Đại ngàn thương nhớ

(VOH) -  Rời Sài Gòn ít hôm, tôi theo chân một người bạn về thăm quê nhà ở Đăk Nông. Được hít thở không khí mát lạnh, đắm mình trong vẻ bình yên, hoang sơ của núi rừng, bao bộn bề, lo toan từ cuộc sống dường như tan biến. Cùng với đó, hình ảnh con đường đất đỏ mấp mô, các đồi cà phê mướt xanh và hình bóng những người dân tộc thiểu số làm tôi chợt nhớ đến mùa hè hơn ba trăm về trước, khoảng thời gian tôi đã sống và sinh hoạt tại một xã vùng sâu nơi vùng cao lộng gió này. ( VHTX 13/11/2016)

Đại ngàn thương nhớ

Rời Sài Gòn ít hôm, tôi theo chân một người bạn về thăm quê nhà ở Đăk Nông. Được hít thở không khí mát lạnh, đắm mình trong vẻ bình yên, hoang sơ của núi rừng, bao bộn bề, lo toan từ cuộc sống dường như tan biến. Cùng với đó, hình ảnh con đường đất đỏ mấp mô, các đồi cà phê mướt xanh và hình bóng những người dân tộc thiểu số làm tôi chợt nhớ đến mùa hè hơn ba trăm về trước, khoảng thời gian tôi đã sống và sinh hoạt tại một xã vùng sâu nơi vùng cao lộng gió này. 

Dạo ấy, tôi là sinh viên năm III ở trường Sư phạm. Niên học kết thúc, tôi đăng ký tham gia tình nguyện Mùa hè xanh. Xách ba lô lên và đi, tôi đặt chân đến thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đăk G’Long vào một sớm mờ sương tháng 7. Hằng ngày, tôi phụ trách dạy học cho các em quanh vùng với đủ mọi cấp bậc, lứa tuổi. Còn nhớ, lớp đông không đủ chỗ ngồi, nhiều em cứ thế ngồi bệt trên sàn, để tập lên đùi mà viết. Bảng đen thì sờn cũ nên tôi phải tì mạnh viên phấn để học trò nhìn rõ. Khó khăn chưa dừng lại, những hôm mưa rừng trắng trời, gió rít gầm gào, các em “bặm môi” băng qua những cung đường trơn trượt, quanh co mà tới lớp. Bao đôi chân bé nhỏ vẫn hăm hở đi tìm tri thức mặc vất vả, gian nan. Tận mắt chứng kiến những đôi dép bê bết đất đỏ, áo quần vương vãi sình lầy, tôi quặn lòng nhận ra mình may mắn và hạnh phúc vô song.

Thanh xuân của chúng tôi đẹp biết mấy. Ảnh minh họa: VTC

Trong các lớp do tôi phụ trách, có không ít những trẻ dân tộc với nét đặc trưng về đôi mắt, mái tóc, làn da. Từ sâu thẳm, tôi dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt trước các cô cậu này. Vẻ rụt rè, nhút nhát, đơn sơ nơi các em khiến tôi trào dâng sự mến yêu, muốn bao bọc và chở che. Ngày qua ngày, đồng hành, tiếp xúc, vui đùa cùng bọn trẻ, tôi được dịp trải nghiệm và tích lũy những bài học vô giá về sự cho đi, cảm thông, biết ơn... Núi đồi, mây gió cao nguyên cùng tấm chân tình nơi người dân bản địa gieo vào lòng tôi những hồi ức, kỉ niệm khó quên. Mảnh đất heo hút, thâm trầm giúp tôi biết trân quý hơn những gì mình có được. Hai tháng làm con dân của đại ngàn nghèo khó, tôi đã hiểu về sự thiệt thòi, khổ cực trong từng mảnh đời, số phận. Thế nên, mang tới niềm vui, tiếng cười được bao nhiêu, tôi thầm cố gắng tới đó.

Nhưng, buổi gặp gỡ nào cũng đến lúc nói lời tạm biệt. 60 ngày vụt trôi nhanh. Ngày lên xe trở lại Sài Gòn, tôi và các em bịn rịn, quyến luyến nhau trong xúc động rưng rưng. Tôi dặn dò, nhắn nhủ lũ trẻ đủ điều rồi xoa đầu, ôm chặt. Tiếng nấc nghẹn ngào đâu đó vang lên: “Cô ơi, đừng đi, ở đây với tụi con đi!” càng thêm bóp nghẹt cõi lòng. Những lá thư tay, bức tranh, trái cây rừng do các em gởi tặng chiếm trọn một ngăn ba lô. Mới hôm nào hãy còn bỡ ngỡ, lạ lẫm khi đặt chân tới mà nay đã phải ra đi. Nước mắt lưng tròng, tôi vẫy tay chào Quảng Khê, chào lớp học thân yêu và nhủ thầm: “Sẽ có ngày mình về lại nơi đây mà, phải không?”.

Sau này, mỗi lần đi công tác các tỉnh Tây Nguyên, tôi đều nhớ tới ngày tháng ý nghĩa đó. Bắt gặp những ngôi nhà sàn, rẫy mì hay đứa trẻ thẹn thùng trên đường, kỉ niệm xưa cũ cứ lặng lẽ hiện về. Vì mãi mãi, đất và người nơi ấy là một phần của cuộc đời tôi.

Nguyễn Hoàng Giáng Hương

Về miền Trung mùa lũ

Tôi đứng trước dòng sông, cố cắn răng thật chặt nhưng vẫn không kìm nổi những giọt nước mắt. Con sông này đây ư? Con sông mà tôi đã từng tắm cả thời tuổi thơ của mình sao giờ bỗng như xa lạ. Mọi hình dung về những ngày xa xưa của tôi gần như tan biến. Không còn bãi cát mịn chạy dài dọc bờ sông; Không còn những hàng bần sai trĩu quả; Không còn những bụi cuốc chằng chịt gai là nơi trú ẩn tuyệt vời của bọn cáy… Tất cả, hình như chỉ còn trong hoài niệm của tôi.

Tôi gãi như điên vẫn không bớt ngứa. Tôi khóc toáng lên cũng không bớt ngứa. Không có cách nào để bớt ngứa. Hẳn lúc đó nhìn tôi thê thảm lắm nên chẳng ai nỡ cười. Tôi bị sứa ăn. Đó là cách mà người dân quê tôi gọi về việc bị va trúng độc sứa nước mặn. Lỗi tại những đứa trẻ bọn tôi không bao giờ biết nghe lời ba mẹ. Trưa hè nắng như rang, đám chúng tôi trốn ngủ rủ nhau tắm sông. Mùa này, sứa dày đặc cả bến sông. Bỏ ngoài tai lời người lớn, sứa nước mặn cực kì độc, đừng để va vào nó, tôi lãnh đủ.

Tôi không còn nhớ sau đó làm thế nào để hết ngứa. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, chẳng đứa trẻ nào trong chúng tôi sợ sẽ lại bị va vào sứa. Chúng tôi vẫn leo bần, chui đống rơm, tắm sông cả đêm lẫn ngày. Thú vui ngày đó là chơi năm mười chán, chúng tôi chạy ào ra sông. Trăng chiếu trên những ngọn bần lung linh huyền ảo. Đám con trai tinh nghịch, leo lên những cành xa nhất rồi nhảy ùm xuống. Suốt nhưng đêm mùa hè oi ả, chúng tôi cười vang cả bến sông.

Con sông cũng như cánh đồng, gắn liền với cả tuổi thơ của tôi và lũ bạn. Vì vậy dù có xa quê cả chục năm, tôi vẫn nhớ mùi ngai ngái, mặn mòi của nước sông những trưa hè. Tôi vẫn nhớ vị bần chát chát, bùi bùi thơm lừng mỗi sớm. Tôi vẫn nhớ những buổi chặt cây cuốc, đào hố, lùa cáy vào thùng… Vậy mà lúc này đây, trước mắt tôi, là khung cảnh tan hoang, xơ xác.

Căn nhà đầu tiên đoàn chúng tôi ghé thăm nằm cách bờ sông khoảng 10 mét. Người phụ nữ chỉ mới ngoài hai mươi, khuôn mặt khắc khổ vừa nói vừa lau nước mắt. Nhà em chẳng còn gì. Lụt trôi hết rồi anh chị ạ. Đúng là căn nhà chẳng còn gì, chỉ còn lại ba bức tường trống, vì một bức vách cũng bị nước lụt đánh tan. Nhìn vệt nước khô để dấu lại trên tường, bạn tôi rùng mình bảo may mà người thoát kịp, vì nước lên chạm mái.

Cây cầu khỉ đưa chúng tôi qua một con rạch nhỏ. Bên ấy có một mái nhà. Mà không, hình như nó chỉ hơn cái chòi chăn vịt một chút thôi. Nhà được dựng bằng những cây cột cũ của người ta để lại. Mái lợp bằng tranh trên rẫy. Ngăn giữa hai gian là tấm bạt xỉn màu. Căn nhà chẳng có gì ngoài lớp nền đất nhão nhoét sau lũ. Chiếc ti vi Sony cũ nằm lặng thinh ngoài liếp cửa. Nó không còn có thể phát ra tiếng nữa. Mọi âm thành dường như câm bặt sau năm ngày dầm mình trong nước lũ. Gia tài còn lại của hai vợ chồng chỉ là chiếc nồi đất nứt, chiếc ấm sứt quai đang hứng nước ngoài vòi. Đứa cháu của người chồng bảo, sau bao nhiêu năm chờ đợi để được “ra riêng”, cuối cùng chú thím cũng được toại nguyện. Và “cơ ngơi” của chú thím sau lũ là thế này đây. Tôi bấm bụng để giấu đi nỗi xót xa. Khuôn mặt người vợ trẻ, cưới chồng bảy năm chưa có được mụn con hằn lên bao vết chân chim. Chị vẫn cười, nụ cười héo hắt khi khách đến nhà. Cả hai người không một lời than vãn hay kể lể. Chị cười dắt chúng tôi ra sau nhà thăm cái “chòi tránh lũ” do anh tự dựng lên. Những thân tre, thân gỗ nương tựa vào cây Mít để thành chòi. Chị bảo mùa lũ hai vợ chồng tá túc trên đó cùng bầy vịt. Nhưng lụt tan rồi, hai vợ chồng nuốt nước mắt nhìn nhau. Vịt đã trôi sạch. Tôi thầm nghĩ, dù sao như vậy cũng là may mắn. Chứ nhìn cảnh căn lều nhỏ chơ vơ thế này, chỉ cần một cơn nước lớn thôi cũng có thể cuốn phăng tất cả. Vậy nên, còn giữ được mạng là mừng.

Người dân miền Trung lao dao vì lũ.  

Với những người chưa một lần sống trong cảnh chạy lụt, hẳn không thể nào hiểu hết, làm sao người ta có thể thoát khỏi cơn giận dữ của thuỷ thần. Riêng tôi, vẫn nhớ không quên trận lụt năm ấy, năm 1993, trận lụt suýt nữa đã mang bố mẹ tôi đi mãi. Lần đó, khi nước lên cao, bố giục hai anh em tôi lội sang nhà người hàng xóm. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận hết sự dữ dội của thuỷ thần. Đêm ấy, nước lên nhanh, mưa gió điên cuồng nã xuống. Trên tra nhà chú hàng xóm, chúng tôi thay nhau nhìn mưa qua cái lỗ nhỏ thông ra bên ngoài. Thi thoảng chú gọi hỏi thăm bố mẹ tôi thế nào. Tiếng chú, tiếng bố lẫn trong tiếng mưa. Rồi nửa đêm, rắc một cái, lũ cuốn phăng căn nhà trong mưa. Tiếng bố thất thanh rơi tõm trong dòng nước chảy xiết, đục ngàu: “nuôi con tao với S. ơi”. Hai anh em chúng tôi ôm nhau khóc đến cạn khô nước mắt. Chúng tôi hết khóc lại nhìn ra ngoài trời tối đen như mực. Mưa vẫn ầm ầm như thác đổ. Nửa tiếng sau, tiếng chú hàng xóm như tắc nghẹn: “nhà thằng B. trôi nữa rồi”. Cả không gian dường như câm bặt sau câu nói của chú. Ba căn nhà liền kề nhau, chỉ còn lại mỗi căn nhà chú đứng chơ vơ, cô độc. Thuỷ thần cuồng nộ đã đẩy phăng hai ngôi nhà không chút đắn đo. Chú gục đầu vào tường, nói như khóc: “nhà thằng B. còn có hai đứa nhỏ nữa, tụi nó vẫn ở nhà, chưa kịp đi tránh lụt”. Đêm đó, tất cả chúng tôi chong mắt chờ sáng. Một đêm dài như thế kỉ là đây. Đêm thế kỉ ấy chưa bao giờ tôi quên được, dù đã hơn hai mươi năm qua đi. Đến chiều hôm sau, người ta đưa được bố mẹ tôi và gia đình anh hàng xóm trở về. May mắn cho những con người bị lũ cuốn là nhờ có ngọn lèn nằm giữa làng. Những làng khác hay chọc ghẹo làng tôi là “đá mọc giữa bụng”. Ngọn lèn đó nằm sững sững giừa làng một cách vô duyên vô cớ. Vậy nên người ta hay lấy nó ra đùa. Nhưng không ngờ rằng, nó chính là vị cứu tinh của biết bao nhiêu gia đình trong mùa lụt.

Hơn hai mươi năm rồi, khi tôi trở lại nơi này, mọi thứ đã có quá nhiều thay đổi. Tôi còn nhớ mình cũng đã bật khóc giữa trời trưa tháng sáu, đứng giữa truông nắng chang chang, nghe những tiếng nổ inh tai, nhức óc, nhìn đất đá chồng chất lên nhau. Người ta khai thác đá trên lèn để làm công trình. Người ta bất chấp đó là những ngọn lèn tránh lũ, tránh gió. Chỉ cần có chút lợi ích trước mắt, người ta bất chấp tất cả. Và lúc này, khi chúng tôi đứng ở làng chài, ngay dưới chân lèn, nỗi xót xa ứ nghẹn. Cả ngôi làng cứ như vừa bị thả bom chưa kịp thức tỉnh. Tan hoang. Xơ xác. Điêu tàn. Gần như không có ngôi nhà nào nguyên vẹn. Căn thì tốc mái. Căn thì đổ tường. Căn thì chỉ còn lại cái xác xiêu vẹo. Những đứa trẻ làng chài chân không dép, quần áo cáu bẩn, tóc vàng hoe nối đuôi nhau chạy theo những đoàn thiện nguyện. Đôi mắt chúng còn ngây thơ lắm, mà sao như chứa đựng biết bao ẩn ức. Chúng đen nhẻm, gầy gò. Chúng thèm khát từng miếng bánh, cái kẹo. Những người già ở làng chài lầm lũi trong những căn nhà nát sau lũ. Đa số người dân nơi đây đều bị bệnh phong thấp vì ngâm nước bạc khá nhiều. Đoàn chúng tôi chia ra ba nhóm: một nhóm sang làng bên, một nhóm phát quà, phát hàng cứu trợ cho tụi nhỏ, nhóm còn lại lặng lẽ đến từng ngôi nhà trong xóm. Tôi đại diện nhóm ba. Mỗi căn nhà tôi đến để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Mỗi căn nhà trống đều chứa đựng sự nặng nề, day dứt. Nhà của mệ Ngân, nhà của mệ Phong, nhà mệ Bường… càng đi tôi càng thấy mình bất lực.

Tôi đã lớn lên nơi mảnh đất miền Trung. Tôi đã ăn cơm mo cau với cà muối mặn; Tôi uống nước khe, ăn chzam khé (cua ở suối; Tôi lội nước đi vơ củi lụt; Tôi chăn bò trên những cánh đồng đầy Mốc, Sim… Tất cả những điều đó với tôi đẹp như một bức tranh tôi đã vẽ suốt tuổi thơ mình. Vậy mà hôm nay khi tôi trở về đây, miền Trung khiến tôi đau thắt. Tiếng gọi “miền Trung ơi” cứ như ứ nghẹn nơi cổ họng.

Thương miền Trung đến xót lòng!

Phương Huyền

Bến Mưa 

Ông già tỉnh dậy, quờ tay. Câu đầu tiên ông hỏi:

-              Con Hưởng đâu rồi?

Tư Thơm, Mười Thung ngồi kế bên gần như đồng thanh:

-              Nó đây nè!

Hưởng ngồi ngay đầu giường. Nó đã ngồi như thế từ lúc ông già được đưa vào chòi đêm qua. Mười Thung nói nó hết chạy tới chạy lui lo lắng thì ngồi đó, ngủ gục luôn bên cạnh lúc ông già nằm thêm thiếp. Gió thốc vào căn chòi tạm bợ bằng vách lá chằng nylông. Mười Thung lôi đâu ra được tấm chăn cũ đắp cho Hưởng, kêu nó đi nằm nó không nghe, cứ ngồi đó nhìn ông già, mắt ngân ngấn nước.

Hưởng về ở với ông già được gần một năm rồi. Bữa ông lên chợ thấy nó nằm co ro ốm đói, bước tới xé cho nó mẩu bánh mì thì nó hoảng, lủi ống cống trốn. Ông gọi mãi nó mới chịu ló hai con mắt nhìn ra. Ông ngoắc ngoắc nó rồi chỉ vào mẩu bánh. Đoạn ông vờ bỏ đi rồi nép sau khúc quanh, thấy nó lấm la lấm lét đến gần chỗ mẩu bánh. Nó ăn rất nhanh rồi lại nhìn quanh nhìn quất, ông xuất hiện lại nhìn nó cười, ngoắc ngoắc, xé thêm mẩu bánh mì…Ông già và nó cứ chơi trò trốn tìm đuổi bắt mấy lần như thế. Những ngày sau lên chợ ông đều ghé ngang chỗ nó, rồi cũng rờ được tay chân nó. Cái thân hình lỏng khỏng của nó từ đó không trốn nữa mà nhát thấy bóng ông là nó mừng ra mặt. Một bữa ông ôm hẳn nó về đò, ở với ông, đặt tên cho là Hưởng. Ông muốn đời nó là “số hưởng”, không như đời ông. Từ đó nó đi về cùng ông qua những khúc sông. Có nó những chuyến đò ngang cũng vui hơn hẳn, chuyện giữa ông già và khách hay có tên nó. Có nó thấy rõ nét cười trong đôi mắt ông già suốt những ngày bất kể là nắng hay là mưa bên bến Trà Nưa.

Những buổi chiều rảnh, ông già hay lôi nó ra sông tắm. Có khi ông và nó bơi đua, bơi qua bơi lại không nghe tiếng nó, chỉ nghe tiếng ông: “Mày hả Hưởng! Thua rồi nghe con!”, “Hưởng, đợi tau!”. Bọn trẻ con bên cồn Ca Dao thích Hưởng lắm. Chiều nào ông về bến Cồn đúng lúc cả bọn rủ nhau tắm sông là chúng rủ Hưởng xuống bơi. Tiếng cười vang núi vang chiều. Mặt Hưởng hí hửng phải biết, có lúc nó bơi một đường dài ra chỗ nước sâu khiến bọn con nít phát hoảng kêu la:

-              Hưởng, Hưởng, quay vào ngay!

Tiếng la làm ông già đang ngồi rê thuốc phải lật đật chống xuồng chèo ra, sợ nó đuối nước. Ai ngờ ông chèo gần tới nó lại bơi vào. Bơi một mạch trong tiếng reo hò tán thưởng của đám con nít tắm truồng. Từ đó chúng hay gọi Hưởng là “Hưởng Hero”. “Hero” có kiểu biểu lộ sung sướng không giống ai là nằm lăn lê cho bết dính đất cát hết cả. Để ông già lôi về vừa tắm vừa đét mông: “Chừa cái tội nghịch, nghe con!”.

Ảnh minh họa: Internet

Từ ngày về với ông, người ta quên hẳn xuất thân đầu đường xó chợ của Hưởng. Nó cũng không còn sợ sệt khi thấy người lạ, mắt nó lúc nào cũng long lanh hay háy, quấn quýt ông già không rời. Ông lên chợ nó cun cút đi theo, ông về cồn bẻ đậu bắp nó cũng luồng vào mấy giồng đậu bắp, hậu quả là về ngứa gãi sồn sột. Ông già thương nó như con, ông ăn gì nó ăn nấy. Mà nó không ăn được rau canh, chỉ ăn cơm với nước mắm cá khô. Có bữa ông hào phóng mang tiền lẻ lên hỏi mấy giẻ xương vụn về nấu cho nó ăn. Hồi trước người bên cồn đi đò ngang hay gửi ông lúc cái bánh khi túi nước đá chanh. Hồi này ông hay dặn nhà ăn còn dư gì bỏ đi cho ông xin về. Thế là Hưởng thường xuyên có những bữa “cơm có đạm”. Nó phổng phao khỏe mạnh. Người ta nói chắc ông trời thương nên mang nó đến cho ông, để mà bầu bạn để mà yêu thương. Chứ cũng đâu ai biết nó đến từ đâu. Còn ông già cô đơn hơn nửa đời người, hứng sương gió nắng mưa dãi dầu bao năm trên bến Trà Nưa. Nào ai biết ông đã đớn đau gì. Chỉ thấy mấy mươi năm nay ông trở thành lão chèo đò trên quãng sông hẹp đưa người từ cồn Ca Dao chỉ có mấy trăm nhân khẩu sang chợ và ngược lại. Đời lang bạt như những con sóng bạc đầu trắng xóa, lặng im như đá ngàn năm tạc vào vách núi. Người đã cũ như một phần xương thịt của miền sơn cước Trà Nưa.

…Nhưng bây giờ ông đang nằm đây. Thương tích đầy mình trong căn chòi vá chằng vá đụp bên cồn Ca Dao. Vì con Hưởng.

Hai hôm trước có người muốn bắt nó đi. Trời chạng vạng tối khi ông vừa định chèo về nghỉ thì có tiếng gọi. Hai thanh niên đội mũ lưỡi trai, ông già biết không phải người xứ này nhưng chưa kịp hỏi han gì, vừa bước xuống đò kẻ lạ đã bẻ quặt tay ông. Hưởng thấy thế lao tới, nhảy lên cắn phập vào tay kẻ lạ. Hắn kêu ối một tiếng rồi hét lớn:

-              Bắt nó!

Thằng còn lại hùng hổ tiến tới. Ông già hét lớn:

-              Hưởng, bỏ ra, chạy đi con!

Hưởng chần chừ, vẫn cắn mạnh vào tay kẻ lạ.

-              Chạy! Ông già dậm chân, ra lệnh thống thiết.

Hưởng nhảy ào xuống sông, gã người lao theo nhưng làm sao bơi kịp “Hero”. Hưởng bơi hết tốc lực ra chỗ nước sâu. Trên đò, ông già giằng được ra khỏi tay thằng người khi gã còn rên rỉ vì vết cắn, ông lao tới chỗ con dao phay thường dùng đi đốn củi trên rừng:

-              Cút!

Ông gầm lên. Tiếng gầm vọng vào vách núi, rền cả một góc Trà Nưa. Thằng bắt cóc phát hoảng nhảy ùm xuống nước. Ông lao xuống. Hai thằng cuống quýt bơi xoắn chạy trốn. Hưởng hối hả bơi vào. Ông già không đuổi theo, quay lại đón Hưởng, ôm nó vào lòng. Hai nhịp tim – tim ông già và tim nó đập dồn đuổi, run rẩy. Ông ôm nó trong lòng, thân người nó mềm nhũn vì nước lạnh và sợ hãi. Ông lao mình cho nó, lấy áo ông quấn quanh người nó rồi hối hả chèo về. Đêm đó ông ôm chặt nó mà ngủ, sợ vòng tay ông sảy ra là nó sẽ bị bắt đi. Hưởng rút đầu vào ngực ông, mắt nó nhìn ông như biết ơn. Gió vẫn hú căm căm ngoài vách núi.

Hôm sau ông không cho Hưởng lên đò. Thà để nó quanh quẩn bên cồn Ca Dao còn hơn lâm vào tình cảnh nguy hiểm như hôm qua. Ông cũng không ngờ hai thằng người đêm trước quay trở lại. Lần này chúng kéo theo quân số gấp đôi và nhảy xuống đò lúc ông không có sự chuẩn bị.

-              Nó đâu rồi?

Một thằng hất hàm hỏi. Ông chẳng thèm trả lời. Ba thằng còn lại nhìn hút mắt qua quãng sông, cồn Ca Dao đã lên đèn. Biết chẳng thể làm gì hơn, cả bốn lao tới đánh ông cho hả giận. Hai thằng bị ông vác dao phay rượt đêm qua đánh mạnh nhất. Chúng thụi, đấm, đạp, đá, dậm vào tay chân, vào đầu, vào người ông. Đánh cho bõ cái máu hung hăng vô nhân tính của bọn tuổi choai choai tóc vàng. Hết đánh ông chúng lấy dao phay chém phạt vào mái chèo, vào con đò. Cho đến lúc ông nằm quằn quại và trời bắt đầu đổ mưa thì chúng mới bỏ đi. Ông già cố lết về mái chèo, một tay ôm những vết thương rỉ máu tươi một tay chèo về. Quãng sông hẹp thường ngày ông chèo qua chèo về chỉ chừng vài câu hò bả trạo vậy mà bây giờ ông đã đi không biết là bao lâu. Khúc sông không vang nổi một câu hò. Dòng nước vẫn chảy xuôi như nghìn năm cuộc đời không lên tiếng. Con đò trôi về trong đêm mưa, ánh đèn leo lắt bên cồn Ca Dao trở thành một thứ ánh sáng cứu rỗi ông nương theo đó mà về. Ông không biết Hưởng đã ngồi ngoài bến đợi ông từ lúc nhát dao phay đầu tiên bổ xuống mái chèo. Nó nhìn hút mắt qua dòng nước lấp loáng ánh bạc, cho đến khi thấy con đò cứ trôi về lững lờ mà không thấy bóng ông. Con đò có lúc xô nghiêng trong mưa và lạc theo sóng nước. Nó bắt đầu sốt ruột, trông đứng trông ngồi và chạy loanh quanh ngoài bến. Cả thân người nó cũng ướt sũng nước mưa. Rồi trong lúc bản tin trên đài báo tin có bão về thì người làng Ca Dao nghe tiếng Hưởng. Tiếng nó bất thường hơn bao giờ hết. Nhà Tư Thơm, Mười Thung ở gần bến vội vã đội áo mưa soi đèn chạy ra xem. Hai ông già Ca Dao hối hả khiêng ông già chèo đò lên lán. Máu ướp nước mưa loang đỏ cả tấm áo sờn vai. Hỏi chuyện gì nhưng giữa tiếng mưa tiếng gió ngoài trời, chỉ nghe tiếng ông già thều thào:

-              Con Hưởng đâu rồi?

   Tư Thơm, Mười Thung ngồi kế bên gần như đồng thanh:

-              Nó đây nè!

…Con Hưởng ngồi ngay đầu giường. Nó đã ngồi như thế từ đêm qua.

Hưởng là tên của một con chó.

Tiểu Quyên

Sương Đông 

Sáng nay, gió bấc đã trườn mình trên những tàu dừa trước nhà. Gió nhẹ nhàng neo đậu những bước chân qua khoảng sân con lay khẽ những cây bông trang trắng. Thổi nhẹ qua khung cửa sổ nhỏ vào nhà trong. Gió gọi những cơn nắng sớm còn ngủ vùi trong tiết trời giao đông chưa thức vội. Vài hạt sương trắng cuộn thành những giọt nước nhỏ nằm lăn qua lăn lại trên những chiếc lá trong tinh mơ. Rồi rơi xuống đất lộp bộp. Nhiệt độ hạ thấp. Con Mực cuộn tròn mình trước thềm ba nhà lâu lâu lại rút cổ sâu hơn vào thân mình. Mấy con vịt cỏ nuôi tết rút mình vào nhau nằm trong bịt đan bằng lá chằm đốp kêu càm cạp lạnh cóng. Bầy gà trong chuồng thức muộn. Cây cỏ run rẩy trước những ngày sương đông rơi nhiều.

Mùa đông sa với phương Nam chỉ có thế, đơn giản như đủ để mọi người nhận ra sáng hôm nay lạnh hơn sáng hôm qua. Những màn sương buông dày đặc hơn. Hơi lạnh loang tỏa ra bấu miết vào da thịt. Lanh căng căng. Lấy ca múc nước. Vội rút tay lại xoa xoa đôi bàn tay. Buổi sáng ra đồng đứng gần đôi mét chỉ thấy ngờ ngợ mặt nhau. Những con đường sáng sớm chìm trong sương đạp xe đến trường ướt cả thân áo. Đứa nào cũng độc một chiếc áo trắng cộc tay hơi lạnh bủa vây thở ra khói. Bụng đói meo chỉ lót dạ bằng ca nước mưa mùa cũ, cũng lạnh buốt. Dường như cái nghèo và cái lạnh không cản được bước chân đến trường của lũ học trò nghèo quê tôi. Mùa đông mang những hạt sương đến bao phủ khắp một vùng quê. Đôi khi nằm nghe đêm thở dài sương rơi ngoài sân mà tưởng mưa trái mùa rả rích. Bạn gởi dòng tin trên facebook đọc vội vàng đông phương Nam không bằng một góc nhỏ đông Hà Nội. Bạn hồ hởi tả. Tôi phương Nam tha hồ tưởng tượng. Nói chung những dòng tản mạn rồi chóng phai bởi cái lạnh mùa đông sương phủ đang về.

Sương đông, nhiệt độ hạ, sương giăng đầy. Giữa khuya ngoại lục đục một mình nhuốm bếp lửa ngồi huơ tay. Ngồi một mình trong đêm. Đôi mắt còm cõi nhìn xa xăm. Đôi bàn tay nổi đầy đồi mồi xương xẩm vì đàn con tất tả chạy ngược xuôi đời người. Giữa khuya tôi choàng người tỉnh giấc, nhìn qua cửa sổ từ nhà trên thấy dáng ngoại ngồi le lói một mình. Nhìn ngoại xoa xoa đôi bàn tay áp vào má. Những tiếng thở dài xuýt xoa. Ngoài sân, sương đông đang rơi xuống mặt sân. Rơi trên mái nhà đọng thành giọt trên mái lá. Và trong khoảng thời tiết khắc nghiệt ấy, những người già lại lần lượt chia tay. Một cõi đi về với đời người có quá nhiều bất trắc và phiền muộn bỏ lại sao lưng và nằm xuống thanh thản.

Sương đông, ngày mùa lúa mới. Sáng sớm, mẹ phải ra đồng từng tờ mờ sáng. Những giọt sương rớt trên nón lá của mẹ, trên lưng tấm áo bà ba mỏng dính không ngăn được cái lại thấu buốt của những giọt sương cắt vào da thịt đến chiều phai mẹ mới về cũng là lúc sương bắt đầu giăng kín lối. Chưa bao giờ nghe mẹ ngồi ở bậu của than, mẹ chưa bao giờ bỏ một buổi đồng áng. Sương đông về, cha lại ngồi trước thềm ba nhà, đôi mắt sâu hút ngấn nước. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Bản tin dự báo thời tiết ông không bỏ một bản tin nào. Sương đông nhiều không có lợi cho hoa màu và động vật, mùa hoa kiểng tết lại thất mùa, hoa vạn thọ còi cọc, mai ra bông sớm, cúc mâm xôi không trổ kịp mùa tết. Những dự định được đặt ra cho mùa tết mới đành khép lại, trong sự tiếc nối hùi hụi.

Sương đông, là những ngày khấp khởi của bọn trẻ chưa biết lo, chưa biết nghĩ, cùng tụm năm tụm bảy ngồi huơ tay bên bến lửa nghe bà kể chuyện khi chiều muộn. Những ánh mắt trong trẻo, ngây thơ. Ban sáng chúng nhảy lò cò ở trước sân mặt dù cái lạnh bủa vây. Thi nhau thở ra khói coi ai thở ra xa hơi hơn. Những bàn tay bé xíu vỗ vào nhau ra sức cổ vũ. Hay chúng chơi trò tạt lon, u hơi trước sân. Người lớn không quan tâm chỉ âm thầm theo dõi. Cho chúng ra sân chạy nhảy cho ấm người.

Mùa đông năm nay lại về, sương đông giờ đã bắt đầu buông, phủ khắp trên những cánh đồng lau lách. Tôi lại nhớ những mùa đông trôi đi trong năm cũ. Mùa sương đông, sương giăng đầy ngõ nhỏ đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng cũng lũ bạn ướt chèm nhẹp áo vì sương. Đêm nằm nghe sương rơi đầy trên mái lá nhỏ. Nhớ ngoại thức mấy đêm liền nối từng mảnh vải vụn may cho tôi chiếc áo ấm, giờ tôi vẫn mặc mỗi khi sương đông về, như ngoại giờ đã nằm xuống ngủ giấc say nồng vào mùa sương đông hai năm trước. Tôi nhớ bếp lửa của ngoại, bếp lửa ấm áp ngoại ngồi huơ tay trong những ngày đông giá rét sương nhiều. Nhớ mẹ ra đồng lạnh buốt, nhớ dáng cha gầy gộc trắng đêm cho những ngày sương đông nhiều. Những nổi lo chồng chất những nổi lo mang theo vào trong giấc ngủ. Sáng nay, chen vào dòng người đi trên phố. Lòng thổn thức. Cầu cho mùa sương đông năm nay về trong bình yên…

Nguyễn Hoàng Nhân

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo