Khi tiếp xúc trực tiếp người bị sốt xuất huyết có lây không?

(VOH) - Sốt xuất huyết là bệnh thường bùng phát vào mùa mưa ẩm ướt. Đây là bệnh truyền nhiễm nên rất nhiều người thắc mắc việc chăm sóc và tiếp xúc trực tiếp với người bị sốt xuất huyết có lây không?

Muỗi aedes hay còn được biết đến ở Việt Nam là muỗi vằn, loại muỗi mang virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Bệnh có thể nhanh chóng chuyển nặng và để lại nhiều biến chứng khó kiểm soát. 

1. Tiếp xúc trực tiếp người mắc sốt xuất huyết có lây không?

Loài muỗi vằn cái sẽ gây bệnh, trưởng thành và bắt đầu quá trình hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở. Virus Dengue trong muỗi vằn có tới 4 chủng, chúng sẽ sinh sản và thay nhau truyền bệnh trong các mùa dịch. 

Như vậy, muỗi vằn chính là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Việc một người bình thường có tiếp xúc trực tiếp với người mắc sốt xuất huyết sẽ KHÔNG bị lây nhiễm, vì hệ hô hấp hay dịch tiết nước bọt không phải là đường đi của virus mang mầm bệnh. 

Xem thêm: Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nếu phòng tránh không đúng cách

2. Các con đường lây nhiễm sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế phân tích, bệnh sốt xuất huyết sẽ lây truyền qua 3 con đường phổ biến dưới đây.

2.1. Muỗi đốt

khi-tiep-xuc-truc-tiep-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-co-lay-khong-voh-0
Muỗi vằn cái là trung gian mang mầm bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Internet) 

Muỗi đốt là hình thức lây truyền chủ yếu của bệnh. Đối tượng trung gian mang bệnh là muỗi vằn. Muỗi sẽ chích (đốt), hút máu người đang mang virus gây bệnh và truyền cho người khỏe mạnh qua vết đốt.

Muỗi vằn thường hoạt động vào ban ngày và lúc trời chập choạng tối, đây cũng là khoảng thời gian chúng ta thường chủ quan phòng tránh, không mắc mùng (màn) khi ngủ. Nếu không may bị muỗi đốt, trong vòng 4 tới 5 ngày sau, bạn sẽ mắc phải bệnh sốt xuất huyết

2.2. Lây từ mẹ sang con

Phương thức lây truyền từ mẹ sang con còn được biết đến như lây truyền dọc. Virus Dengue trong máu của người mẹ có thể truyền sang cho thai nhi, đó chính là lý do nếu mẹ mắc sốt xuất huyết khoảng 10 ngày trước khi sinh, trẻ ra đời sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. 

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân, chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để không gây ảnh hưởng tới con. 

Xem thêm: Điều cần nhớ khi chăm sóc bà bầu trong từng giai đoạn thai kỳ

2.3. Sử dụng chung dụng cụ y tế

Việc sử dụng chung các dụng cụ y tế không được khử trùng sạch như kim tiêm để bơm truyền máu có thể là tác nhân mang virus gây bệnh vào máu.

Dù tỉ lệ xảy ra do nguyên nhân này khá nhỏ, các ca mắc vì lây từ máu của người sốt xuất huyết dính vào vết thương hở của người bình thường hiếm gặp, nhưng cần đảm bảo an toàn và khử trùng kĩ lượng khi tiêm, truyền dịch vào cơ thể. 

Bệnh sốt xuất huyết có tỉ lệ truyền nhiễm khá cao, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị để bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân, hạn chế khả năng lây lan bệnh tới cộng đồng.