Viết cho người ươm nắng

(VOH) - Em nhớ rõ lắm về một “người thầy” mà em thương mến nhất suốt thời cấp một. Đó là cô giáo chủ nhiệm năm lớp 4 của em. Em nhớ cô có giọng nói ngọt ngào nhưng vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Cô hay chở em mỗi khi bắt gặp em lội bộ chặng đường hai cây số từ trường về nhà. Cô hay gọi em ra góc sân trường, dúi vào tay em những cái áo cũ nhưng luôn thơm thơ, sạch sẽ, vì cô biết em chỉ mặc mỗi một cái áo đến trường.

Viết cho người ươm nắng

Em đứng nhìn dòng sông trôi êm

Nắng hắt bóng hoàng hôn trên mặt nước

Thấp thoáng những chuyến đò xuôi ngược

Tự nhiên em chạnh nhớ về thầy…

Những câu thơ ấy, em đọc từ lâu lắm rồi. Tưởng rằng đã quên, vậy mà sáng nay vẫn trở lại, rõ rệt từng câu từng chữ trong đầu, khi em nghĩ về những người thầy đã nâng bước cho em…

Em nhớ rõ lắm về một “người thầy” mà em thương mến nhất suốt thời cấp một. Đó là cô giáo chủ nhiệm năm lớp 4 của em. Em nhớ cô có giọng nói ngọt ngào nhưng vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Cô hay chở em mỗi khi bắt gặp em lội bộ chặng đường hai cây số từ trường về nhà. Cô hay gọi em ra góc sân trường, dúi vào tay em những cái áo cũ nhưng luôn thơm thơ, sạch sẽ, vì cô biết em chỉ mặc mỗi một cái áo đến trường. Cô hay gọi mẹ em tới nhà, phụ làm cái này cái nọ, để mỗi khi trả công cho mẹ, cô luôn kèm theo một gói bánh, một mớ rau. Và ngay cả khi em đã lớn khôn, mỗi lần về thăm cô, cô đều hỏi han công việc, đều dặn em phải chọn đúng đường đi. Với bạn bè, cô là một cô hiệu phó, một cô chủ nhiệm dữ dằn, đáng sợ. Nhưng trong tim em, cô lúc nào cũng dịu hiền như đất quê hương, gần gũi và thân thương như gió trời quê ngoại…

Em nhớ rõ lắm về hai người thầy đã in dấu trong em suốt những năm tháng cấp hai. Đó là một người thầy tận tụy và am hiểu tâm lí học sinh. Đó là một người cô có giọng hát thánh thót như sơn ca và đôi bàn tay mềm mại. Thầy giáo ấy là người đã thức cùng em suốt đêm lửa trại năm ấy, đã kể chuyện đời thầy để soi chiếu vào đời em, đã vực em dậy trong những khi em hoang mang tuyệt vọng. Cũng chính thầy đã chở em đi suốt một chặng đường năm mươi cây số để nhận học bổng cho học trò nghèo. Hôm ấy trời mưa, thầy nhường hết phần áo mưa che cho em khỏi ướt. Và cũng chính người thầy ấy đã đưa em về ngôi trường mà thầy đang dạy để em thử tay nghề, đã dắt em trao tận tay các anh chị đồng nghiệp ở chung trong khu tập thể năm ấy và dặn dò họ chăm sóc cho em từng chút một. Ngày chia tay, thầy vẫn khắc khoải, sao mới hội ngộ chưa lâu mà em đã chia xa? Thầy ơi, lần nào nhớ lại, em cũng rưng rưng xúc động.

Và cô giáo mà em nhớ, là cô giáo đã dạy em năm lớp 8 rồi sau đó chia xa. Suốt những năm cấp ba, cô vẫn luôn viết thư cho em, vẫn luôn đón nghe chương trình văn học mà em hay cộng tác. Chính cô cũng là người chờ em ở chợ, dẫn em đi khoe khắp các gian hàng của người quen khi em báo tin mình đậu đại học và sẽ nối tiếp nghề nghiệp của cô. Em nhớ, cô đã cầm tay em bằng đôi tay rất mềm ấy, rồi tự tay lựa mua cho em một đôi dép làm quà. Đôi dép ấy em đã đi suốt năm đầu đại học. Giờ, đã mười năm trôi qua, em không còn giữ nữa. Nhưng bàn tay nâng bước của cô, chẳng bao giờ em có thể quên…

Và, em cũng nhớ rõ lắm về hai người thầy đã in dấu trong em suốt ba năm thời áo trắng. Đó là cô giáo chủ nhiệm của em năm lớp 12. Cô đã nhớ mặt em từ khi về trường em gác thi lớp 9. Lên cấp ba, em về trường cô, và được cô dạy dỗ, yêu thương. Em nhớ, cô đã chở em đi chơi với lớp, đã nhắc cho em nhớ những khó khăn khi chọn nghiệp trồng người. Em nhớ, cô đã rưng rưng khi cùng cả lớp ngồi nghe em đọc bài cảm nhận “Sống mãi tuổi hai mươi”, đã rạng rỡ nụ cười khi các bạn vây quanh em cùng reo hò khi lớp mình giành giải chung cuộc. Và em cũng nhớ, cô đã biến cái trò chơi mà em hay bày ra cho các bạn trong lớp chơi thành một hình thức để ôn thi tốt nghiệp cho toàn trường. Ngày em tốt nghiệp đại học, rồi nộp đơn xin việc, cô cứ thao thức mong chờ. Nhưng em đã không về, không có dịp đồng hành cùng cô trên cùng một bục giảng. Nhưng lần nào về thăm cô, em cũng nhận được yêu thương.

Và người thầy của một thời cấp ba khó quên, là thầy giáo dạy văn của em năm em học lớp 10. Có lẽ, đó là người thầy để lại trong em nhiều kí ức nhất về những bài giảng say mê, về cách mà thầy trò chuyện, và cả những lần em bật khóc vì thầy. Thầy dạy em một năm, nhưng vẫn dõi theo em những tháng năm sau đó; vẫn băn khoăn buồn khi thấy những trang viết của em bỗng sáo rỗng, khô khan; vẫn dành cho em những dòng chữ chân thành, gói trong lưu bút tím; vẫn cười thật tươi khi thấy em đạt được cái gì đó, dù là rất nhỏ thôi. Ngày chia tay, thầy lấy xe đạp chở em đi dạo một vòng sân trường, cố chạy thật chậm để em ngồi sau thỏa sức mộng mơ. Câu chúc mà thầy dành cho em ngày ấy, “hãy là hoa thơm ngát, là núi vững vàng”, bây giờ em vẫn dành để chúc lại những học trò mà em yêu thương nhất.

Khi trở thành cô giáo, em được đón nhận về một ngôi trường có truyền thống hiếu học và luôn đề cao đạo nghĩa ân sư. Ở đó em mang ơn hai thầy hiệu trưởng đã cho em cơ hội. Ở đó em có một tập thể lúc nào cũng xem nhau như gia đình. Ở đó em có những thầy cô đã hướng dẫn, chỉ bảo cho em những tháng ngày thực tập. Và kể từ đó đến bây giờ, luôn có những thầy cô chân thành và thẳng thắn góp ý cho em để em tiến bộ hơn. Em hạnh phúc khi có những người thầy như vậy đồng hành trên bục giảng.

Trong những năm tháng cắp sách của em, trong những tháng ngày em trở thành người đưa đò như mơ ước, đã có biết bao người thầy nâng bước, vỗ về, thậm chí la mắng, giận hờn em. Nhưng tất cả đọng lại trong em, luôn là những yêu thương rất ngọt. Giờ đây, hai người thầy trong số đó đã mãi mãi nằm yên. Những thầy cô còn lại, em biết, vẫn dõi theo em từng bước một, vẫn vui buồn chia sẻ cùng em mỗi khi em vấp váp, lỗi lầm. Những người thầy ấy, đã làm cho em hiểu thật cụ thể, thật rõ ràng về câu hát “Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trên đường đời”. Em hạnh phúc biết bao khi có những người thầy ươm nắng.

Giờ đây, em cũng đã là một người thầy. Ngày 20/11, em cũng có biết bao học trò vây quanh, chúc mừng, trân trọng. Em thấy mình hạnh phúc, mà vẫn có lỗi lắm với học trò, khi em chưa làm được nhiều hơn hiện tại. Nhưng em hiểu một điều, và luôn tự dặn mình một điều. Rằng, trên đường đi của một nhà giáo, hãy luôn tin và yêu học trò, trái tim học trò là nơi mà hạnh phúc của người thầy nằm sâu nhất và cũng ở lại bền lâu nhất…

Nguyễn Thị Lâm

Chuồng câu lẻ loi

Những buổi tối im vắng, nằm trên tầng áp mái của một căn nhà cổ đã có hàng trăm năm từ thời Pháp, tôi thường có cảm giác rất nhớ nhà. Tưởng như đây là một tổ chim câu cúc cu khổng lồ và tôi là con chim bồ câu cô độc sống lẻ loi một mình.

Tôi có một cái đèn cũ kỹ, chẳng biết được sản xuất từ đời nào vì mọi nhãn mác đều đã mờ. Tôi tìm được nó trong một lần đi ngang khu phố chuyên bán đồ cổ, thấy thích và vào hỏi mua với cái giá không hề rẻ so với  một sinh viên nghèo như tôi. Tôi treo nó ở cửa sổ. Cứ mỗi tối, tôi lại bật nó lên và nhìn ngắm say mê như một kẻ nô lệ mê đắm một nữ hoàng.

Tôi nhớ lúc tôi đem cái đèn này về, Hòa đã nhăn nhó: “Phí tiền quá, ở trọ trên tầng áp mái như thế này mà mua chi cái đèn tốn kém!”. Hòa, bao giờ cũng thế, hay càu nhàu trước những việc làm của tôi, tuy nhiên chưa bao giờ Hòa quay lưng với tôi cả. Nhớ có lần, tôi quyết định vơ vét hết số tiền ít ỏi của mình và cả của Hòa để chơi chứng khoán. Lúc ấy thì chứng khoán rầm rộ lắm chứ chưa hẩm hiu như bây giờ. Hòa chỉ khuyên: “Suy nghĩ kỹ đi, có khi mất trắng đấy! Tao tôn trọng quyết định của mày…”. Dĩ nhiên là tôi vẫn làm, tôi thắng liên tiếp, và tiếp tục lao vào say sưa. Rồi chứng khoán sụt thê thảm. Hòa vẫn không hề trách móc tôi dù trong số đó có hơn 70% là tiền tôi mượn của nó. Rồi những lần tôi bệnh nặng, cũng một tay Hòa chăm sóc và lo chi phí cho tôi mà chẳng hề tính toán gì. Tôi ái ngại, Hòa lại bảo Hòa có đi làm nên có tiền, khi nào tôi đi làm thì trả lại…Tôi biết cái mà tôi nợ Hòa không chỉ là tiền.

Từ cánh cửa sổ phòng tôi nhìn ra ngoài, những nóc nhà nối tiếp nhau, nhấp nhô như những đợt sóng hóa đá. Trong đầu óc của tôi, mọi thứ sống cô đơn,  chờ đợi, rồi cũng có ngày hóa đá…Tôi cũng đang cô đơn và chờ đợi. Nhưng không hề biết rõ mình chờ đợi cái gì…

Hòa bây giờ không còn ở đây nữa. Nhiều lúc, tôi cũng không thể nào nghĩ rằng sẽ có lúc tôi sống ở nơi này mà không ở cùng với Hòa, một người bạn quá thân mà tôi nghĩ đi tìm cả đời cũng không thể tìm thấy được người thứ hai tốt hơn thế.

Tôi cũng không biết vì sao tôi lại có thể chơi thân với Hòa. Chúng tôi học chung trường với nhau từ thời cấp II nhưng khác lớp. Lúc đó tôi khá nổi bật, còn Hòa cũng được nhiều người biết đến vì có nét đẹp rất lạ, nhưng lập dị, lúc nào cũng ù lì, ít nói.

Rồi chúng tôi cùng đậu một trường đại học, cùng học chung lớp rồi ngồi cạnh nhau, dần dà tôi và Hòa thân nhau khi nào chẳng rõ. Hòa không hề lạnh lùng và lập dị như vẻ ngoài mà là một người bạn rất tốt. Tôi có cảm tưởng như tôi và Hòa đã thân nhau từ rất lâu. Rồi chủ cũ yêu cầu tôi tìm chỗ ở mới, vì căn nhà đó bà sắp bán đi. Thế là Hòa bảo về ở cùng với Hòa, chính là chuồng câu cũ kỹ thân thương này.

Ở chung, tôi và Hòa càng thân hơn. Hòa có cuộc sống rất khác tôi, ít tiếp xúc bạn bè, không thích nơi ồn ào, không thích những sở thích của mọi người trẻ khác thích. Hòa hay đi cà phê một mình, làm gì cũng một mình. Bạn bè của Hòa là ai ngoài tôi, tôi cũng không rõ. Nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ Hòa nói về chuyện tình cảm của Hòa cho tôi nghe. Còn những chuyện của tôi thì không có gì Hòa không biết.

Như chuyện tôi nhiều lần thất tình. Những mối tình vụn vặt thời sinh viên cũng đủ làm tôi nhiều lần đau. Và những khi ấy, người duy nhất tôi có thể chia sẻ chỉ có thể là Hòa. Nó chở tôi đi dạo, đi nhậu, rồi tối về, tôi lại khóc rưng rức như một đứa trẻ. Tôi hỏi nó vì sao con người lại phải yêu, rồi tại sao phải có sự chọn lựa này hay chọn lựa khác…Nó chỉ cười, không đáp lại lời tôi. Mắt Hòa buồn vời vợi…Mãi sau này tôi mới hiểu ánh mắt buồn vời vợi đó khi Hòa ở gần tôi.

Hòa có thói quen xấu là thức rất khuya, hoặc thường thức giấc lúc nửa đêm. Nó ngồi ở cửa sổ mà tôi vẫn quen gọi là lối vào chuồng câu, đốt thuốc liên tục, vẻ mặt trầm ngâm. Có không ít lần tôi hỏi Hòa có chuyện buồn gì cứ nói, nhưng Hòa lắc đầu, bảo khi nào cần nói thì sẽ nói.

Và khi Hòa đi, tôi lại thường ngồi ở đó, châm một điếu thuốc ngắm nhìn cái đèn phả từng bụm khói. Rồi chợt nhớ những khi Hòa nổi hứng, sẽ lấy cây harmonica ra thổi. Tôi rất thích nghe tiếng kèn Hòa thổi, buồn và đẹp, cũng giống như con người của Hòa.

Thiên xuất hiện như một cơn gió mới, mang đến cho tôi nhiều điều kỳ thú. Lúc ấy tôi và Hòa vẫn còn ở cùng nhau. Thiên học chung với tôi lớp đàn guitar. Nhưng chúng tôi không nói chuyện gì nhiều với nhau, chỉ tập trung vào những sợi dây đàn và bàn tay của thầy giáo. Chỉ đôi lần, khi tay tê cứng vì mỏi buông xuống, nhìn sang thấy Thiên vẫn đang cắn răng kiên nhẫn bấm. Bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn, Thiên chỉ nở một nụ cười.

Đến tận tuần học thứ 3, khi ra về, Thiên chợt kéo tay tôi và hỏi: “Cà phê không?”. Tôi gật đầu.

Đó là quán cà phê nhỏ, có cây đàn piano ở góc quán. Thiên nói với tôi: “Em tặng anh một bản nhạc, xem như kỷ niệm lần đầu chúng ta đi chơi với nhau nhé!”.

Thiên đàn hay khiến tôi càng như bị mê hoặc. Hình ảnh Thiên suốt ngày ám ảnh tôi, thay thế cho tất cả những nỗi buồn về sự ra đi của Hòa. Rồi chúng tôi thường xuyên đi chơi với nhau hơn.

-         Chúng ta yêu nhau nhé!

Tôi khá ngạc nhiên vì Thiên lại mạnh dạn mở lời trước với tôi. Dĩ nhiên tôi rất vui mừng vì lời yêu cầu đó và đồng ý ngay. Quen nhau được gần một tháng hơn, Thiên nói với tôi: “Chúng ta hãy sống thử cùng nhau”. Lời đề nghị đó làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi từng quen nhiều người nhưng chưa bao giờ sống thử.

Tôi kể về Thiên cho Hòa nghe. Hòa không nói gì, bảo tùy tôi thôi, trước đây Hòa vẫn sống một mình. Hòa cười nhạt:

-         Con người rồi cũng phải có lúc đứng trước lựa chọn này hoặc lựa chọn khác! Cứ lựa chọn đi rồi lại bước tiếp…

Mấy đêm liền, tôi cứ trằn trọc mãi, nếu sống thử cùng Thiên, tôi sẽ không còn ở chung với Hòa nữa. Tự nhiên lại thấy mình ích kỷ nếu chọn lựa người yêu và để Hòa ở lại.

Hôm ấy, tôi đi học về, chị tạp hóa thuê tầng dưới hỏi: “Hòa dọn đi rồi, nó gửi lời chào chị…Sao em không về tiễn nó! Thấy nó có vẻ rất vội”.

Chỉ cần nghe có thế, tôi đã chạy như bay lên tầng trên. Mở toang cửa và nhận thấy Hòa chỉ mang đi những thứ quan trọng như quần áo, laptop…Những thứ linh tinh khác Hòa đều để lại.

Vừa lúc đó thì điện thoại báo có tin nhắn. Là của Hòa. “Hòa nghĩ Hòa nên ra đi. An cứ làm những điều mà An cảm thấy hạnh phúc. Hòa chỉ sợ ở lại lâu thêm, Hòa không thể nào dằn được nữa tình cảm của mình với An. Hòa sẽ ra đi, và tìm chính mình ở đó. Chúc An hạnh phúc”.

Tôi run run đọc đi đọc lại tin nhắn của Hòa nhiều lần. Tôi bấm nút gọi lại cho Hòa nhưng chỉ còn tiếng ò í e vô nghĩa. Ngực trái tôi như có ai đang bóp nghẹt. Tôi không hiểu cảm giác đó gọi là gì. Tôi bắt đầu nhớ lại tất cả những gì mà Hòa đối với tôi trong khoảng thời gian qua, từ việc quan tâm chăm sóc, đến ánh mắt buồn vời vợi  mỗi lần tôi đề cập đến chuyện tình cảm của Hòa, và cả thói quen đốt thuốc lúc nửa đêm.

Nước mắt tôi hốt nhiên chảy ra không ngừng.

Hòa đã làm hồ sơ bảo lưu ở trường từ lúc nào tôi không rõ. Đi học nhưng nhìn chỗ cạnh bên không còn Hòa nữa, làm lòng tôi cảm thấy trống vắng vô cùng.

Và từ hôm Hòa dọn đi đến giờ, vẫn không hề có thêm một tin nhắn nào cho tôi. Tôi cũng không biết nếu có nhận được tin nhắn khác của Hòa thì sẽ phải đáp trả cái gì.

Sự biến mất của Hòa làm lòng tôi hẫng hụt đi cũng không hiểu vì sao. Vì phải rời xa một cái gì vốn dĩ đã quá thân thuộc với mình, vì mất đi một người bạn, hay vì một điều gì khác nữa. Chỉ biết rằng những chiều ngồi một mình trong căn phòng này, tôi thực sự rất nhớ nó. Một nỗi nhớ cồn cào, day dứt, lạ lùng.

Từ ngày Hòa đi, Thiên cũng hay lên thăm cái chuồng câu của tôi. Sự có mặt của Thiên ít nhiều làm cho tôi cảm thấy bớt cô đơn. Nhưng từ bao giờ, tôi lại có thói quen thức khuya hoặc thức giấc  nửa đêm, ngồi đốt thuốc ở cửa sổ. Thiên bảo đừng ở lại nơi này nữa. Tôi không đáp, trong đầu là một sự  trống rỗng vô nghĩa.

Tôi quyết định rời khỏi chuồng câu. Nơi tôi đã có quá nhiều kỷ niệm giữa tôi và Hòa. Tôi chấp nhận lời đề nghị của Thiên.

Chúng tôi sẽ sống thử cùng nhau ở một nơi khác, có thể không đặc biệt như cái chuồng câu này, nhưng chắc chắn nơi đó sẽ không có dáng dấp của Hòa. Nơi mới sẽ đẹp hơn, hiện đại hơn, và quan trọng hơn là có Thiên ở đó. Hòa thì vẫn chỉ là Hòa, là quá khứ mà thôi.

Và cả hai sống với nhau như vậy cho đến khi ra trường, và tìm được một việc làm ổn định. Nhiều lúc tôi cũng không nghĩ là Thiên và tôi có thể giữ được mối quan hệ này lâu đến thế khi không ít lần chúng tôi có những bất đồng.

Một ngày, Thiên nói với tôi Thiên muốn kết hôn. Cũng giống như cái ngày Thiên đề nghị cả hai quen nhau, rồi về sống thử cùng nhau. Thiên đã hai bốn. Và thời gian sống thử cũng đủ để Thiên biết được tôi là một chàng trai tốt mà Thiên có thể nương tựa.

Thực sự, sống với nhau ngần ấy thời gian, tôi đã xem Thiên như vợ của mình. Nhưng trước yêu cầu kết hôn của Thiên, lòng tôi lại đột nhiên có một cái gì đó rất khó gọi tên. Hình ảnh Hòa hiện ra trong đầu mà tôi cũng không biết vì sao. Thời gian qua, Hòa gần như đã là một cái gì rất mờ nhạt. Tôi ngần ngừ không trả lời. Thiên nhìn tôi, hỏi lại:

-         Anh không muốn kết hôn cùng em sao?

-         Không phải…Chỉ là anh hơi bất ngờ…

Anh chưa chuẩn bị tâm lý cho việc này!

-         Thế thì bây giờ anh hãy bắt đầu chuẩn bị tâm lý đi! Em đã nói với mẹ rồi, mẹ em cũng đã đồng ý…

Tôi không nói gì, tôi ậm ừ, bảo là cho tôi chút ít thời gian. Rồi tôi rời nhà ngay khi vừa về tới. Chẳng hiểu vì sao lúc đó tôi lại làm vậy. Tôi còn nhớ ánh mắt buồn bã của Thiên nhìn tôi trước khi tôi rời đi.

Tại sao tôi lại ngần ngừ trước lời đề nghị đó của Thiên? Tại sao tôi lại nghĩ đến Hòa sau bao nhiêu năm gần như quên lãng? Cảm tưởng như Hòa chưa bao giờ bị lãng quên trong tôi, mà đó chỉ là một chuyện buồn mà tôi không muốn nhắc đến và cố tình không nghĩ đến.

Tôi đã đi qua rất nhiều con phố. Và không hiểu sao tôi lại trở về chuồng câu năm nào như một sự vô thức. Khi dừng xe lại thì thấy mình đã đứng ở đó. Mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Vẫn màu vôi vàng quen thuộc cùng những khung cửa gỗ nhạt màu cũ kỹ. Tầng bên dưới có vẻ chị Hương bán tạp hóa ngoài chợ vẫn còn thuê vì nhìn vào trong tôi thấy rất nhiều hàng hóa dự trữ.

Tôi bước từng bước lên chiếc cầu thang quen thuộc. Cảm giác thân quen như chưa hề có cuộc chia ly nào. Vẫn tưởng như hai năm qua không hề diễn ra, tôi vẫn đang sống ở đây. Khi bước lên đến tầng trên chuồng câu quen thuộc của tôi, tim tôi đập nhanh vì biết rằng có người đang sống ở đây. Mấy loài hoa tôi từng thích giờ được trồng trước cửa rất tươi tốt. Người biết được điều này thì chỉ có một người. Tôi hồi hộp gõ cửa.

Cánh cửa bật mở. Tôi lặng người. Người đối diện tôi cũng lặng đi. Là Hòa. Tôi nhận ra Hòa ngay dù giờ Hòa đã có nhiều thay đổi so với ngày xưa. Cả hai nhìn nhau mà chẳng ai nói được lời nào. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu điều tôi cần nói nhưng chẳng hiểu sao cứ nghẹn ứ ở cổ.

Tin nhắn Hòa gửi cho tôi năm nào như in lên giác mạc: “Hòa sẽ đi xa, và tìm thấy chính mình ở đó!”.

Đứng trước mặt tôi lúc này vẫn là người bạn của tôi, mang nét đẹp hiền lành, chỉ khác là bây giờ đó là một cô gái….

Nguyễn Huy Cường

Từ Huy “cận” đến Huy “chân gỗ”

Lớp sĩ số 45 người, có đến 16 người mang mắt kính.  Anh Huy không nằm trong số ấy, vậy mà cả lớp chỉ có mình Anh Huy bị gọi “cận”. Biệt danh này từ năm 11. Hôm ấy học bài Tràng giang, cô Giang Hương gọi Huy đọc bài: “Mời bạn Huy không cận đọc tác phẩm của nhà thơ Huy Cận nào!”. Thế là từ đó Huy được bạn bè trong lớp gọi bằng biệt danh ấy.

Mang biệt danh giống một nhà thơ nhưng từ hồi nào đến giờ, Huy chẳng làm nổi một câu thơ. Trong tất cả các môn, môn văn là Huy tệ nhất. Hình như nó cũng thuộc nhóm tệ nhất lớp ở môn này. Nói hình như là bởi vì Huy thường lờ đi, không bao giờ cố đi tìm câu trả lời chắc chắn về việc đó. Huy hay tự an ủi là “mình với môn văn không có duyên”. Bài viết làm văn của Huy lúc nào cũng năm, rồi năm rưỡi, rồi năm bảy lăm. Hiếm khi nào Huy có điểm sáu. Thế nên mỗi khi cô phát bài, cứ trên năm điểm rưỡi là nó mừng như tết, cười toe toét, khoe hết bàn trên đến bàn dưới, cứ như là đã đạt mục tiêu lớn của cuộc đời rồi. Tính nó vốn vậy, rất hay… lạc quan và luôn biết… tự bằng lòng. Nếu hỏi nó “điểm bét thế này, mai mốt sao xét học bạ vào đại học được”, nó sẽ lại trả lời tỉnh khô: “Không sao, 10 phẩy ba mônToán, Lí, Hóa là kéo được chớ gì”.

Sự nổi tiếng đến với Huy rất bất ngờ, bất ngờ hơn nữa là nó không hề liên quan tới việc Huy học giỏi Toán hay học Văn quá làng nhàng mà nó lại xuất phát từ cái loa di động có tên là Phạm Uy Lạc Đế.

Quả là khó tin nhưng chính xác là như vậy: Phạm Uy Lạc Đế là tên một đứa con gái. Một đứa con gái mang tất cả từ đặc điểm ngoại hình cho tới tính tình đều y xì như cái tên không bao giờ đụng hàng của nó. Cứ lên trang Hoàng Hoa Thám confession mà hỏi: “ Có ai biết bạn Phạm Uy Lạc Đế 12a1  không ạ? ” thì ngay lập tức status này sẽ nhận được cả nghìn lượt share vì sẽ không ai tin được trên thế giới này mà lại vẫn còn một kẻ không biết đến Lạc Đế A1. Dù rằng Lạc Đế không phải là thành viên Ban Chấp Hành Đoàn trường hay chủ nhiệm câu lạc bộ H2T, hay bất kì một chức danh nào, nhưng có một chân lí luôn đúng-không-cần- kiểm-chứng đó là: “cứ ở đâu có đám đông, ở đó có Lạc Đế”. Và tất nhiên, trong đám đông nhộn nhạo ấy, nó luôn là trung tâm.

Lần đó, trường tổ chức Giải Bóng đá mừng 20-11 thường niên. Nhưng tất cả học sinh trong trường đều tự nhất trí với nhau, gọi đó là Giải H2T- league một cách cực kì chuyên nghiệp. Giải khởi động từ ngay bắt đầu tháng 11, đá vào tất cả các buổi chiều sau giờ học. Chẳng biết xui rủi thế nào, 12A1 bốc thăm vào bảng D, phải đá ngay trận đầu gặp 12A3- lớp đương kim vô địch năm ngoái. Trận đấu, khỏi cần nói, vô cùng kịch tính. Trong sân các cầu thủ  kèm nhau kè kè vì đã quá hiểu đối thủ, bên ngoài thì đám cổ động viên quá khích so nhau từng tiếng hét. Lạc Đế, chẳng biết bằng cách nào, đã xin được cô Hằng cho nó bình luận trận này bằng hệ thống loa nhà trường. Nó đã tỏ ra là một bình luận viên rất công tâm khi không nghiêng hẳn về phía lớp mình. Lúc còn 3 phút nữa hết giờ, tỉ số vẫn là 0- 0 thì Huy nhận được bóng từ Thành Hưng. Huy cố hết sức, băng lên rất nhanh. Cổ động viên ùa theo, reo hò như vỡ chợ. Đến sát khung thành, Huy sút thật lực. Quả bóng bay… vọt xà ngang trước cặp mắt ngỡ ngàng của tất cả cổ động viên.

Sau mấy giây, trên loa trường, giọng oang oang của Lạc Đế phá tan bầu im lặng: “ Mời các bạn xem lại pha quay chậm tình huống vừa rồi. Huy cận đã nhận được bóng,  anh ấy đã dẫn bóng bằng tốc độ của Romario, qua người như Ronaldinho,  đứng trước cầu môn hùng dũng như Rivelino và sút như… zê-rô. Vâng, thưa các bạn, anh ấy đã sút như một nhà thơ, sút thẳng vào …không trung.  Khả năng “vô hiệu hóa… đồng đội” và  “biến bàn thắng thành… cơ hội” của Huy cận đã quá tầm tưởng tượng của chúng ta và xứng tầm thế giới. Anh quả là Đệ nhất Chân gỗ trong giải H2T- league năm nay”.

Trước lời bình loạn đó, đám cổ động viên và cả cầu thủ như quên mất nỗi đau, cười ầm. Chỉ có Huy là không cười nổi. Huy không hiểu rốt cuộc Lạc Đế thuộc phe ai. Huy cũng không nhớ mình đã đá tiếp như thế nào. Trận đó, A1 đã phải thắng nhờ may mắn trong loạt penalty.

Ngay cả hôm đá tứ kết, gặp 12A6, thủ môn Đức Thắng bị sốt, không thi đấu được, Huy phải thay nó làm thủ môn. Vậy mà cái loa di động đó  vẫn vu khống : “Trong đội hình ra sân hôm nay, do thể hình béo khỏe béo đẹp, Huy cận được đặc cách làm thủ môn. Với “tiết diện” chiếm hơn 30% cầu môn,  chúng ta tin rằng anh ấy có nhiều ưu thế rõ rệt trong việc dùng…mỡ cản phá penalty. Nhờ thế, đôi chân gỗ huyền thoại của anh có lẽ sẽ không xuất hiện trong trận siêu kinh điển này ”.

Giải H2T- League kết thúc từ lâu nhưng Huy cận của 12a1 đã không còn là Huy cận. Giải bóng ấy đã khiến nó trở thành Huy chân gỗ nổi tiếng toàn trường. Bất chấp việc Huy được đã ghi được 6 bàn thắng, được trao Giấy khen là Cầu thủ xuất sắc nhất giải, Huy vẫn là Huy chân gỗ.

Nhưng Huy cũng không vì thế mà buồn lâu. Vì rằng nhờ sự nổi tiếng sau giài H2T – league đó, Huy đã gặp Hồng Lam. Đó là đợt kiểm tra lần 2 môn Toán.Tất nhiên, đề toán kiểm tra ở trường sao mà làm khó Huy được, nhận được đề, Huy làm một lèo là xong tất tần tật. Như mọi khi, nó nhìn quanh quất khắp phòng để xem các bạn cắm cúi làm mà… hãnh diện ngầm cho mình. Nhưng nó không phải là đứa duy nhất trong phòng đã làm xong bài. Ở bàn số 2 dãy ngoài cùng, Huy bắt gặp ánh mắt một bạn nữ. Đó là Hồng Lam. Hồng Lam học A2, thuộc đội tuyển Văn, cũng đã từng thi Olympic với Huy mấy lần. Nhưng hồi đó, Huy không tiếp xúc với bạn ấy bao giờ vì tính tình Hồng Lam hơi khép kín, ít nói. Hóa ra Hồng Lam không chỉ giỏi Văn mà cũng giỏi Toán nữa. Huy cười với bạn, ý bảo “Làm xong rồi hả?” Hồng Lam cũng cười gật đầu. Thế là biết nhau.Từ đó, Huy tiến bộ hẳn, tự giác khắc phục được tính đi trễ cố hữu của nó. Ấy là vì Huy phát hiện ra, Hồng Lam đi học rất sớm. Đi học sớm, cùng ngồi với Lam ở ghế đá dưới gốc me, nhìn mấy con chim gì nâu nâu nho nhỏ nhảy nhót trong sân, nghe Lam nói về Nguyễn Bính, về Xuân Diệu cũng hay lắm.  Huy tưởng như nếu quay về lớp 11, nó có thể trở thành học sinh giỏi môn Văn chứ chẳng chơi…

 Sau này Hồng Lam nói, Huy mới biết Lam cười với Huy là vì nhận ra Huy chân gỗ huyền thoại.Thôi thì, làm bạn với Hồng Lam là vui rồi, cần gì lăn tăn nguyên nhân. Mà cái biệt danh đó, tính ra, cũng đâu đến độ đáng ghét- Hồng Lam đã nói như vậy thì nhất định như vậy rồi.

Nhân Nguyễn

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo