mái tóc rối bù xù như lông nhím. Dựa vào điểm này, cô nhóc tự đặt cho chàng biệt danh thật ngộ: Nhím

Xe buýt chuyển bánh. Cô nhóc đang tựa đầu trên vai Nhím. Đôi tay Nhím đang nắm lấy tay cô nhóc để sưởi ấm cho nhau. Cô nhóc nhắm hờ mắt, không phải để ngủ mà là để cảm nhận hơi ấm từ người Nhím tỏa ra trong không gian lạnh buốt. Thật ấm áp đến lạ lùng. Bỗng đầu Nhím cúi thấp dần xuống mặt cô nhóc. Môi Nhím đã chạm vào má cô nhóc. Cô nhóc cảm nhận được đó chính là cái hôn Nhím dành cho mình. Cái hôn ban đầu lạnh giá nhưng sau đó ấm dần. Cô hơi sửng sốt nhưng vẫn nằm im để cảm giác chưa từng gặp đó kéo dài một chút.

“Reng reng reng…”, “Jingle bells, Jingle bells, jingle bells”. Tiếng đồng hồ và tiếng nhạc hiệu điện thoại cùng vang lên một lúc. Cô nhóc bật người dậy. Mồ hôi thấm chiếc áo cô đang mặc. Cô nhóc lại mơ. Ba bốn đêm nay, giấc mơ ấy lại đến với cô nhóc. Cô nhóc chẳng biết vì sao lại thế, hay là cô đã tương tư chàng Nhím rồi? Chẳng có câu trả lời chính xác.

Tiếng chuông đồng hồ và điện thoại vẫn cứ réo lên như muốn vỡ tung ra. Cô nhóc thở phào và tắt từng cái một.

-  Ối! Chết con rồi. Xe buýt khởi hành rồi má ơi.

Cô nhóc vội vã tụt khỏi giường làm những việc như thường ngày để đến trường một cách nhanh nhất. Đúng là một cô nhóc ngốc nhất thế gian. Cớ sao phải luýnh quýnh thế cơ chứ. May cô nhóc vừa xách ba lô ra đến cửa phòng trọ thì sực nhớ: Hôm nay là chủ nhật. Ngốc ơi là ngốc.

Chiều. Cô nhóc hẹn với đứa bạn thân tại quán chè nóng Kiwi. Nhỏ nổi tiếng trong lớp với biệt danh “thiên sứ tình yêu”. Có nghĩa là ai có rắc rối, thắc mắc gì về chuyện tình cảm, chỉ cần nói một tiếng là nhỏ sẵn sàng ra tay giúp. Phải nói là những lời nhỏ chỉ dẫn thật hiệu nghiệm. Nhưng không biết với cô nhóc thì sao.

-  Cho tao hỏi tí mày?

-  Lại chuyện tình cảm phải không?

-  Ơ…ờ. Tao cũng không biết nữa.

-  Chuyện sao? Nói nghe coi.

-  Là chuyện nhiều đêm tao cứ mơ về chàng. Chẳng thể nào ngon giấc được.

-  Mà mơ làm sao. Chi tiết hơn.

-  Ơ…ơ. Khó nói quá.

-  Thế làm sao tao tư vấn được?

-  Thì chàng hôn tao – Nói xong, má cô nhóc đỏ lên một cách nhanh chóng.

-  He he. Chuyện thú vị đấy. Mà anh chàng đó là ai?

-  Tao cũng chả quen nữa. Tao đi xe buýt và ngủ gật trên vai gã. Được khoảng 5, ấy 7 lần…Mà không, nhiều lắm. Tao không rõ nữa.

-  Thường thì ai là người ngồi vào chỗ trước!

-  Gã ta. Mà không. Chính xác là tao.

-  Được rồi. Để bổn cô nương tao ra tay. Mà lạnh quá mày ơi.

- Bày đặt lạnh. Cái miệng mày lạnh thì đúng hơn. Chị gì ơi. Cho em hai ly trà nóng.

