Bác sĩ Trần Văn Sóng: Luôn nhớ những điều Bác dạy để phục vụ bệnh nhân tốt hơn

(VOH) - Làm bác sĩ cấp cứu là cái “nghiệp” mà bác sĩ Trần Văn Sóng đã dấn thân gần hai chục năm nay.

Biết là cam go, chịu nhiều áp lực, môi trường làm việc luôn căng thẳng nhưng vì muốn gắn bó với nơi được xem là đầu sóng ngọn gió của bệnh viện đã khiến cho vị bác sĩ sinh năm 1974 ấy quyết bám trụ lại. Bác sĩ Sóng chia sẻ, lúc mới vào bệnh viện Nhân dân 115 phỏng vấn xin việc vào năm 1999, đi cùng lúc với mình là một nhóm 4, 5 anh em nhưng quay đi ngoảnh lại cho đến nay, chỉ có mỗi bác sĩ là trụ lại với nghiệp làm bác sĩ cấp cứu. Năm 2017, bác sĩ Trần Văn Sóng  - Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp  - đã vinh dự được tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, bình chọn là tấm gương trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

VOH: Thưa bác sĩ, cơ duyên nào đã đưa bác sĩ gắn bó với vai trò bác sĩ làm công tác cấp cứu suốt mười mấy năm qua?

Bác sĩ Sóng: Thật sự lúc còn nhỏ cha mẹ ở vùng quê đi khám bệnh rất vất vả, mong muốn có người con theo ngành Y, và từ nhỏ mình đã nghe tâm sự, niềm ước mong của ba mẹ và mình quyết tâm học để theo đuổi giấc mơ này. Khi về bệnh viện, được vô Bệnh viện Nhân dân 115 là niềm vinh dự lớn lắm, và bệnh viện phân mình về đây, nơi đầu tiên là khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện. Lúc đó mình cũng lo lắm vì chưa có kinh nghiệm, rồi tay nghề chuyên môn, lại gặp nhiều bệnh nặng mình cũng sợ chứ nhưng rồi được thầy là tiến sĩ Đỗ Quốc Huy hiện là Phó Giám đốc bệnh viện truyền lửa yêu nghề làm cho mình mỗi ngày càng gắn bó với khoa sau này là khoa Cấp cứu. Có lẽ đây là cái duyên và cũng là nghiệp của mình, cho dù mình đi đâu thì cũng quay lại nơi này.

VOH: Được biết Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện đã chọn bác sĩ là tấm gương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vậy thì bác sĩ đã vận dụng việc học tập này vào cụ thể công việc là bác sĩ làm công tác cấp cứu như thế nào?

Bác sĩ Sóng: Thật sự đã từ lâu theo chỉ đạo cấp trên bệnh viện đã triển khai việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc cụ thể như chào cờ hằng tuần vào buổi sáng, rồi kể chuyện về Bác. Mỗi câu chuyện về Bác giúp chúng tôi rút ra rất nhiều bài học và từ đó động viên anh em làm theo. Phải nói bài học từ những mẩu chuyện của Bác rất giản dị, gần gũi và chúng ta thấy rằng nó rất thực tế hằng ngày trong môi trường làm việc của chúng ta. Nếu biết vận dụng đúng và phát huy thì chúng ta có thể làm được rất nhiều điều tốt cho mọi người. Ở trong khoa đặc biệt này, mỗi mẩu chuyện như thế anh em rất mong muốn được nghe, được học hằng ngày, do vậy chúng tôi luôn nhớ những điều Bác đã dạy để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn?

Bác sĩ Sóng đang khám cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu.

VOH: Là thế hệ đi trước, bác sĩ gửi gắm cho thế hệ sau khi bước chân vào làm nghề đặc biệt là bác sĩ cấp cứu thì nên có những đức tính và  phẩm chất như thế nào?

Bác sĩ Sóng: Là bác sĩ nói riêng cũng như là nhân viên y tế nói chung thì đầu tiên cần có là cái Tâm cái Đức, người không có Tâm và Đức có lẽ nên chọn việc khác vì đối tượng mình phục vụ là con người, do vậy nếu bác sĩ không có hai điều này thì rất khó làm được những chuyện lớn. Và những người như thế nếu người bệnh gặp phải thì cũng sẽ chịu thiệt thòi. Ở khoa Cấp cứu này, tôi rất mong, đã có nguyện vọng và được Ban giám đốc bệnh viện đồng ý là tất cả các bác sĩ trẻ khi về bệnh viện nên qua môi trường cấp cứu để các bác sĩ học hỏi, trao dồi kinh nghiệm, họ sẽ học được rất nhiều điều từ đây. Riêng bản thân tôi cũng rất thích được huấn luyện, đào tạo cho các bác sĩ trẻ vì nhớ từ bản thân mình, tôi đã may mắn được người thầy đi trước truyền lửa yêu nghề nên giờ đây tôi cũng mong muốn truyền tinh thần đó đến các em đi sau. Tôi luôn gần gũi, chia sẻ và hướng các em trẻ sau này hãy làm nghề với chữ Tâm chữ Đức./.

VOH: Xin cảm ơn bác sĩ!