Đường Kách mệnh-Làm Cách mệnh trước hết phải có người Cách mệnh

(VOH)- "Đường Kách Mệnh" là cuốn sách ghi lại các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927.

Công trình tiêu biểu cho sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nước thuộc địa nửa phong kiến. 

Những nội dung được Người nêu ra trong tác phẩm là những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam. Người đã xác định con đường cách mạng, giải đáp rõ ràng, rành mạch, chính xác, phù hợp những vấn đề đặt ra cho Cách mạng Việt Nam về giành độc lập, tự do, phát triển đất nước, đem ấm no hạnh phúc cho đồng bào. Tác phẩm đáp ứng yêu cầu khách quan của đất nước, lan tỏa vào công nông và các tầng lớp nhân dân, trang bị lý luận, tạo sự chuyển biến về tư tưởng, hành động, phát triển các tổ chức quần chúng, hình thành ba tổ chức cộng sản dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã phối hợp với Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Giá trị bền vững của tác phẩm "Đường Kách Mệnh" với việc thực hiện Chỉ thị số 5 của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TP HCM" vào ngày 30/8. Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 thành công, quốc khánh 2/9 và tưởng nhớ ngày Bác ra đi, VOH giới thiệu tham luận tại hội thảo của Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Cán bộ TPHCM

Cách mệnh trước hết cần phải có gì? Nguyễn Ái Quốc tự trả lời: Cách mệnh trước hết cần phải có đảng cách mệnh. Vậy đảng cách mệnh cần cái gì? Trước hết phải có người cách mệnh.

                                                                        Trích “ Đường Kách Mệnh”

Ngày 5/6/1911,Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên trẻ tuổi mang theo khát vọng: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta  (1)

Tháng 7/1920, báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp, số báo ra ngày 16 và 17/7/1920 đã đăng Sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã đọc Luận cương này và tìm ra chân lý của dân tộc: “Ngọn đuốc lý luận Mác-Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. (2)

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) với di huấn của Lênin: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga” (3). Nguyễn Ái Quốc muốn thành lập tổ chức của những người cách mạng Việt Nam để chuẩn bị cho công cuộc cứu quốc và Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam được thành lập. Một bước đi nhỏ nhưng sẽ tạo nên một con đường lớn của cách mạng Việt Nam trong tương lai.

Cách mệnh trước hết cần phải có gì? Nguyễn Ái Quốc tự trả lời: Cách mệnh trước hết cần phải có đảng cách mệnh. Vậy đảng cách mệnh cần cái gì? Trước hết phải có người cách mệnh.

Trong 3 năm (1925 – 1927), tại số nhà 250, đường Quang Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức 3 khóa huấn luyện cán bộ cho Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam.

Khóa 1 có 5 học viên. Khóa 2 có 15 học viên. Khóa 3 có 30 học viên. Tổng cộng có 50 học viên được đào tạo tại đây. Một căn nhà phố đơn sơ với những cầu thang gỗ chênh vênh, nhỏ bé. Những phòng nội trú chật chội, thiếu tiện nghi. Những khu sinh hoạt với những vật dụng tối cần thiết… để dành lại một phòng học khá khang trang với bục giảng và các dãy bàn ghế để học viên ngồi… 90 năm đã qua (1927 – 2017) nhưng những ai đã đến đây đều xúc động tưởng như mình đang được tham dự vào các lớp huấn luyện cán bộ được Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy.

Đường Kách Mệnh tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc.

Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các khóa huấn luyện này đã được tập hợp lại thành một cuốn sách và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1927 với tên gọi Đường Kách Mệnh. Hôm nay, cuốn sách nhỏ này đã được coi là 1 trong những tác phẩm kinh điển về lý luận chính trị của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm này làm chúng ta liên tưởng tới những kiệt tác của Mác và Ăng-ghen như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1847); Làm gì, Một bước tiến hai bước lùi của Lênin. Một cuốn sách nhỏ nhưng mở ra cả một sự nghiệp lớn để dựng Đảng, cứu quốc, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động ở nước ta.

Tác phẩm Đường Kách Mệnh với dung lượng trang không nhiều (bản gốc có 100 trang) đã trình bày 15 vấn đề: Tư cách một người cách mệnh; Vì sao phải viết sách này;  Cách mệnh; Lịch sử Cách mệnh Mỹ; Cách mệnh Pháp; Lịch sử cách mệnh Nga; Quốc tế; Phụ nữ Quốc tế; Công nhân Quốc tế; Cộng sản Thanh niên Quốc tế; Quốc tế Giúp đỡ; Quốc tế Cứu tế đỏ; Cách tổ chức Công hội; Tổ chức dân cày; Hợp tác xã.

Điểm nhấn đặc biệt trong bố cục này là Nguyễn Ái Quốc đã để lên đầu tiên nội dung “Tư cách một người cách mệnh”. Phải chăng, Nguyễn Ái Quốc đã kế thừa một cách xuất sắc tư tưởng của người xưa về dạy người, về phép tu thân dưỡng tính, đạo làm gương của các bậc chính nhân quân tử thời xưa, nhưng lại được thổi vào hồn cách mạng theo quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân: làm người tử tế để làm người cách mạng trung kiên, tận hiến.

Đề cập tới tư cách của một người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung vào 3 mối quan hệ lớn mà mỗi một con người nói chung và từng người cách mạng nói riêng phải ra sức phấn đấu, rèn luyện để không ngừng tự hoàn thiện.

Đầu tiên là đối với bản thân của từng người, Nguyễn Ái Quốc nêu ra 14 biểu hiện cụ thể về phẩm chất đạo đức, lối sống mà mỗi một người cách mạng phải đạt tới (cần kiệm; hoà mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật).

Ý nghĩa sâu sắc của vấn đề này mà Nguyễn Ái Quốc muốn đề cập là không có con người hoàn hảo nếu xét ở phương diện tư cách cá nhân. Đạo đức, những biểu hiện của tư cách chỉ có thể hình thành thông qua các giá trị cụ thể, định lượng, gắn với đời thường mà mỗi một con người là một bộ phận tương tác, vừa chịu sự chi phối, vừa góp phần tạo dựng và khẳng định những giá trị đạo đức đã được thừa nhận một cách phổ quát, phổ biến trong đời sống tinh thần của xã hội, cộng đồng, của số đông. Các giá trị này, người xưa coi đây là căn cốt để làm người.

Nguyễn Ái Quốc đề cập đến mối quan hệ đạo đức thứ 2 là với người (với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người). Đây là điều mà những giá trị đạo đức của từng cá nhân được khẳng định, được tôn vinh và những ai đạt được các giá trị đó, được mọi người thừa nhận, đề cao và góp phần hình thành uy tín, vị thế của từng người trong mối quan hệ với mọi người.

Nguyễn Ái Quốc đề cập đến mối quan hệ đạo đức thứ 3 là với việc (xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể). Mối quan hệ thứ 3 này không chỉ làm cho các quan hệ đạo đức trở thành hoàn hảo, mà nó còn là những giá trị thể hiện tính hữu dụng, khả thi mà đạo đức đem lại. Nói cách khác, nó là một biểu hiện thuyết phục sức mạnh mang tính động lực của đạo đức, đưa đến những kết quả phản ánh sự cải tạo đối với con người theo hướng chân – thiện – mỹ để cống hiến một cách hữu ích, đáp ứng những đòi hỏi thiết thực cho đời sống của xã hội, của cộng đồng mà trước hết là ở lĩnh vực văn hóa, những giá trị mang tính nền tảng tinh thần của xã hội.

Các đại biểu tham dự cuộc hội thảo khoa học "Giá trị bền vững của tác phẩm "Đường Kách Mệnh" với việc thực hiện Chỉ thị số 5 của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TP HCM" vào ngày 30/8/2017.. Ảnh Bảo Nghi.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao khi tập hợp những người thanh niên trí thức yêu nước Việt Nam đi làm cách mạng, Nguyễn Ái Quốc lại đề cập ngay tới tư cách của người cách mạng? Điều này có gì khác với nhận thức và cách làm của chúng ta hôm nay không khi ta thường đòi hỏi đầu tiên một người ngoài xã hội muốn tham gia vào tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở nước ta, ta thường đòi hỏi họ phải đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và rất xét nét về hồ sơ lý lịch.

Thử hỏi có tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào khi tuyển dụng nhân sự đặt ra sự quan tâm tìm hiểu các ứng viên về đạo đức lối sống của bản thân; về mối quan hệ con người của họ trong gia đình, cộng đồng, xã hội; về những cống hiến, đóng góp của họ tuy mới là bước ban đầu cho sự phát triển chung ở những lĩnh vực mà họ được đào tạo, làm việc trước khi gia nhập môi trường mới. Phải chăng, ta mới nhìn nhận đánh giá con người ở phần ngọn mà quên mất phần gốc của họ. Giữa gốc và ngọn, cái nào quyết định? Chắc là ai trong chúng ta đều hiểu.

Đề cập tới nội dung đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách Mệnh là “Tư cách một người cách mệnh”, cần bàn thêm một điểm đặc sắc là 23 biểu hiện cụ thể được Nguyễn Ái Quốc trình bày đều ngắn gọn, rõ ràng, không giải nghĩa vì mỗi một tư cách đó khi được nêu ra đã là một đòi hỏi mang tính chuẩn chất, thuyết phục đến mức không phải bàn cãi.

Nhìn lại trong thời gian vừa qua, nhất là từ thời kỳ Đổi mới toàn diện đất nước, mở đầu từ năm 1986 đến nay, các văn bản của Đảng, Nhà nước ta khi đề cập tới lĩnh vực đạo đức thường được trình bày, diễn giải một cách trừu tượng, khó hiểu, khó vận dụng vào từng lĩnh vực hoạt động của tổ chức và con người trong hệ thống chính trị; trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội; trong đảm bảo quốc phòng an ninh… Ví dụ, các bác sĩ, nhân viên ngành y tế chắc chắn sẽ thích lời căn dặn của Bác về ngành y “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền (4) hơn là 12 điều y đức mà ngành y tế đã quy định thành văn bản và yêu cầu mọi người trong ngành phải làm theo.

Không chỉ có công mở lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ tại số nhà 250, đường Quang Minh (Quảng Châu, Trung Quốc); không chỉ có công để lại những bài giảng mà sau này trở thành tác phẩm kinh điển về lý luận chính trị của cách mạng Việt Nam; Hồ Chí Minh còn có công để lại một phương thức rèn luyện con người một cách hữu dụng, khả thi, thực chất khi những học viên này, sau khi hoàn thành khóa học đã dấn thân vào con đường “vô sản hóa”. Họ đi thẳng vào phong trào đấu tranh yêu nước cách mạng của nhân dân, lăn lộn trong thực tiễn, trực tiếp đương đầu với những khó khăn, thử thách để rèn luyện, cống hiến và được thừa nhận là người cán bộ của phong trào.

Phần lớn các học viên sau này đều trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, kiệt xuất của Đảng ta, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của dân tộc như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hồ Tùng Mậu, Lý Tự Trọng…

Nghị quyết số 04, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10/2016) lần đầu tiên đã đề cập 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta. Nghị quyết đề cập tới 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những biểu hiện suy thoái của Đảng ta hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần Hồ Chí Minh, phương pháp luận Hồ Chí Minh đã được thể hiện đậm nét trong nghị quyết này. Nội dung cụ thể, rõ ràng, sâu sắc, đầy hơi thở của cuộc sống, không cần tranh cãi, bàn luận. Nó là những giá trị mang tính phản biện, cảnh báo, cảnh tỉnh những ai trong Đảng ta đang mang các bệnh tật này trong người mà không ai có thể tránh khỏi. Đây cũng là những liều thuốc đặc hiệu giúp cho từng người, mỗi một tổ chức trong Đảng tự “thấy bệnh trị bệnh” để cứu mình, cứu người.

Những tín hiệu tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (15/5/2016) cho chúng ta sự tin tưởng là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang tiến triển về chất. Những cá nhân, tập thể xuất sắc được biểu dương ngày càng nhiều. Một số cá nhân, tổ chức vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị phê bình, kiểm điểm, xử lý kỷ luật và kể cả xem xét các vi phạm theo những quy định của pháp luật, bất kể họ là ai, ở cương vị nào… đã góp phần lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Nếu như tại Đại hội XI (1/2011), Đảng ta lần đầu tiên đã đưa ra quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước thì tại Đại hội XII (1/2016), Đảng đã khẳng định phải hình thành cơ chế bằng pháp chế nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước. Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ tư BCH TW khóa XII đã xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các biểu hiện này, trong đó có “tham vọng quyền lực”, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ…

Mới đây, Quy định 90 của Bộ Chính trị ban hành ngày 04/8/2017 “về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” chỉ rõ một trong những tiêu chuẩn hàng đầu là “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Những Nghị quyết, Quy định của Đảng đã thể hiện quan điểm rất rõ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang là nhiệm vụ cấp thiết và phải tiến hành một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là nhấn mạnh về đạo đức cách mạng.

Một lần nữa, những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư tưởng của Người nói chung, trong tác phẩm Đường Kách Mệnh nói riêng lại tỏa sáng rực rỡ sau 90 năm tác phẩm này ra đời. Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, tác phẩm Đường Kách Mệnh không những là kinh điển mà còn là cẩm nang kỳ diệu của Đảng ta hôm nay để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thực chất, “cách mệnh trước hết cần phải có đảng cách mệnh”, “đảng có vững, cách mệnh mới thành công”.


(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 13.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb  CTQG, H.2011, T. 1, tr 9.

(3) V.I.Lê-nin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, 1975, tập 6, tr.162.

(4) Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Y tế 27/2/1955.

+  Tựa bài do VOH đặt. 

Tựa gốc: ĐƯỜNG KÁCH MỆNH – 90 NĂM TỎA SÁNG TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG CỦA NHÂN DÂN DÂN TỘC VIỆT NAM