- Nhỏ cặm cụi chén sạch ly trà của mình. Cô nhóc chẳng còn tâm trí nào mà ăn. Cô chống cằm chăm chú nhìn bạn.

- Sao không ăn mày? Tao chén luôn phần mày nha!

Nhóc khẽ gật đầu. Ăn xong, uống nước xong, nhỏ trịnh trọng tuyên bố, còn cô nhóc thì mở to mắt, nín thở mà nghe:

- Mày đã thích gã. Và gã cũng thích mày.

- Có thế thôi à?

- Cái gì cũng phải từ từ mày. Nóng dữ zậy. Để tao phân tích cho coi. Gã hay đến chỗ may ngồi có nghĩa là gã muốn mày ngả đầu vào vai gã. Chứ không muốn, gã đã cao chạy xa bay. Vả lại xe buýt rộng thênh thang, thiếu gì chỗ để chọn.

- Um…Cũng đúng

- Với lại…Mày hay nhớ về chàng trong trong mơ nghĩa là hình bóng chàng đã in sâu vào tâm trí mày, khiến mày không thể dứt ra được. Mà thông thường khi nhớ về ai, người ta chỉ mơ về một ánh nhìn, một cái nắm tay. Còn mày thì cảm một cái hôn. Khủng khiếp. Nghĩa là mày rất có ấn tượng với chàng.

Kết luận của chuyên gia là: “Mày thích gã, gã thích mày. Hay đúng hơn: hai đứa mày thích nhau. Chấm hết. Thôi…Bye mày. Tao có giờ piano. Chúc vui với chàng…”.

Nói xong, nhỏ quay đi vội vã, bỏ cô nhóc lại với chiếc bàn lạnh giá. Cô nhóc cứ như là người mất hồn nhìn về một nơi nào đó xa xăm. Không biết cô nhóc đang nghĩ gì, có thể về gã, cũng có thể về những gì nhỏ bạn đã nói.

Buồn ngủ. Buồn ngủ không thể chịu nổi nhưng cô nhóc chẳng dám gục đầu về phía trái, nơi Nhím đang ngồi. Ngay khi hai mí mắt đã sụp xuống hoàn toàn thì cô nhóc vẫn không quên nghiêng người sang bên phải. Rồi một cú rẽ phải bất ngờ. Cô nhóc chúi về bên phải, suýt ngã nhào. May mà Nhím nhanh tay chụp lấy vai cô nhóc. Tiếng gã réo lên hoảng hốt: “Này, cẩn thận”.

Cô nhóc ngóc đầu dậy, quên béng đi chuyện buồn ngủ. Bốn mắt nhìn nhau không chớp. Lúng túng quá. Cô nhóc quay người về phía cửa sổ. Mưa rơi lất phất.

Nhiều câu hỏi tự nhiên cứ hiện lên trong đầu cô nhóc. Mỗi câu đều là một bí ẩn mà  cô nhóc không thể tìm ra câu giải đáp: “Sao mỗi ngày mình lại gặp gã ta nhỉ?”, “Sao gã lại đến ngồi ghế mình? Còn bao nhiêu ghế để chọn mà?”. “Mày thích gã, gã thích mày. Hay đúng hơn: hai đứa mày thích nhau” – câu khẳng định của nhỏ bạn tự dưng cứ vọng đi vọng lại trong đầu cô nhóc.

Hôm nay, bầu trời vẫn u ám như những ngày trước. Cô nhóc đến sớm hơn mọi hôm và ngồi vào chiếc ghế quen thuộc. Nhìn những giọt mưa li ti còn đọng lại trên cửa sổ sau cơn mưa bụi, cô nhóc có một quyết định quan trọng là sẽ không ngủ gật để chờ Nhím đến. Một chút hồi hộp xen lẫn âu lo.  Cái bóng quen thuộc ngày nào đã lọt vào tầm mắt của cô nhóc. Nhím đã đến. Dáng người cao ráo trong chiếc áo ấm màu rêu cùng đôi giày màu xanh nhạt. Không khí như ngưng đọng quanh người cô nhóc. Trời lạnh cóng mà sao người cô nhóc bỗng nóng rực. Tim đập mỗi lúc một nhanh hơn. Cô nhóc vân vê những đầu ngón tay, căng thẳng.

Cô nhóc đưa tay mở cửa sổ và hơi bất ngờ khi gió từ bên ngoài ùa vào rất mạnh, làm mái tóc cô nhóc cứ thốc bay tứ tung lên cả mặt Nhím. Lúc này chỉ là sự va chạm giữa những sợi tóc, giữa hai chiếc áo mà có cảm giác thật lạ. Và cái cảm giác ấy cũng dứt hẳn khi khép cửa lại. Cảm giác nóng hừng hực lại đến với cô nhóc. Cô nhóc chỉ dám nhìn thẳng, để tia nhìn của mình không cắt tia nhìn của Nhím. Nhím cũng vậy, ngồi im bất động. Cô nhóc từ từ khép đôi mi mỏng của mình lại. Hơi thở nhẹ dần rồi đầu ngả lên vai Nhím. Nhím cười thật nhẹ, như nhạo cô nhóc thật trẻ con. Nhưng Nhím đã nhầm, vì lần này không phải cô nhóc buồn ngủ. Cô nhóc đang đóng kịch. Cô nhóc diễn thật xuất sắc, khiến ai nhìn thấy cũng tưởng là thật. Bây giờ cô nhóc mới cảm nhận được rõ cảm giác khi tựa vào vai một người khác giới. Thật êm ái và dễ chịu, thật ấm áp và lâng lâng. Và thật khó tả. Cô nhóc nhắm mắt tận hưởng nó. Rồi cô tưởng tượng đến Nhím sẽ làm gì trong lúc mình đang ngủ. Một cái vuốt tóc, một cái xoa tay? Nhưng không, cô nhóc chẳng cảm giác được gì. Nhím ngồi bất động và đang ngắm cô nhóc một cách say say sưa. Trong suy nghĩ của Nhím, cô nhóc thật giống con mèo nằm trú đông bên bếp lửa với cặp mắt lim dim và đôi môi đỏ mọng. Đường sóng mũi cong một cách mềm mại và khuôn mặt như đang mỉm cười…Nhím nhếch miệng cười.

Trời lạnh buốt. Mưa bụi. Cây bằng lăng trước nhà trông xơ xác đến tội. Những chiếc lá xếp co ro lại như muốn lìa cành để chấm dứt cơn lạnh. Những cây bàng dọc đường, nơi chiếc xe buýt đỗ càng đáng thương hơn. Cô nhóc ung dung tay bỏ vào túi áo, đi giữa trời mưa bụi để ngóng phố đông. Bụi mưa bám vào tóc cô nhóc thật nhiều. Xe buýt kia rồi. Cô nhóc vội vã chạy lên xe với mong muốn sẽ gặp được Nhím càng sớm càng tốt. Cô nhóc bước lên từng bậc một cách  nhanh nhẹn. Một bậc, hai bậc. Bỗng một thanh niên từ đâu chạy xộc xuống, va vào vai cô nhóc một cái rõ mạnh và đau. Do mất thế vịn, cô nhóc ngã chới với về phía sau. “Oái” – một tiếng thét vang lên thất thanh. Cú ngã này làm cô nhóc  gãy cả tay chứ chẳng chơi. Nhưng sự việc không diễn ra như thế. Vận may lại đến với cô nhóc. Vị cứu tinh nào đã đứng phía sau đỡ lấy người cô nhóc. Cô nhóc ngước lên, đập vào mắt là mái tóc xù thân quen không thể lẫn vào đâu được. Không ai khác chính là Nhím. Nhím đang ôm lấy cô nhóc, mắt hai người đang nhìn nhau không chớp.

Cô nhóc vịn vào Nhím và vội vàng đứng dậy, không giấu được vẻ lúng túng trên khuôn mặt của mình. Không một âm thanh, không một cử động. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, Nhím mở lời:

- Cô nhóc hay ngủ gật bên tôi đây à?

- Ơ…ơ – Mặt cô nhóc bỗng đỏ lên một cách nhanh chóng.

Một thoáng bối rối. Cô nhóc đôi co lại:

- Thế sao bạn lại hay ngồi vào dãy ghế đó? Đâu thiếu gì chỗ để ngồi.

Giơ tay lên gãi đầu, Nhím khẽ cười. Mái tóc đã xù nay càng xù hơn.

-  Lý do gì ấy à. Vì mình nghĩ rằng nếu chúng ta ngồi bên nhau thì sẽ ấm hơn thôi.

Bỗng có tiếng người hối thúc: “Lên hoặc xuống đi chứ. Sao lại đứng giữa lối đi thế này?”. Giờ cô nhóc và Nhím mới nhận ra vị trí của mình đang đứng. Cả hai vội vã lên xe và cùng ngồi vào chỗ quen thuộc. Cô nhóc khẽ ngả đầu vào vai Nhím. Ngủ ngon…

Nguyễn Huy Cường

Thương Nhớ Đồng Quê

Trưa nắng cháy, tôi gối đầu lên tay nằm vắt vẻo trên chiếc võng sau vườn. Nghe vang vang phía nhà bên có tiếng chị hàng xóm ru con, kề bụi rơm lũ gà cũng thi nhau cất tiếng gáy trưa thánh thót. Xa xa ngọn chướng đầu mùa làm lao xao chùm so đũa trắng muốt, còn lẫn đâu đó cái hương lúa thơm dịu dàng bỗng làm ta vương vấn cái vị đồng quê mà từ lâu đã bõ quên vào quá khứ.

Tôi xa thành phố, xa những tháng năm ngồi trên ghế giảng đường, nay về lại quê nhà nhưng chưa tìm được việc. Sống trong nhàn rỗi dần lâu kiến lòng thêm nặng trĩu. Có nhiều khi tôi ước mình được quay lại thành phố hoặc chí ít là đi làm xa để thoát cái cảnh buồn bả này. Nhưng cuộc sống là vậy, đôi lúc lại không theo ý muốn của mỗi người, bởi thế mà tôi vẫn gìn lòng để an nhiên đón nhận bao niềm vui giản dị quanh mình. Về với đồng quê, về với ký ức ngày thơ ấu, sáng ra đồng, chiều thì giăng câu bắt cá. Quê nhà luôn bình dị hiền hòa, luôn dang rộng vòng tay đón chào những người con xa xứ.

Nhớ ngày xưa, cái thời tôi còn gắn bó với ruộng đồng bát ngát. Ngày ngày đi học trên con đường băng giữa đồng sâu, tôi được hít căng lồng ngực mùi lúa non thơm ngát, được nghe tiếng chim hót ríu rang trong cơn nắng chan hòa. Và rồi bóng dáng đồng quê kia xuất hiện trên trang vở lấm lem màu mực, ngây thơ và trong sáng trong bài tập làm văn mà tôi đã viết lúc còn đi học. Gắn bó cùng nhau suốt cả tuổi thơ nên hình ảnh đồng lúa vàng bông gợn sóng buổi chiều tà, thấp thoáng hàng dừa đung đưa quạt mát khung trời xanh biếc và cả nụ cười hân hoan của những người thợ gặt nơi này đã theo tôi đi qua ngày thơ ấu tràn ngập niềm vui.

