Thầy giáo mới

(VOH) Cô Hương nghỉ hộ sản. Một thầy giáo mới toanh vừa ra trường được phân công dạy Văn lớp 11C thay cô. Cả lớp – mười “đấng – mày – chưa – râu” và ba mươi nàng công chúa háo hức chờ đợi. Ngày thứ hai đã đến. Tiết sinh hoạt dưới cờ, cả lớp chỉ trỏ lên cái “anh thầy” trẻ măng ngồi trên dãy ghế giáo viên. Sau tiết sinh hoạt  là hai tiết Văn liên tiếp. Anh thầy vào lớp và nở một nụ cười…có duyên khó tả! (Văn học tuổi xanh - 20/11/2016)

Hoa quay sang Nương nói nhỏ: “Thân cò gầy guộc quá mày ơi!”. Toàn bĩu môi: “Hai cái bà này! Gầy nhưng mắt to, mũi cao”. Ngọc tắc lưỡi: “Tụi bây nhìn kỹ kia, hai hàng lông mi cong hết biết luôn!”…Bỗng thầy tằng hắng làm cả  lớp giật mình rồi im phăng phắc: “Tôi xin giới thiệu, tôi là Vương Tài Linh, 22 tuổi, tốt nghiệp đại học sư phạm Ngữ Văn được phân công dạy lớp các em từ nay đến cuối năm”.

Một tràng pháo tay giòn như bắp rang. Lớp trưởng Thúy Hằng đứng lên nói: “Dạ, mừng thầy đến dạy chúng em, mong thầy tận tình chỉ bảo để đưa lớp đi lên ạ!”. Thủ quỹ tiếp lời: “Dạ! lớp em có món quà nhỏ tặng thầy để kỷ niệm nhân ngày làm quen với lớp ạ!”. “Quà gì thế?”. Cả lớp tò mò nhìn chăm chăm vào cái hộp nhỏ xíu. Nhưng chẳng ai phải đợi lâu. Lớp trưởng bảo: “Dạ, thầy mở quà ra xem đi ạ”.

Thầy Linh xúc động cảm ơn rồi tay run run mở lớp giấy: một cây viết bic đỏ. Tưởng gì! Tụi con gái này tính kỹ dễ sợ. Để thầy chấm bài chớ gì. Còn một chiếc hộp nhỏ nữa kìa. Thầy lại mở ra. Bỗng quăng chiếc hộp, mặt thầy xám ngoét chỉ kịp thều thào “chuột, chuột” rồi bỏ chạy khỏi lớp. Tụi con trai chưa kịp cười một trận no bụng thì đã quê độ vì ban cán sự (toàn là con gái) hốt hoảng chạy theo thầy. Dưới nền, một con chuột đỏ chóe kêu chít chít.

Cô chủ nhiệm khỏi mất công truy tìm. Thủ phạm đã đầu thú. Đó là tên Lý – biệt danh Lí Lắc – phó chủ hiệu văn phòng phẩm Minh Lý ở thị trấn. Hôm qua, thủ quĩ mua một cây viết để tặng thầy giáo mới. Lý lựa cây xịn nhất rồi đem vào trong gói lại. Một ổ chuột sau nhà kêu chít chít đến phát ghét. Mà cũng phát ghét mấy nhỏ con gái õng ẹo lớp Văn! Cô Hương dạy gần cả học kỳ mà chẳng nói được lời cảm ơn. Còn ông thầy mới chân ướt chân ráo về chưa dạy tiết nào đã quà cáp này nọ. Thôi, thêm con chuột vào cho bõ ghét, sẵn thử dây thần kinh ổng luôn! Đưa hộp quà cho nhỏ thủ quỹ, Lý cười đầy bí ẩn: “Viết xịn nhất đó nghen! Giá mười ngàn, công gói miễn phí”. Thủ quỹ cầm hộp quà săm soi: “Ừ, ông gói đẹp quá! Cảm ơn nghen. Mà sao nặng quá vậy?”. “Quà đặc biệt mà, phải nặng chứ!”. Thủ quỹ đạp xe về, lòng rộn ràng khó tả. Lý khấn thầm cho con chuột còn sống tới ngày mai!

Lý không ngờ ông thầy lại nhát gan đến thế. “Viết tự kiểm và xin lỗi thầy Linh!” – cô chủ nhiệm ra lệnh. Lý răm rắp làm theo nhưng vẫn thấy ghét ông thầy mới thế nào ấy. Nhất là những khi thấy tụi con gái cứ xúm xít quanh ổng hỏi bài vở. Mà làm như giỏi lắm vậy. Tiết nào cũng đọc thơ ngâm thơ ngoài chương trình. Cháy giáo án cho biết. Mà lại còn đem tranh ảnh, sơ đồ này nọ. Lại còn bày đặt xuống lớp sớm năm phút nữa. Làm như siêng lắm vậy! Lý ghét quá! Từ hồi ông thầy này dạy, nó phải soạn bài, soạn bài trước đến mệt phờ người ra. Nhiều khi giờ ra chơi chưa ăn hết tô bún riêu là phải vào lớp. Chán gì đâu. Mà cũng phải công nhận ông thầy mới này có giọng đọc thơ hay hết biết. Giọng trầm ấm và tha thiết lạ lùng. Nhiều khi đang bịt lỗ tai lại để khỏi nghe nhưng Lý cũng hé hé ra để nghe.

-         Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư…

-         Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…

Từng lời thơ cứ đi vào lòng người, khắc sâu trong trí nhớ một cách dễ dàng. Mỗi một câu chuyện thầy kể làm cả lớp cười nghiêng ngả hoặc nghe cay xè nơi sống mũi. Mỗi một bài văn là một bài học được rút ra để soi rọi vào thực tế cuộc sống.

Lý ngạc nhiên vô cùng khi các kiến thức văn chương mình không hề “gạo” mà đi vào đầu thật nhẹ nhàng. Thầy khích lệ cả lớp viết theo lối sáng tạo. Lý cũng bị cuốn hút và lao vào sáng tác cho tập san của trường.

20-11. Bài thơ Cô giáo cũ của Lý được đăng trang trọng trên quyển tập san Nắng sân trường do thầy Linh phụ trách. Trong mục “Điểm thơ” thầy còn trích một đoạn những bài thơ hay để đọc trước toàn trường, trong đó có bài của Lý:

Em thương cô thương tiếng nói ngọt ngào

Thương chiếc áo đã sờn vai cô mặc

Thương nụ cười tươi, thương ánh mắt

Thương dáng gầy trăn trở lúc canh khuya

Khi thầy đọc tên tác giả, cả thần dân lớp 11C2 ồ lên, tấm tắc và nhìn Lý bằng đôi mắt thán phục. Lý đỏ bừng mặt nhưng thấy rất hả lòng hả dạ.

Buổi lễ bế mạc, tụi con gái kéo Lý xuống phòng cô chủ nhiệm ở nhà tập thể. Một nồi vịt hầm măng tổ chảng! Lớp trưởng Thúy Hằng ra lệnh: “Ông chờ tui đi mua bún, mua rau!”. Vậy là phải làm tài xế cho bả rồi. Mệt gì đâu! Khi hai đứa ì ạch đẩy xe đạp chở đầy lương thực, thực phẩm vào thì thầy Linh đang ngồi dưới gốc cây trứng cá đánh đàn cho cô chủ nhiệm hát. Thấy Lý và Hằng, thầy vội chạy ra đỡ xe rồi xách đồ tiếp. Bỗng Oanh “dì ghẻ” (biệt danh của Oanh sau khi đóng vai dì ghẻ trong vở kịch Tấm Cám) kêu thất thanh: “Trời ơi! Rắn! Rắn!”. Mặt như gà  cắt tiết. Oanh bỏ chạy. Tụi con gái cũng thất thần chạy theo. Tụi con trai nhìn dáo dác. Ui cha mẹ ơi! Trên cây trứng cá lòng thòng một con rắn lục xanh rờn. Tai hại hơn nữa là ngay ở phía dưới, thằng Trung Ù đang khò khò ngủ ngon lành. Tính mệnh của tên Ù như ngàn cân treo sợi tóc. Thầy Linh vất giỏ bún cái bịch rồi vơ khúc cây gần đó chạy lại chỗ con rắn. Thật điệu nghệ, thầy hất con rắn sang một bên. Nó quăn quăn uốn lượn rồi rớt xuống đất, bò đi như tên bắn. Từ đầu bên kia, thầy Thành dạy thể dục cũng vừa đi tới. Bốp. Dưới cánh tay lực lưỡng của thầy, con rắn nằm phơi mình. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Thầy Linh trách: “Tui chỉ dọa cho nó chạy thôi. Sao ông lại xử tội gia hình?”. Trời, thầy nhân đạo quá! Trung Ù nghe tiếng ồn ào liền dụi mắt ngồi dậy. Cả bọn tranh nhau kể cho nó nghe tình huống nguy kịch vừa rồi. Nó mắt tròn mắt dẹt rồi lí nhí cảm ơn hai thầy. Có một điều Lý thắc mắc là tại sao rắn thầy không sợ mà chuột con thầy lại sợ? Nỗi thắc mắc ấy được thổ lộ sau khi hai tô bún vịt hầm măng đã chui gọn vào bụng. Dưới bóng mát của những tàng cây trứng cá, thầy kể:

Gia đình Linh có ba anh em, hai trai, một gái. Cô em út rất được ba mẹ cưng vì ngoan ngoãn, học giỏi và vì là con gái út!  Linh thì hay bị la và bị đòn nhiều nhất vì thích bắn bi, trốn học lêu lổng. Ít khi nó được mặc quần áo mới mà chỉ được mặc đồ cũ của anh hai. Một lần, nó đã ăn cắp tiền của mẹ để đi đánh bida. Em gái Linh biết được, méc mẹ. Năm cây roi tre đau quắn đít! Từ đó, Linh càng ghét nhỏ em hơn! Biết nhỏ sợ chuột, sâu, gián…Linh thủ sẵn những thứ vũ khí đó. Cơ hội ngàn vàng đã đến. Một hôm, đi học vừa về đến thì thấy nhỏ đang ngồi học bài dưới gốc dừa. Linh vào nhà lục lọi rồi đưa cho nhỏ gói giấy hơi âm ấm! “Anh tặng nhỏ nè”. Xoa đầu nhỏ em một cái, Linh hồi hộp chờ. Mắt nhỏ sáng rỡ, long lanh: “Cảm ơn anh Ba nghen! Cái gì vậy?”. Khi mở đến lần giấy cuối cùng, mặt nhỏ xám ngoét, vất “quà” rồi té lăn nhào xuống mương. Bốn con chuột đỏ hỏn kêu choe chóe. Chưa kịp hả hê thì Linh điếng hồn sực nhớ ra: em không biết bơi! Nhìn thấy nhỏ chìm nghỉm dưới mương, nước sủi tăm ùng ục, mặt Linh cắt không còn hột máu. “Ai cứu giùm em tôi. Em tôi bị chết hụp rồi!” – Bất giác Linh gào lên. Ông Năm hàng xóm đang đọc báo dưới gốc ổi xá lị vụt chạy qua, nhảy ùm xuống mương. Nhỏ Út được vớt lên, mặt mày tím ngắt. Hàng xóm bu lại. Người đè bụng cho nước ộc ra. Kẻ làm hô hấp nhân tạo. Nửa giờ sau nhỏ Út mới tỉnh. Mười lằn roi lại in hằn trên mông nhưng Linh không thấy đau mà càng thấy ân hận khôn nguôi. Tim Linh đau nhói vì từ đó mỗi khi nó đến gần, em nó đều nhìn nó bằng ánh mắt cảnh giác. Những ngông cuồng dại dột đã lùi vào ký ức. Từ đó, Linh đâm ra ghét và sợ chuột. Những con chuột đáng ghét làm sao!...

“Kìa, ăn đi chứ các em. Nồi măng nguội hết rồi!”. Cả bọn như sực tỉnh. Lý nhìn thầy lí nhí bảo: “Thầy ơi, ăn xong thầy đàn cho tụi em hát nghen thầy”. Thầy cười: “Xin sẵn lòng”. Tiếng cười nói râm ran. Mặt trời đã gần đến đỉnh đầu. Ngày 20-11 trôi qua thật nhanh.

Nguyễn Huy Cường

Người Thầy đầu tiên ở trường đời

Dù thầy đã đi xa, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng dành một tình cảm kính trọng đặc biệt đối với thầy. Cái tin thầy mất làm cho tôi thật hụt hẫng, tôi như không tin vào chính tai mình, vì những năm sau này thầy tuy đã nghỉ hưu nhưng vẻ ngoài trông còn rất khỏe. Vậy mà thầy lại đột ngột ra đi để lại nhiều nỗi tiếc thương cho người thân cùng nhiều đồng nghiệp trong đó có tôi; và những kỷ niệm giữa thầy và tôi trong những năm tôi công tác ở ngôi trường đầu tiên thì không thể nào quên được. 

Nhớ ngày tôi mới tốt nghiệp trường Sư phạm được Sở Giáo dục-Đào tạo bố trí đi làm công tác Phụ trách Đội ở một trường Trung học cơ sở thuộc vùng ven của thành phố Biên Hòa. Ngày đầu tiên đến trường nhận công tác tôi bối rối lắm, cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy, không biết đứng đâu, ngồi đâu. Mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Nhìn thầy cô rồi đến đám học trò lớn nhỏ đủ mọi lứa tuổi, tôi thấy trong lòng lo âu và hoang mang vô cùng, không biết mình sẽ phải làm gì với công việc thật mới mẽ này. Cũng may cho tôi lúc đó là nhờ có thầy. Thầy với cử chỉ thân thiện và thái độ vui vẻ niềm nỡ đã tiếp đón tôi. Rồi cũng chính thầy hướng dẫn tôi đến phòng Ban Giám hiệu để trình diện Ban Giám hiệu và bắt đầu nhận công việc do Ban giám hiệu phân công.

Từ đó tôi bắt đầu làm quen với từng thầy cô và học sinh ở các khối lớp cũng qua sự hướng dẫn giới thiệu của thầy. Dù thầy chỉ làm công việc đánh máy công văn cho trường, nhưng thâm niên công tác ở trường của thầy chắc không thầy cô nào sánh bằng. Vì thế việc hiểu được tính cách của từng thầy cô và nắm bắt được tâm lý của từng khối lớp học sinh ít ai ở trường qua được thầy. Lúc đó tôi như người bơi giữa dòng sông rộng mênh mông bỗng dưng níu được chiếc phao đó là thầy.

Có thể nói thầy là điểm tựa cho tôi vừa làm vừa học hỏi. Tôi học được ở thầy những đức tính mà tôi cho rằng rất cần thiết khi làm việc ở bất kỳ một cơ quan nào. Đó là tính đúng giờ ( hầu như từ ngày về trường tôi không bao giờ thấy thầy đến trường muộn sau 7 giờ dù chỉ là một buổi ); tính ngăn nắp cẩn thận trong việc sắp xếp lưu hồ sơ; tính nghiêm túc, tươm tất trong ăn mặc ( thầy lúc nào cũng mặc áo sơ mi trắng dài tay bỏ trong quần ). Đặc biệt là tôi được học ở thầy kỹ năng đánh máy chữ bằng mười đầu ngón tay với kinh nghiệm trên 20 năm làm nghề đánh máy lúc đó của thầy.

Dù bây giờ bàn phím và màn hình máy vi tính đã thay cho máy đánh chữ xa xưa ngày nào, và chiếc máy đánh chữ đã không còn trong tiềm thức của các bạn trẻ làm ở bộ phận văn phòng; nhưng tôi không bao giờ quên được những ngày đầu thầy truyền dạy cho tôi một cách tỉ mỉ những kỹ thuật cơ bản đánh máy chữ : từ việc lắp giấy pơ-luya, giấy than vào máy; đến việc canh hàng, canh lề; cách chọn kiểu chữ in hoa, chữ thường, chữ làm tiêu đề. Được lĩnh hội những đức tính từ thầy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn của thời gian đầu mới nhận công tác, để sau đó hoàn thành tốt công tác Phụ trách Đội của mình, cũng như làm tốt công tác ở khối quản lý nhà nước thời gian sau này.

Thầy cũng là người luôn đưa ra những ý kiến để giúp tôi cùng Ban Giám hiệu làm cho bộ mặt nhà trường thay đổi ngày càng tốt hơn. Ngôi trường tôi công tác ngày đó đâu có được cơ sở vật chất khang trang như bây giờ. Khoảng sân rộng phía trước mùa nắng thì bụi đất bay mù mịch, ánh mặt trời chiếu vào nóng chịu không nổi.; mùa mưa thì lầy lội nên không có môi trường tốt cho các em học sinh vui chơi trong giờ ra chơi. Lúc đó thầy mới gợi ý cho tôi là nên liên hệ với những phụ huynh học sinh có cơ sở sản xuất đá để hỗ trợ đá đỗ khắp mặt sân trường; đồng thời cũng tìm những cây bàng, cây phượng về trồng xung quanh sân trường để tạo bóng mát.

Theo năm tháng cùng với sự trưởng thành của bao lớp học trò nhỏ thì những cây bàng, cây phượng cũng lớn lên vươn cành, xòe táng lá tỏa bóng mát khắp sân trường. Mỗi lần nhìn thấy học sinh được thoải mái vui chơi dưới bóng mát của những hàng cây, thầy với tôi không hẹn mà gặp là cùng biểu lộ một cảm xúc hài lòng tâm đắc trước một thành quả đạt được từ ý nghĩ của thầy phối hợp với người thực hiện là tôi.

Giờ có dịp quay lại trường cũ thấy lại khung cảnh xưa những hàng cây vẫn còn đó, vẫn vươn cao xanh tốt; chỉ có con người là kẻ còn người mất. Dù muộn nhưng tôi cũng đã đến thắp cho thầy một nén hương để tri ân một người thầy, một người đồng nghiệp đã chỉ dẫn và cùng chia sẻ những vui buồn, những khó khăn trong những năm tháng tôi mới bước chân vào ngành Giáo. Tôi tin rằng tác phong nhân cách của thầy vẫn còn lưu giữ mãi trong ký ức của những thầy cô giáo đã từng làm việc chung với thầy. Xin nói lời chào vĩnh biệt thầy và cầu chúc thầy một giấc ngủ bình yên mãi mãi nơi cõi vĩnh hằng.              

                                                                                                                                                 Mai Tấn Định

Cô chủ nhiệm của tôi

Tụi học trò “đội sổ” do tôi cầm đầu vốn nổi tiếng phá phách, nghịch ngợm nhất lớp. Chúng tôi vẫn thường lén truyền tai nhau câu “Nhất Xuyến, nhì Liên, tam Hường, tứ Tú” để trêu chọc sự nghiêm khắc, khó tính của những thầy cô dạy lớp, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm – cô Xuyến.

Mà cô chủ nhiệm lớp tôi khó thật. Bởi vậy, cô được nhà trường tin tưởng giao cho chủ nhiệm lớp “cá biệt” nhất của khối 11. Trong lớp, chỉ cần bạn nào nghỉ học không phép, cô mời phụ huynh ngay sau đó. Dù là lớp hay giật danh hiệu “nhất từ dưới đếm lên”, nhưng tiết học nào bị xếp loại B, C thì giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tụi học trò quậy phá như chúng tôi chỉ còn nước… cho gòn vào tai để “đối phó” với những “bài giảng đạo” của cô. Rồi những ai chẳng may đi trễ, vệ sinh lớp học không sạch hoặc quên mang bảng tên… rủi mà cờ đỏ đi trực bắt gặp ghi tên, trừ điểm thì coi như phải viết kiểm điểm. Công bằng mà nói, vì thương học sinh nên cô mới “quản” chúng tôi nghiêm khắc như thế. Tuy nhiên, trong suy nghĩ hạn hẹp của bọn tôi, cô khó tính một cách… quá đáng!?

Cho đến một ngày kia, mọi suy nghĩ không đúng về cô trong tôi đã không còn nữa. Hôm đó, tới phiên tôi trực nhật. Vì bạn ngồi cạnh bên nghỉ học nên tôi phải trực một mình. Do nhà xa, công việc lại nhiều nên tôi chỉ kịp quét lớp, đổ rác, lau bảng và lấy nước để thầy cô rửa tay. Hai tiết đầu tiên là hai tiết văn của cô chủ nhiệm. Biết cô khó tính, không sử dụng khăn lau bảng khô nên tôi tranh thủ 15 phút đầu giờ mà chạy đi giặt khăn. Xong đâu đấy, tôi đưa tay quệt quệt những giọt mồ hôi mà trong lòng cảm thấy vui vui. 

Đến khi cầm chiếc khăn lau bảng trên tay, cô hỏi cả lớp ai trực nhật mà chiếc khăn ướt nhẹp, lau bảng lâu khô. Tôi thưa mình trực rồi “ba chân bốn cẳng” lấy chiếc khăn chạy đi vắt nước. Vào lớp, nhìn vẻ mặt không vui của cô, tôi bắt đầu thấy sợ và hình dung ra những “kịch bản” mà mình có thể nhận lấy: bị phê bình trước lớp, trực nhật lại hay thậm chí là có thể viết kiểm điểm… Nhưng tất cả những gì đang vẽ ra trong đầu tôi đều không đúng với thực tế. Cô nhẹ nhàng cầm chiếc khăn lau bảng ướt, gọi tôi ra khỏi lớp và ân cần nói: “Lần sau em phải vắt thế này nó mới khô”. Cô còn cẩn thận bảo tôi đứng tránh xa để không bị ướt. Hành động của cô khiến tôi bất ngờ, cảm phục và xấu hổ vô cùng. Tôi xúc động, ân hận và xin lỗi cô vì đã chế ra câu tục ngữ châm biếm sự khó tính của cô.

Tôi đã học được một bài học quý giá ngoài giáo án của cô chủ nhiệm. Tôi biết ơn cô vì ngoài sự nghiêm khắc cần thiết, cô còn bao dung, yêu thương và dạy cho chúng tôi những điều hay lẽ phải từ những hành động nhỏ như thế.  

Lê Văn Xuân

Tình thầy

Tuổi thơ, ai cũng có một thời cắp đến trường, với biết bao kỷ niệm buồn vui bên bạn bè, thầy cô. Những hạnh phúc, yêu thương,buồn vui, hờn dỗi… luôn vẫn mãi là những ký ức ngọt ngào theo mãi suốt bên lòng, dẫu mai này khi lớn lên có đi đâu, làm gì tận chân trời góc bễ nhưng lòng cũng không thể nào quên cái thời áo trắng thân thương ấy được.

Ngày 20 tháng 11 lại về trong tiết trời se se cái lạnh đang bám níu bờ vai. Nhưng trên gương mặt của những tà áo trắng vẫn lộ rõ niềm hớn hỡ tươi vui khi trên tay mình là một cành hoa đến dâng tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam - một cử chỉ đẹp thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, biết quý trọng những người không ngại gian lao mà đưa mỗi chúng ta về đến bến tương lai sự nghiệp.

Nhìn những tà áo trắng tung tăng ngang qua ngõ, làm tôi không khỏi chạnh lòng mà nhớ về thời đi học của mình. Và lại càng thấy nhớ người thầy cũ của tôi hồi năm còn học cấp một.

Ngôi trường vách lá đơn sơ nằm lọt giữa màu xanh xứ cồn chính là nơi dung dưỡng bao ước mơ của những đứa học trò vùng quê nghèo khó. Gia đình tôi là một điển hình về cuộc sống luôn túng thiếu, vất vả. Hằng ngày ba mẹ phải thức sớm đi làm, có hôm làm ở xa nên tới chiều tối mới về nhà.

Tôi ngày hai buổi đến trường. Chỉ có việc ăn rồi học vậy mà lo vẫn không xong. Nhớ những hôm ba mẹ không về buổi trưa, vậy là tôi tự tìm nồi vo gạo, nhóm lửa, rồi nấu cơm. Nồi cơm của tôi bữa thì nhão, bữa thì khét, bữa thì nửa sống nửa chín, vậy mà vẫn no bụng như thường để đi học. Có hôm trời mưa, củi ẩm ướt, nên bếp bốc đầy khói. Tôi phải vừa canh lửa vừa ngồi bên cạnh để học bài. Có lần tay lấm lem lọ nồi, lỡ cầm vào quển tập học, vậy là có thêm nỗi lo sợ khác. Sợ khi vào lớp thầy kêu lên trả bài mà thấy quyển tập dính lọ chắc thầy sẽ quở phạt!

Giờ trả bài, tim tôi cứ đánh thình thịch, sợ thầy gọi trúng tên mình. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Thầy gọi tôi lên trả bài. Bài thì tôi thuộc không có vấn đề gì. Nhưng khi thầy nhìn vào quyển tập thì tôi lại lo sợ tiếp. Thầy hỏi: “ Tại sao tập em lại như thế này?”. Tôi lí nhí thưa: “ Dạ thưa thầy, hôm nay ba mẹ em không có về nhà nên em vừa học bài vừa tự nấu cơm. Lỡ tay dính lọ rồi cầm vào quyển tập nên…”. Thầy lặng thinh không nói gì rồi cầm viết cho tôi “điểm 10” rồi bảo: “ Em về chỗ đi!”. Vậy là bao nhiêu nỗi lo sợ đã biến thành niềm vui và hạnh phúc khi nhìn điểm 10 đỏ chót của thầy in vào quyển tập của tôi.

Tan học, trên đường về chung đường với thầy, tôi thỏ thẻ: “ Thầy ơi, sao hôm nay tập em bị dơ mà vẫn được điểm 10 vậy thầy?”. Thầy nói: “Em xứng đáng mà, vì thầy hiểu cuộc sống khó khăn của gia đình em. Chính thầy cũng là người từng sống trong hoàn cảnh khó khăn nên thầy rất hiểu và cảm thông  với những đứa học trò nghèo”.

Lên cấp hai, tôi chuyển trường đến học một nơi khác. Đến từ giả thầy, thầy siết chặc tay tôi rồi dặn dò: “ Hãy cố gắng em nhé! Thầy tin tưởng ở em”.

Mỗi người thầy, người cô sau này đều đem đến cho tôi những kiến thức mênh mông, những ý nghĩ cao quý để tìm về tương lai. Nhưng tình cảm của thầy thì tôi vẫn mang theo mãi.

Ngày tháng học sinh giờ đã trôi vào kỷ niệm với biết bao luyến lưu và nhung nhớ về bè bạn, thầy cô… Nhưng đọng mãi trong tôi là “con điểm 10” mang theo cả niềm hạnh phúc mà thầy đã cho tôi hôm ấy.

Giờ tôi không còn được gặp lại thầy nữa, nhưng trong lòng tôi mãi mãi vẫn nhớ về người thầy đáng kính của mình!

Đường Lãng Du

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo