Phát triển Kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là con đường tư bản chủ nghĩa

(VOH) - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phỏng vấn ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TPHCM về lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam.

Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới chỉ ra Đảng ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn khái niệm tổng quát về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn 30 năm đổi mới ở nước ta chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. 

*VOH: Thưa ông, phát triển nền Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một mô hình kinh tế tổng quát từ đại hội lần IX của Đảng đã xác định nhằm xây dựng phát triển đất nước. Khi thực hiện mô hình chưa từng có trên thế giới, có người cho rằng Việt Nam đang đi vào con đường phát triển tư bản chủ nghĩa phải không, thưa ông ?

Ông Nguyễn Thành Tài: Chúng ta biết rằng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững ...Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đó là nhận thức có giá trị định hướng, là căn cứ để tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước .

Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là quá trình phát triển liên tục; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta.

Theo đó, việc nghiên cứu, điều chình bổ sung, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta, không phải đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa mà là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

*VOH: Chúng ta phải mất đến 31 năm trong cuộc hành trình nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông điểm qua những cột mốc của quá trình này và tính tích cực trong việc phát triển kinh tế theo mô hình này ?

Ông Nguyễn Thành Tài : Đúng là chúng ta đã phải trải qua một thời gian khá dài cho nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường định hướng XHCN trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, khởi đầu từ Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với tư duy đổi mới toàn diện, cả về chính trị, kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng. Với nhận thức mới, tâm thế  mới và cách làm mới, đã khơi dậy được các tiềm năng sáng tạo và huy động được các nguồn lực từ trong xã hội cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vượt qua những khó khăn, thử thách, phá thế bao vây cấm vận, thoát nghèo, bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ Quốc.

Thông qua quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, bằng việc tổng kết, rút ra những bài học từ thực tiễn; kết hợp với việc nghiên cứu học tập kinh nghiệm về mô hình tổ chức, thể chế quản lý kinh tế của các nước trên thế giới, chúng ta từng bước nhận thức ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn, đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, của cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Cụ thể, tiếp đến Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ  VII, VIII, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẵng định rõ hơn như xác định nền kinh tế nước ta từ chỗ có 5 thành phần kinh tế đến có nhiều thành phần kinh tế; rồi từ Đại hội IX đến Đại hội XII, quan điểm của Đảng về vai trò, vị thế và định hướng phát triển của kinh tế tư nhân ngày càng được hoàn thiện.

Đảng xác định kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân đầu tư phát triển theo qui định pháp luật, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn…

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ vị trí then chốt và lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. DNNN tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu như: viễn thông, than, điện, xăng dầu, khai khoáng, tài chánh, ngân hàng và các dịch vụ công thiết yếu bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Cùng với cơ chế, chính sách của nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chánh sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chánh sách an sinh xã hội.

Những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

*VOH: Mô hình KTTT định hướng XHCN lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo nhưng với hơn 6.000 doanh nghiệp NN trước đây, nay chỉ còn hơn 740 đơn vị DNNN 100% vốn nhà nước, như vậy vai trò chủ đạo của DNNN thể hiện ở điểm nào khi nhìn vào bức tranh về DNNN còn mờ nhạt, yếu kém?

Ông Nguyễn Thành Tài : Như đã nêu, DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Tuy nhiên, như hội nghị TW 5 - khoá XII đã chỉ ra vai trò nòng cốt, dẫn dắt, tạo động lực của DNNN còn nhiều hạn chế; hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai minh bạch còn hạn chế. Việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai chậm, quá trình cổ phấn hoá còn nhiều yếu kém, tiêu cực và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được được giải quyết ...

Nguyên nhân của những tồn tại trên đây có nhiều, cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan được xác định là chủ yếu.

Để khắc phục hạn chế, yếu kém của DNNN như NQ TW 5 đã chỉ ra 5 điểm:

- Phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN; đẩy mạnh việc thể chế hoá và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng về DNNN; khắc phục những kẻ hở trong cơ chế quản lý, làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong quản lý điều hành doanh nghiệp DNNN.

- DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẵng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật ... Tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hoá, dịch vụ công ích.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN.

- Cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường theo quan điểm thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý .

- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN...

Kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

*VOH: Số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) của chúng ta với khoảng 900.000 DN có đăng ký và khoảng 500.000 có hoạt động nhưng có tới hơn 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn vào số lượng cũng như chất lượng hoạt động thì số doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả chưa cao. Vậy thành phần kinh tế tư nhân có thể là nền tảng, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước ?

Ông Nguyễn Thành Tài: Rõ ràng từ Đại hội IX đến Đại hội XII, quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và định hướng phát triển của kinh tế tư nhân ngày càng được hoàn thiện hơn. Đảng xác định kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân đầu tư phát triển theo quy định pháp luật, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là động lực của nền kinh tế.

Cho dù, hiện trạng kinh tế tư nhân còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển, cả về quy mô, năng lực canh tranh như NQTW5 đã chỉ ra nhưng nó không làm khác đi hoặc thay đổi đối với vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta như Đảng đã đánh giá.

Cụ thể, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và có tỷ trọng lớn trong GDP. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh trong GDP đạt 39,87% năm 2002 và 39,21% năm 2015.

Tỷ trọng đóng góp GDP luôn lớn nhất và ổn định ở mức khoảng  39- 40% ...thu hút đa số lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Năm 2002 DNTN thu hút 3.532 ngàn lao động, năm 2010 thu hút 7.476 ngàn lao động, tăng hơn 2 lần so với năm 2002. Toàn bộ khu vực tư nhân tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế.

Đồng thời, kinh tế tư nhân, nhất là các DNTN thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tỷ trọng nguồn vốn của các DNTN trong cơ cấu tổng lượng vốn đầu tư xã hội tăng qua các năm: năm 2000 chiếm 25,3%, năm 2010 chiếm 36,1% và năm 2015 chiếm 38,7% .

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trong vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta thì kinh tế tư nhân cũng bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém. Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém của DNTN có nhiều nhưng nguyên nhân chủ quan là chính :

- Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp. Đội ngũ doanh nhân mới hình thành và đang trong quá trình phát triển, hạn chế về năng lực quản trị kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.

- Nhiều vấn đề về phát triển KTTN chưa được làm rõ, cả về lý luận và thực tiễn. Thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập. Nhận thức chung về phát triển KTTN chưa được các cấp, các ngành, cán bộ, Đảng viên quán triệt sâu sắc, theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, thúc đẩy KTTN phát triển mạnh, thể hiện vai trò động lực quan trọng phát triển nền kinh tế nước ta như Hội nghị TW 5 của Đảng đã xác định :

- Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân.

- Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân như những điều kiện cần và đủ: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực.

- Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động .

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân…

*VOH: Việc phát triển nền KTTT sẽ dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chủ nghĩa tôn thờ vật chất, lối sống hưởng thụ ích kỷ, sự vô cảm trong xã hội… để giải quyết những vấn đề xã hội đi cùng với quá trình phát triển kinh tế, chúng ta cần làm gì?

Ông Nguyễn Thành Tài: Cùng với quá trinh phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững với phát triển xã hội bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội tham gia bình đẳng và thụ hưởng công bằng, thành quả từ quá trình phát triển.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, thống nhất; huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội thực hiện chính sách an sinh xã hội; khuyến khích người tự nguyện tham gia bảo đảm an sinh xã hội ...Tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

*VOH: Cảm ơn ông.