"TP.HCM đóng góp lớn trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường"

(VOH) - Sau 40 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.

Nghe băng phỏng vấn:

Đặc biệt, từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Xung quanh nội dung này, phóng viên Đài TNND TPHCM phỏng vấn với PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing - Ảnh: BaoHaiquan.

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu mà thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong suốt chặng đường 40 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, kể cả đầu mối giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong suốt chặng đường đổi mới, TP.HCM đã đóng góp nhất định vào sự phát triển chung kinh tế đất nước. Trong đó, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của thành phố liên tục tăng cao, bình quân trong 10 năm là tăng trên 11%/năm, đóng góp trên 22% GDP của cả nước, 30% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, để đánh giá kỹ hơn thì chúng ta nhìn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Ví dụ, trong năm 2006, ngành dịch vụ chỉ chiếm 51,3% nhưng đến năm 2014 thì dịch vụ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng trong GDP là 59,6%, nông nghiệp chỉ còn khoảng dưới 1% và theo hướng đi vào nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thành phần kinh tế ngoài nhà nước năm 2006 chỉ chiếm 46,8% đến năm 2014 thì chiếm 59,7%. Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới,…

Để đánh giá đầy đủ hơn, cần phải kể đến các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, về công tác đền ơn đáp nghĩa.. đây có thể gọi là thương hiệu của thành phố - một thành phố văn minh, nghĩa tình.

* Theo ông, đóng góp quan trọng nhất của thành phố trong suốt chặng đường 30 năm thực hiện đổi mới là gì ?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ là TP.HCM sau 40 năm và đặc biệt là sau 30 năm của quá trình đổi mới thì đóng góp có giá trị nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Chúng ta có thể nhìn nhận ở một số điểm nổi bật, từ thực tiễn đời sống của TP.HCM, minh chứng cho nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần kinh tế, đó là con đường mà chúng ta giải phóng lực lượng sản xuất trong điều kiện từ một nước nông nghiệp lạc hậu để tiến hành công nghiệp hóa. Vào năm 1989, lúc đó chúng ta chưa có luật về doanh nghiệp tư nhân nhưng Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành các quyết định liên quan đến thí điểm loại hình doanh nghiệp tư nhân, về công ty TNHH, về công ty cổ phần,… để tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Lúc bấy giờ hoạt động về các tổ chức tín dụng, hợp tác xã tín dụng, quỹ tín dụng,… phát triển mạnh nhưng chưa có loại hình ngân hàng cổ phần. Do đó, TP.HCM cũng là nơi thí điểm thành lập ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên đó là Ngân hàng Sài Gòn Công thương vào năm 1987, sau đó là ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank thành lập năm 1989, tháng 1/1990 thì thành lập ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM.

Điều đáng lưu ý là lúc bấy giờ chúng ta chưa có Pháp lệnh ngân hàng, Luật ngân hàng, chưa có loại hình ngân hàng cổ phần, thì TP.HCM đã có 3 ngân hàng cổ phần đầu tiên. Từ đó giúp cho việc hoàn thiện thể chế, giúp cho Chính phủ, Quốc hội thông qua pháp lệnh Ngân hàng, ban hành ngày 23/5/1990.

Đóng góp quan trọng nữa là thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta ghi nhận thêm đóng góp về sử dụng quỹ đất đô thị như một nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội,… Từ thực tiễn cuộc sống, từ thực tiễn phát sinh, thành phố mạnh dạn và dám làm, dám chịu trách nhiệm và chúng ta phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại như ngày hôm nay.

* Để phát huy vai trò của mình, đặc biệt là gắn với việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển thành phố đến năm 2020, theo ông, những vấn đề cấp bách hiện nay mà thành phố cần giải quyết là gì ?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Nghị quyết 16, một lần nữa xác định vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của TP.HCM. Tuy nhiên, để thực hiện được phương hướng nhiệm vụ, làm sao đưa được GDP bình quân đầu người của TP.HCM vào năm 2020 đạt khoảng 8.500USD, cũng như cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, vấn đề về kết cấu hạ tầng, đồng thời cũng tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội,… ngoài nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM thì cần có sự chung sức, chia sẻ của các Bộ, ngành Trung ương. Ví dụ như, cần cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh hoặc là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thành phố đạt được thành công của mình. Từ đó, chúng ta có thể triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 16 như mong muốn của Bộ Chính trị, của nhân dân thành phố.

Xin cám ơn ông!