Trận Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca vang mãi

(VOH) - Trận “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại chiến dịch tập kích bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ là một trong những chiến công đầy khí phách, bất diệt được ví như bản hùng ca của dân tộc.

45 năm trôi qua nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn không  phai nhòa trong ký ức của người dân Việt Nam và nhất là người Hà Nội.

Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4-1972

Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4-1972.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có cuộc chiến tranh nào trên không như chiến dịch 12 ngày đêm vào cuối tháng 12/1972. Chiến thắng ấy để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, "sự chủ động, sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng” của lực lượng Phòng không không quân là bài học có giá trị to lớn trong quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển bộ đội phòng không-không quân sau này. 

Tháng 10/1972, theo thỏa thuận, lẽ ra giữa Việt Nam và Mỹ đã chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 đến ném bom thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc. Tổng thống Nixon có kế hoạch dùng máy bay B52 - con át chủ bài của không lực Hoa Kỳ - “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, hòng buộc phía Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm động viên bộ đội Phòng không Hà Nội, tháng 12-1972. 

Chiến dịch diễn ra vào những ngày cuối tháng 12/1972 chủ yếu là tập kích bằng máy bay B-52 trong suốt 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972), lực lượng vũ trang chính quy của ta phối hợp với dân quân của thành phố xây dựng lưới lửa phòng không độc đáo, nhiều tầng, nhiều lớp, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, 5 chiếc F.111, bắt sống 43 giặc lái lập nên một kỳ tích chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.

Đây là trận đánh quy mô cấp chiến dịch đầu tiên trên mặt trận đối không của quân đội nhân dân Việt Nam vốn còn non trẻ thời đó. Trong cuộc chiến không cân sức đó thì quân và dân miền Bắc, mà Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt. Các lực lượng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân lập nên thế trận phòng không nhân dân vững chắc làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng, các cơ quan trọng yếu ở Thủ đô Hà Nội và sâu xa hơn đã tạo nên cục diện mới trong công cuộc đấu  tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Lực lượng không quân Việt Nam ở thời điểm ấy còn rất mỏng. Có những lúc trên sân bay trực chỉ có 2 phi công, 2 chiến đấu viên. Nhiều đường băng bị địch dội bom làm hỏng, nhưng máy bay  của ta vẫn phải cất cánh để đánh chặn những đội hình B52 sắp vào Hà Nội. Với một tinh thần quyết bảo vệ Hà Nội dù lực lượng mỏng, gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết chiến đến cùng.

Sự quả cảm, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đã làm nên chiến thắng chấn động địa cầu. Làm cho các nước  phải ngạc  nhiên về chiến thắng kỳ tích của “Trận Điện biên phủ trên không”. Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, ngoại giao mà còn ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nghệ thuật quân sự.

 Máy điện thoại Phòng Bưu điện huyện Đông Anh, Hà Nội đã phục vụ xuất sắc đêm 18-12-1972. Đêm đầu tiên B52 Mỹ đánh vào Hà Nội.

Theo Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân là người chiến đấu trực tiếp trong suốt 12 ngày đêm, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là sự sáng suốt của Đảng, của Bộ chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B52 sẽ đánh vào Hà Nội nên có sự chuẩn bị lực lượng.

Nhờ có sự hợp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng đã tạo nên sức mạnh tổng thể. Chiến thắng đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi số máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là then chốt và hết sức quan trọng. Cụ thể, chỉ có 2 vệt bom B52 rơi vào nội thành (một vệt rơi vào Bệnh viện Bạch Mai và một vệt xuống phố Khâm Thiên), còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội được, giúp thành phố và các cơ quan trung ương gần như còn nguyên vẹn, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng này đã cho thấy một nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo, góp phần đánh bại bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Văn bản Hiệp định Paris của phái đoàn Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng trong định ước Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Chiến thắng  là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mãi mãi ghi nên những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Đó chính là nhờ:

Đảng ta đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh kế hoạch của địch, bảo đảm chủ động đối phó khi tình huống xảy ra.

Quân và dân ta luôn luôn kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng - là nhân tố quyết định giành thắng lợi.

Chiến thắng còn do biết phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp, xác định đúng đối tượng để tập trung tiêu diệt, đạt hiệu quả chiến đấu cao.  

Và cuối cùng chiến thắng là bài học về sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên thế giới. phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Cuộc sống của người dân Thủ đô sau khi Hiệp định Pari được ký kết năm 1972.

Có thể nói chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” khẳng định tầm vóc, ý nghĩa trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về sự chủ động, sáng tạo của quân và dân ta trong bảo vệ giữ vững bầu trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối với nước ta, hiện nay tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ hợp tác đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, tình hình chính trị-xã hội ở một số địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển, đảo còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng, Nhà nước, quân đội.

Tình hình trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học, kinh nghiệm quý của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.