Hồi đó tôi còn chút tẹo nhưng đã sớm theo ba má ra đồng, mùa cấy lúa ba má phải loay hoay miết ở ruộng. Đường bờ trơn trợt sau mấy trận mưa ròng thường đón bước chân ba tôi gáng từng thúng mạ xanh rờn sớm trưa vất vả, má thì khom lưng, lúi cúi cấy những nắm mạ xanh xuống ruộng mặc cho mưa dầm hay nắng cháy. Riêng tôi, một thằng nhóc đen trụi tay chưa biết cầm mạ sao cho gọn, chỉ biết xách cái xô đi bắt ốc, khi thì hì hụt sìn lầy cạnh hang cua đồng, mặt bao giờ cũng lấm lem bùn đất ấy vậy vẫn thường lon ton theo chân má sớm hôm.

Quê nhà đã cho tôi sống trọn thời ấu thơ như những đứa con nít miệt vườn qua bao thế hệ. Dòng sông quê hiền hòa chính là nơi tôi cùng bè bạn tắm mát trưa hè. Mưa về, cây cối thêm xanh, ruộng mương toàn nước và nước. Thế là lon tép đất, cần câu tre đũ cho cả hôm đi câu cá ở đồng sâu. Vào mùa hạn đồng khô cỏ cháy, bọn trẻ chúng tôi hay ra ruộng hái mớ rau đắng non mươn mướt mang về cho nội, ở quê ai cũng thích ăn rau đồng, buổi cơm chiều mà có canh rau đắng nấu với cá rô mề là như ngon hết sẩy. Rồi mấy hôm rảnh rổi, bọn trẻ xúm xít vót tre, cắt giấy làm diều, tuy có hơi cực nhưng khuôn mặt đứa nào mà chẳng rạng rở vui tươi. Ánh chiều buông chầm chậm, ngoài đê xa, đàn trâu đã no cỏ, thoang thoảng mùi khói đốt đồng ngút lên làm cay nồng sống mũi. Ngàn lau trắng xóa ngoài kia đang bay cùng những cánh diều no gió, ước mơ tuổi thơ ngày nào cũng theo diều bay đến miền cổ tích xa xôi.

Đến giờ không hiểu sao lòng tôi cứ bồi hồi mỗi khi mùa gặt tới, chỉ nhớ trước đây vào mùa này là tôi được nghe xôn xao câu hát vui tươi của đoàn thợ gặt quê mình, lắm khi cô Bảy cô Ba gì đó cất câu vọng cổ mùi mẫn tựa cô đào cải lương, nghe mà chợt muốn nghe hoài. Tôi nhắm nghiền mắt, nằm trên đống rạ tươi, nghe tiếng máy suốt hòa lẫn tiếng cười nói rộn ràng của mấy anh thợ suốt, những sợi rơm rơi vương vãi trên mặt, trên tóc mặc cho bị sót ngứa, tụi con nít chúng tôi cứ thoải mái chơi đùa. Vang vọng phía xa xa là tiếng chim cúm núm gọi bầy nghe tha thiết biết bao. Tôi hãy còn nhớ có mấy lần đi đào hang chuột đồng, đứa thì đào, đứa ngồi canh trước hang, bọn chuột cứ thế mà chạy ra khỏi hang hỗn loạn, bắt được dù chẳng nhiều chứ niềm vui chẳng bao giờ là thiếu. Có lúa về làng, bà con ai cũng tươi cười hớn hở, hạt lúa vàng tươi, sáng chắc là kết tinh của bao ngày dãi nắng dầm mưa. Bán lúa xong là Tết đến tụi nhỏ sẽ được ba má mua cho bộ quần áo mới. Có lẽ vậy mà những mùa gặt xưa từ lâu là kỷ niệm đã in hằn trong tiềm thức của tôi. Đồng quê ơi! Sao mà yêu đến thế?

Thời gian thấm thoát trôi mau, tôi đi học xa nhà, dần rồi xa luôn cái hương đồng quê tha thiết. Hôm trở về nhà cũng ngay mùa lúa chín tôi mới kịp lục tìm ký ức ngày xưa. Quê hương giờ đang đổi mới nên máy móc hiện đại đã dần thay thế phần nào sức lao động của người dân. Vậy mà mùa lúa hôm nay nào có kém vui hơn trước, mùa thu hoạch bây giờ còn đó những nỗi mừng vui. Vẫn nón lá, vẫn áo bà ba, vẫn câu hò xưa vọng lại, lúa vẫn luôn là nguồn sống của quê nhà. Đêm giữa trời đầy sao, phía trước là bóng tối mù sa, tôi gác tay lên trán suy hát vu vơ khi nằm trên chiếc máy kéo lúa, đằng xa là ánh đèn nhấp nhoáng của chiếc máy cắt lúa đang chầm chậm chạy trên đồng. Đềm chìm dần trong tiếng muỗi vo ve, tiếng dế râm rang giữa đồng bát ngát, tôi lại ngẫm nghĩ về tương lai phía trước. Mùi gạ mới phảng phất đánh thức tuổi thơ, về lại đồng quê tôi được an ủi bớt phần nào khi đang lạc lối trước tương lai.

Bao năm rồi vẫn thế, đồng quê vẫn bình dị hiền hòa dù quê hương đã ngày thêm đổi mới. Riêng tôi, mặc cho chuyến tàu cuộc đời dù có đi khắp những bến bờ xa thì lòng vẫn vẹn nguyên hình ảnh quê nhà mến thương đã một thời theo tôi khôn lớn.

Hứa Phát Đại

Hà Nội Những Mùa Yêu Dấu

Tôi là cô học trò tỉnh lẻ mới tạm biệt mái trường cấp 3 lên Hà Nội trọ học được hơn 1 tháng. Hà Nội trong tiềm thức của tôi là những lần cùng cha mẹ lên nhà họ hàng chơi vào mỗi dịp nghỉ hè. Những que kem Tràng Tiền to đùng mát lạnh vôi tan chảy vì tôi cắn quá chậm. Những lần đi bộ mỏi chân quanh Hồ Gươm, cứ đi nửa đường lại kêu mệt đòi cha cõng trên lưng. Những lần lạc vào thiên đường muông thú trong vườn bách thú Thủ Lệ. Dù ngài hổ oai phong đã bị nhốt trong cũi nhưng tôi hồi đó vẫn sợ sệt níu lấy áo mẹ. Tôi nhớ mình đã từng chỉ trỏ vào chú công, tự hỏi tại sao chú lại có bộ áo sặc sỡ và duyên dáng đến vậy. Tôi cũng từng nghến cổ rất lâu xem gia đình khỉ nhào lộn trên những cành cây cao. Đấy là tất cả kỉ niệm tươi vui của tuổi thơ tôi về Hà Nội.

Lớn lên một chút, bắt đầu biết phân tích những tác phẩm Văn Học viết về Hà Nội. Tôi dành những từ ngữ dịu dàng nhất, những âm điệu thiết tha nhất để viết để viết nên một Hà Nội lãng mạn, trữ tình như bao trang biêt tôi đọc được của những nhà Văn viết về Hà Nội. Hà Nội – mảnh đất mà tôi gửi gắm 4 năm tương lai học tập sẽ tuy lạ mà quen – tôi luôn đinh ninh rằng mình chắc chắn thích nghi được với nhịp sống của Hà Nội một cách nhanh chóng. Hệt như tay bắt mặt mừng với một người bạn tâm đầu ý hợp từ trước đến giờ vẫn viết thư cho nhau mà chưa có nhiều dịp gặp mặt. Tôi sẽ mừng vui khi gặp gỡ Hà Nội và Hà Nội sẽ giang rộng vòng tay đón chào tôi thân ái.

Nhưng rồi tôi biết mình đã phỏng đoán sai. Ngay khi bắt đầu trọ ở Hà Nội chưa đầy 1 tuần, tôi chỉ có một ước mong duy nhất là thu dọn đồ đạc chất vào ba lô thật nhanh rồi ngồi lắc lư trên xe khách, ngủ một giấc chừng 2 tiếng. Mở mắt ra đã thấy bức tranh thủy mặc của quê mình với núi đồi xanh mát, đồng lúa vàng rực bội thu. Chim hót líu lo trong vườn đầy cây trái. Chim sẻ áo nâu tha thẩn bay xuống nhặt hạt cơm còn vương trên cái sân gạch đỏ ối màu gấc chín.

Hà Nội của hiện tại mà tôi thấy khác với Hà Nội trong trí tưởng tượng bấy lâu. Tôi đâu tìm thấy một Hà Nội cổ kính, xưa cũ như trong nhạc Trịnh với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đổ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...”. Hà Nội trước mắt tôi là những công trình đường sắt trên cao xây dang dở, đường sá bị thu hẹp phục vụ cho thi công, giờ tan ca dòng người chen chúc đến ngạt thở, còi xe inh ỏi thúc giục nhau vội vã. Những chiếc buýt 2 màu đỏ vàng chủ đạo chật kính người, trở thành nỗi lo cho sinh viên ngoại tỉnh mới đi buýt vì nếu không biêt đường sẽ dễ đi nhầm chiều ngược lại. Một Hà Nội cao vút với những cao tầng lấp loáng thanh âm và ánh sáng, những ô cửa kính phẳng lì sang trọng đầy khoảng cách. Hà Nội đắt đỏ với chiếc hăm – bơ – gơ bé nhỏ kẹp thịt gà có phủ lớp nước sốt vị phương Tây trong khi Lotte, KFC. Mức giá 40-50 nghìn một lần ăn đủ để tôi ăn cả một ngày với 3 bữa no căng bụng. Hà Nội giờ đây với tôi hệt như một nàng tiểu thư thành phố kiêu kì và nỏng nảy, đâu có thể lại gần trò chuyện, đâu có thể tâm sự sẻ chia.

Năm nhất đại học mở đầu bằng những buổi sớm còn chưa tỉnh ngủ, đi bộ đến sân sau kí túc xá để học thể dục. Những buổi chiều học Triết, Pháp luật đại cương – nhiều lí luận và khó hiểu. Những buổi tối về muộn bước ra uể oải từ trung tâm tiếng Anh. Phải chăng do mỗi ngày đều hít thở cái bầu không khí tập nập, vội vàng của Hà Nội vào sâu trong lồng ngực mà tốc độ sống của tôi cũng buộc phải nhanh lên? Để lấp đầy cái bụng đang than vãn rầu rĩ vì đói, tôi dần hình thành thói quen đi vào trong những ngõ ngách nhỏ của Hà Nội để tìm kiếm món ăn lót dạ. Và tôi yêu Hà Nội trở lại từ những điều giản đơn ấy.

Quê tôi vốn là một vùng sông nước lâu đời, người dân mặn mà như vị phù sa ngọt lành, chúng tôi lớn lên cùng bát canh chua nấu trai, đĩa tép rang vắt chanh và món cá kho nóng hổi ăn cùng cơm trắng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được gặp lại hình bóng thân thuộc của quê mình ngay giữa lòng Hà Nội xa lạ, với một dáng dấp khác, hương vị khác, mang đậm hồn cốt của một Hà Nội nồng nàn tôi đã từng gặp trong sách vở.

Quán cháo trai nằm trong một ngõ nhỏ trên con đường phố thị đông đúc xe cộ. Phương tiện vận chuyển của bác bán cháo là một xe hàng chứa nồi cháo trai duy nhất đặt trên chiếc bếp than âm ỉ lửa. Ngoài ra, xe hàng còn vác theo hơn chục bộ bàn ghế nhựa, ống đựng thìa, giấy ăn, hộp tăm... Cách thức bày biện không chiếm nhiều diện tích, thời gian bán hàng chỉ từ chiều muộn đến tối, phụ thuộc vào nồi chào hết nhanh hay chậm. Hồi còn ở quê, mẹ cũng thường nấu cháo trai cho tôi ăn. Nhưng rất ít khi mẹ cắt nhỏ con trai, chỉ cắt đôi để tôi chấm nước mắm tỏi ớt trước khi lấy thìa múc miếng cháo trắng bỏ vào miệng. Món cháo trai Hà Nội lại khác. Người ta cắt trai thành nhiều miếng nhỏ, rau thơm cũng thái vụn – nét thanh lịch của người Hà Nội ẩn giấu trong từng nếp ăn thông thường nhất. Một điểm đặc biệt của cháo trai Hà Nội là người ta ăn kèm quẩy cùng cháo. Những thanh quẩy giòn tan như nắng thu phủ vàng ươm lên bề mặt bát cháo, ăn thấy bùi bùi đến lạ.

Buổi tối mùa Thu se lạnh, ngồi trong một hẻm nhỏ ăn cháo trai có rắc bột ớt và hạt tiêu cay cay khoang miệng, lắng nghe tiếng rao bánh khúc từ chiếc xe đạp đã mòn lốp nào đó của người bán dạo chen giữa còi xe huyên náo, nhìn phố xá dần lên đèn gọi vạt nắng cuối cùng rảo bước về nhà, tôi tận hưởng cảm giác bình yên hiếm có. Đưa mắt ngó quanh, tôi cứ ngỡ tấm biển đề chữ “Cháo trai” kia còn sót lại từ thời bao cấp tôi xem trên phim “Ngõ lỗ thủng”. Kiểu chữ chân phương đơn giản viết trên tấm nhôm sơn màu xanh dương như vẽ lại một Hà Nội chưa từng biết thế nào là náo nhiệt của những thập nhiên 60-70 thế kỉ XX. Nếu có chiếc máy ảnh ở đây, tôi sẽ chọn ngay một góc đẹp nhất để ghi lại khoảnh khắc ngưng đọng này. Tôi sẽ chụp tấm biển cũ với dòng chữ cháo trai, chụp những chiếc ghế nhựa đặt sát nhau quây quanh chiếc bàn, chụp bánh xe nghiêng nghiêng của chiếc xe đẩy hàng nhiều đồ đạc. Và chụp linh hồn Hà Nội còn sống trường tồn cùng sự đi lên của một thủ đô đổi mới. Hà Nội dù có hiện đại đến mấy thì hương truyền thống không vì thế mà phai màu thiêng liêng, cổ kính.

Hà Nội giống như một con người xứng đáng được thương yêu. Sau những phút ban đầu đầy lạ lẫm, e ngại và bỡ ngỡ, Hà Nội ân cần, đầm ấm, dịu dàng biết bao. Mở lòng yêu Hà Nội là bạn đang cho mình cơ hội được an nhiên. Tự mình tìm thấy niềm an nhiên trong thành phố tưởng chừng toàn những con người ăn vội, đi vội, ngủ vội mới thật kì công, đòi hỏi bạn phải có một tâm thế sống vững vàng, trước mọi tình thế đầy áp lực mệt nhoài. Vào những ngày Thu Hà Nội đẹp xinh này, tôi sẽ cùng bè bạn tìm lại hương thơm bình yên bằng một hành trình khám phá Hà Nội. Và chợt nhận ra... Bình yên đậu trên mái ngói của khu phố cổ ngủ quên cạnh Hồ Gươm lặng lẽ. Bình yên sóng sánh trong cốc trà xanh ấm nóng. Bình yên mỉm cười qua câu hỏi han đầy quan tâm của bác bán cháo mới quen: “Cháu ăn đã no chưa? Tối về học muộn nhớ mang thêm áo sơ mi khoác ngoài, sương thu lạnh lắm”. Tất cả những rung động ấy, tôi gom lại viết thành những câu Thơ gửi tặng một người thương mang tên Hà Nội:

“Có một mùa em mải miết chở Thơ

đi qua gió se của trời Thu tháng Chín

thướt tha áo bay mơ màng sen ủ cốm

Hà Nội âm thầm gói nắng thả hoa rơi...”.

Đỗ Diễm Hằng Minh

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo