Mưa trong phố - Văn học tuổi xanh (12/02/2017)

“Giữa lòng thành phố rộng lớn, chỉ cần một lần buông tay rất có thể ta sẽ lạc mất nhau mãi mãi…” 

Đèn đỏ.

Những dòng người đông nghẹt ngưng lại.

Tôi cảm thấy mình lạc lõng trong lòng Sài Gòn lạnh se sắt. Bởi, bên kia đường, một cô gái giống Tiểu Nhi vừa đi qua giữa dòng người xa lạ. Hình bóng ấy như cơn mưa đầu mùa lất phất bay, len cả vào nỗi nhớ trong tim tôi lạnh ngắt.

Dường như phía sau lưng tôi, Cẩm Tiên đang run lên. Vì em cũng cứ ngỡ về hình bóng vừa bước qua là Tiểu Nhi. Tôi đủ nhạy cảm để nhận thấy được điều đó khi đôi bàn tay lấm tấm mưa của em bấu vào áo tôi thật chặt. Chắc rồi con tim em lại một lần nữa vụn vỡ tưởng rằng tôi sẽ gặp lại Tiểu Nhi. Nhưng có lẽ em cố giữ cho hơi thở của mình trở lại bình thường để thủ thỉ vào tai tôi những lời nói buồn như thể không có chủ ý:

- Anh có biết không? Những hạt mưa trong phố thường rất chơi vơi! Vì chẳng có ai quan tâm hay có đủ thời gian để chợt nghĩ về nó. Nhưng em lại thích nó. Thích lắm những cơn mưa mang theo gió. Khi đó em có thể thoả sức nhủ thầm vào gió những ý nghĩ xa xôi bấy lâu nay mộng ước mà không cần bất kì ai lắng nghe để cảm thông và hiểu về cảm xúc đó. - Cẩm Tiên đưa tay lên cao hướng về khoảng trời nhòe nhoẹt đi vì mưa. Em để gió cuốn những hạt mưa nhỏ táp vào mặt. Em thích cảm giác đó, vì khi ấy không ai nhận ra khóe mắt của em đang đỏ dần lên và ri rỉ những giọt nước.

Tôi có thể hiểu được ý nghĩ của Cẩm Tiên cũng như đã từ lâu biết rõ về  chính tình cảm của riêng em. Từ khi nhận ra tình cảm ngọt ngào ấy, tôi đã xót xa vì biết con tim mình có tội. Tôi chưa từng nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc cho em khi trong giấc mơ hằng đêm vẫn thấp thoáng hình bóng của Tiểu Nhi. Đi trong phố, cứ mỗi lần bắt gặp cô gái mặc áo màu xám, in nổi chữ HP trước ngực là tôi lại ngỡ đó là Tiểu Nhi. Tôi vẫn nhớ, chữ HP ấy là hai từ viết tắt của “hạnh phúc”. Tiểu Nhi đã từng nói thế nhưng đã từ lâu hai từ ấy đã nhạt nhòa trong tiềm thức của tôi. Vậy mà, chỉ cần bắt gặp nụ cười răng khểnh của cô gái nào đó, tôi lại đạp xe thục mạng về phía trước để nhìn cho thật kĩ đấy có phải là người mà mình đã từng sẵn sàng đánh đổi bất kì điều gì trong cuộc sống này để yêu thương và bảo vệ… Mỗi lần như thế, em vẫn chọn lặng im để nỗi buồn len nhẹ vào đáy mắt. Và dưới cơn mưa sáng hôm nay cũng vậy, tôi lại giật mình thảng thốt khi bắt gặp một hình bóng giống Tiểu Nhi giữa lòng Sài gòn. Tim tôi thắt mạnh, hơi thở ngưng đột ngột. Tôi tự nhủ, đã lâu rồi mà mình chẳng bỏ được quá khứ, điều đó lại làm em tổn thương. Mà nỗi đau ấy trong tim của em thì chưa bao giờ tôi có thể thấu hiểu. Cũng như tôi chẳng hiểu gì về con tim của mình. Chỉ thấy nó lẩn quẩn trong sự xót xa của những kỉ niệm. Tôi biết, đã lâu rồi, sự sống chuyển động nhịp nhàng bên ngực trái của tôi dần trở nên héo hon, có lúc tưởng chừng chênh vênh ở một nơi nào đó xa lắm.

Cơn gió lạnh trong con hẻm nhỏ thoáng qua làm mặt tôi sượng lại, cổ họng nghẹn lại chát xít điều gì đó khó nói. Tôi quay lại lén nhìn về em. Tim của tôi nhói lên từng hồi tưởng chừng nghẹt thở. Chắc rồi tôi sẽ nhắc lại dự định về tương lai của tôi cho em nghe nhưng thiết nghĩ có còn cần nữa không. Bởi khi lần nào tôi nói ra y rằng đều bị em khước từ.

- Đã có khi nào, anh nhớ một người mà cảm giác như trong lòng mình có một cơn mưa thật lớn ùa về chưa? – Cẩm Tiên nhìn về chiếc ghế đá có một cô bé cô độc ném ánh nhìn vào màn đêm. Cô bé ấy chắc cũng rất cô đơn như chính tâm hồn lúc này của Cẩm Tiên.

Tôi chưng hửng trước ý nghĩ ấy từ em. Tôi từng yêu Tiểu Nhi. Và trong tình yêu đó tôi cũng từng trải qua cảm giác nhớ nhung quay quắt. Tôi đã từng sống trong chuỗi ngày đợi chờ. Hằng đêm tôi thấy mình đáng thương chỉ vì để chờ một tin nhắn của Tiểu Nhi; lắm lúc tôi tự ghét bản thân mình khi Tiểu Nhi giận hờn lâu hơn thường nhật với tôi một cách vô cớ. Em hỏi tôi có biết nhớ một người như thế nào không ư? Tôi biết và hiểu điều đó từ khi biết học cách âm thầm chịu đựng nỗi đau nơi trái tim mình. Dù những tổn thương lâu ngày đã trở thành vết chai sạn   theo thời gian.

- Lúc chiều, em cứ nghĩ chị đi bộ ngang qua chúng ta là Tiểu Nhi. Em ngốc thật phải không anh. Chị đó chỉ hơi giống thôi còn chị Tiểu Nhi thì đẹp hơn nhiều. Mà nếu chị ấy chính là Tiểu Nhi thì sao nhỉ? Chắc là…- Cẩm Tiên cười. Nụ cười nhợt nhạt. Tôi cố nhìn vào đôi mắt em. Một chút buồn thoáng lên khuôn mặt tròn vành vạnh của em khiến tim tôi bỗng đau quặn thắt. Cảm giác thật lạ dâng lên nơi con tim đã từng tổn thương của tôi. Điều đó tôi không quen. Bởi bấy lâu nay, từ khi Tiểu Nhi ra đi tôi cứ ngỡ nó không còn đủ sức để dìu dắt những nhịp đập liền kề được nữa. Bất chợt trong khoảnh khắc này nhịp đập của nó lại nhanh và gấp hơn mọi ngày. Lạ thật.

Màn đêm ngoài khung cửa sổ đậm đặc có thêm từng vạt sương bay lành lạnh cũng không dỗ nổi giấc ngủ của tôi đến nhanh hơn mọi ngày. Bởi tôi nhớ Tiểu Nhi, nhớ thời sinh viên.

Ngày ấy, ai đó còn khờ dại.

Ngày ấy, ai đó còn ngốc nghếch trong tình yêu.

Tôi và Tiểu Nhi trở thành hai nhân vật chính bất đắc dĩ trong một vở kịch và rồi chính điều đó đã vô tình gắn chặt tâm hồn của tôi vào Tiểu Nhi mãi mãi:

-…

Tiểu Nhi đặt lên má phải của tôi một nụ hôn vội. Tôi đứng chết lặng. Khi mở mắt ra chỉ còn thấy bóng Tiểu Nhi chạy về kí túc xá. Hoa sữa bỗng rơi lả tả, vương cả vào đầu tóc rối bù của tôi. Và chưa bao giờ hương hoa sữa lại quyện vào màn đêm nồng nàn như tối hôm nay. Biết bao câu hỏi bủa vây trong cái đầu mê sảng chẳng nghĩ được gì của tôi. Tối đó tôi khó ngủ. Môi của tôi không thể nào khép lại bởi nụ cười cứ dài ra trong hạnh phúc.

Đó là nụ hôn đầu đời của tôi. Nụ hôn đẹp nhất.

Cứ thế, Tiểu Nhi bước vào cuộc sống của tôi nhẹ nhàng như những cánh hoa sữa mỏng tang cuối mùa quấn quít vào gió. Tiểu Nhi là mối tình đầu của tôi. Và đến ngày cuối cùng khi tôi tiễn Tiểu Nhi lên chuyến xe cuối cùng về Sài Gòn, tôi vẫn nghĩ em sẽ là tình cuối.

Đêm nay, trong căn phòng trống trải, tôi cô đơn. Tôi lại đặt tay lên vai mình, tự dưng một cảm giác đau buốt dâng lên nơi ngực trái. Bờ vai này Tiểu Nhi đã từng khóc vùi lên đó và kể về chuyện tình yêu của cô ấy với một người con trai khác, xa lạ, tôi chưa từng biết và cũng không thắc mắc. Và bây giờ, cũng là bờ vai này, người tựa lên nó là Cẩm Tiên. Vẫn là những giọt nước mắt ướt đẫm vai áo, nhưng tôi biết nó sinh ra để dành riêng tình yêu cho tôi. “Ai cũng có quyền nhận được hạnh phúc và em sẽ cùng anh đi xây một hạnh phúc mới, một cuộc sống mới. Em đã yêu anh mất rồi! - Anh có biết không?”. Em vẫn thường hay nói với tôi như thế. Nhưng tôi đã làm được gì cho tình yêu của em ngoài những ý nghĩ chẳng hay ho gì: “Có lẽ hạnh phúc không dành cho anh”. Sau những câu nói chua chát ấy của tôi, em chỉ biết im lặng và chờ đợi.

Tin nhắn của em chợt đến, dịu dàng như nắng mai, làm tan ra quá khứ đóng băng:

- Khuya rồi đó. Đừng thức khuya viết bài. Anh ngủ sớm nha!

Tôi trả lời em bằng một icon chúc ngủ ngon ngộ nghĩnh.

Tôi đã sống hằng đêm với nỗi cô đơn như thế và đón ngày mới đến trong sự an yên không có gì thú vị.

Bình minh chưa ghé qua khóm hoa móng tay li ti trên bệ cửa sổ thì tôi phải tỉnh giấc sau một đêm dài giấc ngủ đến chập chờn. Tôi bước xuống phố trong cái rét căm căm buổi sớm để tìm ý tưởng cho bài viết mới. Lắm lúc tôi tự cười mình, có phải việc cộng tác cho một tờ báo tuổi teen làm tôi gắn bó lại với Sài Gòn hay đơn giản để chờ đợi câu trả lời từ Tiểu Nhi. Tôi không rõ. Chỉ cảm thấy mình lạc lõng giữa nhịp sống xô bồ để chờ đợi điều gì đó thật buồn sẽ đến. Lần này, toàn nhận được những cuộc gọi điện “đe dọa” liên tục của chị biên tập. Nếu cuối tuần này tôi không có được một bài viết ngắn về “Nét đẹp nghệ thuật đường phố” thì chắc bị đăng tên “Tuyền lười” thay cho bài viết này trên mặt báo mất.

Tôi chợt nghĩ đến những mảng tường lòe loẹt màu sắc. Tôi muốn viết về nghệ thuật graffiti. Một cách vẽ đường phố lạ và đầy sáng tạo. Tôi lang thang tìm về lại góc tường trường Đại học Mĩ thuật đã từng theo học. Một góc tường nhỏ phảng phất màu thời gian. Có đủ cả những mảng màu xô lệch, chen chúc các nét vẽ của nhiều thế hệ sinh viên ra trường. Rêu xanh bám dưới chân tường dày đặc, một vài mảng vữa trên vách tường bị bóc ra trần trụi, trơ cả lớp gạch đỏ quạnh. Đã lâu không về lại nơi này, nhìn góc quen vẫn giữ nguyên nét cũ, tôi lại ngỡ như mình vừa mới rời xa nơi này hôm qua. Tôi nhớ Tiểu Nhi thật nhiều. Kỉ niệm nằm ngủ quên bấy lâu nay phút chốc ùa về rõ rệt. Đến bây giờ chỗ góc tường cuối, bông hoa sữa Tiểu Nhi vẽ nay vẫn còn. Bên cạnh ngôi nhà có chiếc xích đu trước hiên là một cô dâu mặc váy trắng cười thật tươi bên chú rể cũng không có điều gì thay đổi. Nhưng thực tế, tôi và Tiểu Nhi đã đổi thay nhiều hơn cả những kỉ niệm có với nhau. Còn nhớ lần cuối gặp Tiểu Nhi sau thời gian ra trường không lâu, khi ấy tôi đã thấy môi em đỏ hơn, da em dày hơn lên bởi một lớp kem lót… Tôi không quen thấy em như thế. Xa lạ. Chưa bao giờ trong ba năm qua, ở cạnh tôi em sửa soạn cho mình cây son hay hộp phấn. Vậy mà, một sự thay đổi đột ngột làm con tim tôi ngờ vực. Có phải chăng đây mới chính là con người thật của em. Con người dành riêng cho người con trai khác mà em vẫn thường kể cho tôi nghe. Và đã bao lần tôi chọn im lặng để yêu hơn và tập làm quen với quá khứ của em. Để rồi đến ngày cuối cùng để em vào lại Sài Gòn, tôi đã mất em mãi mãi.

Tôi tản bộ qua hàng cây cổ thụ trên vỉa hè. Vui chân tôi bước vào quán chị Nga. Nhìn thấy tôi, chị đon đả ra đón bằng nụ cười hiền hậu. Chị vẫn thế, vẫn dịu dàng trong nét đẹp của người con gái xứ Huế mộng mơ.

- Lâu quá rồi phải không, thằng em trai bụi bặm của chị? – Chị đỡ lấy ba lô của tôi.

Tôi cười gượng:

- Em xin lỗi. Tại dạo này nhiều việc quá chị hai. Nhưng không được gọi em là bụi bặm nữa nha. Chị hai nhìn quần áo xem, đâu còn rách te tua như khi còn học ở trường mĩ thuật!

Chị và tôi cười giòn tan. Lần nào cũng vậy, nhìn chị, tôi lại thấy ấm lòng. Chị đã từng yêu một anh bộ đội. Thế rồi, trong một tai nạn giao thông, anh đã ra đi để lại một mình chị chơi vơi. Và chị đã chọn cuộc sống lẻ bóng từ khi anh ra đi để sống mãi với những kỉ niệm đẹp đến tận bây giờ.

Có tiếng xe ô tô đỗ xịch sát mép vỉa hè. Hơi nóng cuốn theo bụi ập vào những chiếc lá trứng cá rụng vàng cả góc đường và đẩy tất cả ra xa.

- Chị hai ơi! Lấy cho bé mấy tuýp sơn dầu màu hồng phấn đi.

“Chị hai”. Một giọng nói quen lẫn vào trong gió. Bất giác tôi ngoái đầu nhìn lại. Tiểu Nhi. Tôi chết lặng.

- Chị hai ơi! Ngày mai bé ghé lấy cũng được. Bé có việc…

Tiểu Nhi dắt một đứa bé gái nhỏ vội vàng bước lên xe. Chiếc xe ô tô màu trắng sang trọng chạy lẫn vào trong dòng người phố thị nhả lại phía sau những sợi khói đen ngòm.

Tôi đã từng nghĩ đến nhiều điều hạnh phúc nếu được gặp lại Tiểu Nhi. Nơi ước muốn mỏng manh, có hình ảnh Tiểu Nhi nép đầu vào ngực tôi mà thổn thức. Tiểu Nhi sẽ cùng tôi đi ngắm biển mỗi chiều như thời gian chúng tôi còn ở Nha Trang và kể về sự trống vắng trong khoảng thời gian xa cách. Nhưng tôi quên rằng  Sài Gòn thì chẳng có biển, mà chỉ có mỗi mưa, mưa thì lạnh căm vào giữa lòng phố thị ồn ào, mưa rả rích vào cả nỗi cô đơn trong lòng ai đó.

Tự dưng, tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt cô bé xinh xắn đi theo sau Tiểu Nhi. Ánh mắt ấy quen lắm, hình như nó đã từng đi vào giấc ngủ chập chờn mỗi đêm của tôi.

Cầm điện thoại lên mà bàn tay mà tôi run lên. Tôi nhắn tin cho em: “Anh đã gặp được Tiểu Nhi”. Vài giây lưỡng lự, em trả lời tin nhắn của tôi nghèn nghẹn điều gì đó thật buồn: “Anh đi đi”. Tôi tìm Tiểu Nhi theo địa chỉ của chị Nga cho. Tôi muốn mình đối mặt một lần với Tiểu Nhi. Như chính ước muốn tìm lại người mình thương yêu. Nhưng nếu là chia tay thì tôi vẫn muốn Tiểu Nhi nhìn thẳng vào mắt mình mà biểu lộ tất cả.

- Tố Uyên ơi! Xuống xe đi con. – Tiểu Nhi đang đứng cùng một người con trai lịch lãm trước cổng một ngôi nhà cao, có nước sơn màu trắng rất đẹp.

            Tôi cười nhạt khi nghe đến cái tên “Tố Uyên”. Cái tên Tiểu Nhi đã đặt cho đứa con là kết quả của tình yêu sau bao năm chờ đợi. Mà ngày xưa, tôi nhớ và từng thèm khát cái tên đó biết nhường nào khi Tiểu Nhi nói về dự định xa xôi. Ngày đó chắc Tiểu Nhi sẽ được mặc váy cô dâu trắng tinh khôi, còn tôi nắm lấy tay cô dâu  mà nở trên môi nụ cười hạnh phúc lớn nhất đời mình. Tôi hụt hẫng. Lúc này tôi mới nhận ra, những năm tháng ở bên Tiểu Nhi mình chỉ là cái bóng để thay thế của ai đó.

Tôi bước những bước nặng nhọc đi về trong đêm. Sương đêm lạnh buốt trên vai áo. Tôi để mặc nó mà bước chen vào trong dòng người. Họ có lẽ là những cặp tình nhân. Văng vẳng bên tai tôi là tiếng cười nói vui vẻ của họ. Chắc họ đang hạnh phúc, tôi nghĩ thế. Tôi cúi đầu, lặng lẽ.

 Ở khoảng sân dãy nhà trọ của tôi, em đã đứng đó tự bao giờ.

- Sao để áo ướt hết vậy anh. Anh vào thay áo đi không thì bị cảm lạnh đấy.

Tôi  nhìn Cẩm Tiên mà miệng cười méo xệch.

- Anh gặp chị Tiểu Nhi rồi phải không? Chắc là hai người nói nhiều chuyện lắm nên anh quên luôn hôm nay là ngày sinh nhật của em rồi chứ gì. – Em xuýt xoa hai bàn tay vào nhau vì lạnh. – Nhưng không sao đâu. Em xin lỗi vì đã mượn phòng trang trí buổi lễ sinh nhật mà chưa xin phép anh. Nhưng anh đừng giận em. Vì bù lại là em đã đợi anh hơi lâu một tí xíu thôi nên bây giờ cái bụng cứ réo ùng ục suốt. Anh vào đi, em sẽ phải phạt anh ăn hết cái bánh này mới được.

Tôi nắm vội lấy bàn tay lạnh buốt của em đặt lên ngực trái của mình. Ở khoảnh khắc này tôi chợt thấy khóe mắt mình cay xè. Tim tôi co lại. Vì có điều gì vô tâm hơn khi quên đi cả ngày sinh nhật của em. Thật sự, tôi đã để em chơi vơi ngoài cuộc sống của tôi quá lâu rồi. Tôi ôm em vào lòng. Một cảm giác bình yên khẽ chạm vào trái tim tôi.

- Chúc em sinh nhật vui vẻ… chúc em sinh nhật vui vẻ… Anh xin lỗi… xin lỗi em nhiều lắm!

Em run lên trong vòng tay của tôi. Đây có lẽ là lần đầu tiên em khóc trước mặt tôi. Tiếng khóc nức nở như chính là cảm xúc bị dồn nén của những năm tháng đợi chờ. Tôi vùi mặt vào làn tóc óng mượt của em để mặc những giọt mưa chảy xuống lạnh buốt trên da thịt.

- Anh à! Em thương cho những giọt mưa rơi trong đêm vì nó giống những giọt nước mắt đã từng chảy trong tâm hồn của anh. Nhưng trời mưa mãi rồi cũng sẽ đến lúc tạnh đi để đón ánh nắng bình minh rực rỡ. Em sẽ chờ đến ngày được cùng anh đón lấy những tia nắng ấy. Thật đấy.

Sau lưng Cẩm Tiên, trong lòng bàn tay của tôi, bức ảnh cuối cùng của Tiểu Nhi mà tôi còn giữ, nước ảnh đã bị nhòe ra cùng những hạt mưa. Tôi nâng nó lên nhìn lần cuối rồi thả trôi theo dòng nước dưới chân mình.

 Trên đường đi về, tôi đã nghĩ nhiều điều về Cẩm Tiên. Nhưng tôi sẽ không nói cho em biết tôi đã từng nghĩ: “Từ rất lâu anh đã thấy nắng trong tim mình” và càng không nói em biết tôi đã nhớ về ai đầu tiên khi nhìn thấy Tiểu Nhi có cuộc sống riêng mà cô ấy tự chọn cho cuộc đời mình. Mà từ giây phút này, tôi sẽ chỉ tập dần thói quen ở bên cạnh em, lặng im ngắm từng cơn mưa mùa đông chùng chiềng qua hiên nhà, và hạnh phúc khi cùng em chờ đợi những tia nắng mai ấm áp len dần qua song cửa sổ.

Đó có thể là cửa sổ của một ngôi nhà đã lâu không có bóng dáng một người con gái hay đó là cửa sổ bấy lây nay tôi khóa chặt nơi tim mình.

TUYỀN VĂN

HƯƠNG TÓC THỜI GIAN

Khi người ta lớn, sẽ thường sống quay vào trong hơn, sẽ biết hoài niềm về bao hình ảnh xưa. Những lúc như thế lòng lại đau đáu kỷ niệm một thời. Tôi nhớ ngày má tôi còn trẻ, một người mẹ quê với mái tóc đen huyền chấm ngang lưng, mấy lúc ra đồng hay đi chợ má thường đội nón lá, mặc áo bà ba, má lại rất hay cười nên tôi cảm nhận từ má phảng phất một nét đẹp dịu dàng mang chút duyên của người phụ nữ nam bộ.

Mái tóc dài của má được kế thừa từ ngoại. Ngoại kể về thời con giái của ngoại và má, người con giá quê khi lớn lên ai ai cũng biết cách chao chuốt, giữ gìn mái tóc của mình. Suối tóc ấy là dấu tích, là kết tinh từ buổi xuân thì của đời người con gái. Đến tuổi lấy chồng, ắt hẳn người mẹ nào cũng thích chọn một nàng dâu có mái tóc dài óng ả. Còn ba tôi chắc cũng đã phải lòng má một phần cũng vì mái tóc bồng bềnh, mượt, suôn... thấm đẫm một nét duyên quê bình dị.

Ở quê ngày ấy thật hiếm để tìm nhiều loại dầu gội, mỹ phẩm như hiện giờ. Để có mái tóc mượt mà đen nhánh thì chỉ có cách là thắng dầu dừa để sức. Má nạo dừa, dùng cơm dừa dược nạo kỹ rồi đưa lên chảo đế thắng lấy dầu. Đến giờ má hãy còn nhớ và hát cho tôi nghe câu ca dao ngày đó. “ Mài dừa dưới ánh trăng vàng, ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh”. Hương dầu dừa trên tóc má là thứ mùi hương dễ chịu mà tôi đã thưởng thức suốt thời thơ ấu.

Cuộc sống khi xưa còn nhiều thiếu thốn, người phụ nữ quê phải chắt chiu mớ tro vừa kịp nguội bên bếp lửa hồng để gội tóc. Chẳng phải cầu kỳ, chỉ cần một ít tro bếp nấu bằng củi tàu dừa đựng trong khạp, đổ nước đầy chờ cặn tro lắng xuống là đã có thứ nước diệu kỳ để gội tóc ban trưa. Tôi thích nhất là mấy lúc dùng chiếc cần làm bằng gáo dừa, múc từng ngụm nước trong veo đổ nhẹ nhàng lên tóc má. Trước khi có tôi thì ba là người thường giúp má gội đầu. Sẽ chẳng thể kiềm được những cảm xúc lâng lâng khi chàng trai đôi mươi ngắm nhìn người thôn nữ gội đầu dưới trưa nắng dìu dịu. Nhờ đó, chính những sợi tóc dịu dàng kia đã kết chặt mối duyên quê mặn nồng của má và ba từ thuở mới cưới nhau về.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Khi tôi trưởng thành thì suối tóc của má cũng dần thưa theo năm tháng. Có lẽ những sương gió cuộc đời đã hằn sâu trên mái tóc nhạt màu của má. Từ thời tóc má bắt đầu rụng, má đã gom và giữ gìn từng sợi tóc xanh gộp thành đầu tóc mượn. Má quấn tóc mượn nối sau tóc thiệt, rồi lận nên một búi tóc to tròn, dùng lưới siết chặt, sau đó dùng trâm cài trông duyên dáng biết bao. Má đã học cách búi tóc này từ ngoại, người vẫn luôn gìn giữ nếp quê bình dị mà gần gũi thân quen. Tôi may mắn khi dược lớn lên cùng hương tóc thời gian của má, để chứng kiến đủ đầy những tình thương bao la, những nỗi vất vã mà má từng đánh đổi để nuôi tôi nên người.

Dù năm tháng có trôi đi, dẫu hình hài hôm nay đã thay đổi quá nhiều, nhưng vẫn vẹn nguyên trong tôi ký ức ngày thơ ấu. Nơi có hình bóng má duyên dáng, dịu dàng bên áo bà ba, vành nón lá che nghiêng và mái tóc dài suôn mượt. Làn tóc ấy đã chải vào hồn tôi thứ hương thơm dịu dàng còn mãi với thời gian.

HỨA PHÁT ĐẠI

THÁNG GIÊNG

Tháng giêng mềm như nắng xuân cuộn tròn hương cỏ ngọt lành chạy dọc triền đê, tải ra trên thớ đất cày ngửa bụng ong óng phù sa chờ vụ cấy, loang loáng sóng nước tròn lẳn nở bung theo từng bước chân điêu luyện của những nghệ sĩ xiếc nhện nước, rắc rắc trên búp non tơ cởi lớp vỏ sần sùi khỏa những nõn những nà, nhảy nhót chuyền cành trong vườn, trơn trượt trên lớp rêu phong cổ tích lặn vào màu ngói đỏ. Nắng xuân gieo vào hồn người hạt mầm niềm vui cựa mình nứt vỏ, xua đi lo toan, bộn bề của cuộc mưu sinh xô bồ, thêu lên môi ánh cười pha lê. Nắng xuân bừng xóm nhỏ vốn quanh năm im lìm trong khói tím bảng lảng. Giá mà có thể gom cả trời nắng xuân cất giữ trong tim để dành cho ba trăm sáu năm ngày trong năm.

Tháng giêng thập thình tiếng trống hội làng, tiếng hò dô kéo co, tiếng pháo đất đì đùng, tiếng hát dập dìu, tiếng cười nói giòn tan,… Cờ hội no gió phần phật gọi náo nức dậy trong lòng lũ trẻ chúng tôi. Lồm cồm bò, thò đầu qua hai chân người lớn không chớp mắt dõi theo những đòn thế cưa đè hai mang, đá hầu, ôm đấm, mang lên mang xuống, kiệu, lùi tát, đá vĩa, cắn gối, ngang đánh mu lưng… của hai đấu sĩ gà chọi hay thay phiên kiệu nhau lạc giọng cổ vũ thi đập niêu đất, có khi mải mê đến quên cả chiều trước sạp tò he của ông lão tóc bạc phơ như ông Bụt bước ra từ câu chuyện cổ tích của bà. Cây kem ba bốn đứa mút chung, bẻ năm bẻ bẩy cái bỏng gạo, hội làng với đám trẻ quê nghèo chúng tôi là thế.

Tháng giêng cong như đòn gánh trĩu vai mẹ gầy. Một bên là đứa bé má ửng hây hây say tròn trong tấm áo bông của mẹ còn một bên là ăm ắp hoa rực rỡ, nào cúc, nào đồng tiền, nào ly, nào huệ,… Một bên là mùa xuân của đất trời còn một bên là mùa xuân của riêng mẹ. Những ngón chân cáu vàng bấu vào đêm. Sương muối đậu trắng tóc mẹ búi cao sau đầu. Gió mùa hun hút quất rào rạt lên lưng áo mưa, môi mẹ tím bầm. Tiếng rao sấp ngửa khô rơi. Mẹ gom tuổi vun tiếng cười cho con.

Tháng giêng trong leo lẻo ánh mắt đám học trò túm tụm hành lang kể chuyện Tết nhà tao, Tết nhà mày; trong vắt vầng trăng trinh nữ thẹn thùng, ánh trăng không vàng như mật mà trắng như sữa, quầng xanh thanh khiết ấy tròn xoe mơ ước một năm mưa thuận gió hòa; trong như bụi mưa lạc trên hàng mi cong vút của cô gái cấy thuê; trong như tiếng sẻ líu ríu gọi hoa xoan vương đầy rẻo đường đất mịn trắng, mùi hương man mác nhoi nhói cả một miền ký ức tuổi thơ đói nghèo; trong như bài ca lao động của những chú ong thợ siêng năng lượn vòng kiếm mật trên giàn hoa thiên lý; trong ngần dăm ba câu chuyện tầm phào của mấy bà lão môi đỏ như son thoăn thoắt têm trầu tổ kén.

Hít căng lồng ngực một bầu tháng giêng mơn mởn để nhựa sống mây mẩy từng mạch máu, để những bước chân hứng khởi cho hành trình mới.

ĐÀO MẠNH LONG

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo