Nhiễm nấm Candida là gì? Nhận biết, điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Nhiễm nấm Candida là tình trạng nhiễm trùng nấm xảy ra khá phổ biến ở cả nam và nữ. Nấm Candida xuất hiện từ đâu và phương pháp nào để điều trị tình trạng nhiễm nấm này hiệu quả?

Dù không gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nhưng nhiễm nấm Candida để lại cảm giác khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. 

1. Nhiễm nấm Candida là gì?

Candida là tên một loại vi nấm men gây sưng viêm ở miệng, da và làm nhiễm trùng mạch máu, đặc biệt có thể gây tổn thương các bộ phận của cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ. Hơn 20 loại nấm Candida có thể gây nhiễm trùng, trong đó Candida albicans là loại nấm phổ biến nhất.

Thông thường, nấm Candida là vi sinh vật vô hại, sống “hòa bình” trong cơ thể.  Tuy nhiên, ở những vùng cơ thể ẩm ướt và không vệ sinh trong thời gian dài, loại nấm này sẽ gặp điều kiện thuận lợi sinh sôi, gây viêm nhiễm. 

nhiem-nam-candida-la-gi-nhan-biet-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-0
Cấu trúc nấm Candida khi phân tích bằng kính hiển vi (Nguồn: Internet) 

2. Triệu chứng nhiễm nấm Candida

Các triệu chứng của nhiễm nấm Candida có thể khác nhau, phụ thuộc vào vùng nhiễm và mức độ mắc bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến trên các bộ phận bị nhiễm nấm:

2.1. Nhiễm nấm Candida ở da

Bạn có thể thấy những đốm màu đỏ hoặc màu trắng trên da, những đốm này gây ngứa, rát và đôi khi cơ thể bị sưng viêm.

2.2. Nhiễm nấm Candida ở vùng kín

  • Nhiễm nấm âm đạo: Ở phụ nữ, nhiễm nấm candida xảy ra khi độ pH âm đạo mất cân bằng. Nấm men sẽ gây ngứa ngáy, đau rát khi đi tiểu, dịch huyết trắng ra nhiều, hơi đục và vón cục. 
  • Nhiễm nấm dương vật: Với nam giới, nấm Candida gây nhiễm nấm dương vật, gây đau, xuất hiện nốt ngứa mẩn đỏ hoặc có cảm giác châm chích trên đầu “cậu bé”. Bao quy đầu khó kéo xuống, có dịch nhầy trắng và mùi hôi khó chịu. 

Xem thêm: Nam giới đã hiểu hết về 'cậu nhỏ' của mình chưa?

2.3. Nấm Candida miệng

Nhiễm nấm Candida miệng hay còn gọi là bệnh tưa miệng. Khi bị nhiễm nấm Candida ở miệng, xuất hiện những đốm trắng trên lưỡi và miệng. Nướu răng cũng có thể bị sưng lở loét, xuất hiện những mảng đỏ và trắng.

nhiem-nam-candida-la-gi-nhan-biet-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-1
Nấm Candida gây bệnh tưa miệng (Nguồn: Internet) 

2.4. Nhiễm nấm Candida trong máu

Đây là tình trạng viêm nhiễm thường xảy ra ở đối tượng có sức đề kháng yếu như người già và trẻ nhỏ. Nấm candida sẽ đi theo đường thực quản hoặc các vết thương hở vào máu, làm nhiễm trùng máu, tình trạng viêm nhiễm sẽ gây sốt cao, ớn lạnh, diễn tiến nặng có thể gây hôn mê.

3. Nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida

Nấm Candida là một vi sinh vật sinh sống trong cơ thể chúng ta, chúng sẽ gây viêm nhiễm khi các yếu tố thuận lợi dưới đây xảy ra.

  • Không vệ sinh sạch sẽ: Cơ thể không được vệ sinh kĩ càng, tồn đọng mồ hôi, trở nên ẩm ướt, khiến nấm men Candida phát triển mạnh. 
  • Sử dụng nhóm thuốc corticoid dài ngày: Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm chứa corticoid trong thời gian dài sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, tăng nguy cơ nhiễm nấm. 
  • Điều trị ung thư: Nếu từng phải điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị, hoạt động tế bào của cơ thể bị rối loạn, lượng bạch cầu chống lại vi khuẩn gây bệnh cũng giảm xuống, khả năng bị nhiễm nấm tăng lên. 
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, những người bị nhiễm HIV/AIDS là nhóm đối tượng cần đề phòng nấm Candida. 

Xem thêm: Những dấu hiệu cho biết hệ miễn dịch đang ngày càng suy giảm và đây là cách để tăng cường miễn dịch

4. Chẩn đoán nhiễm nấm Candida 

Có thể bạn thắc mắc nhiễm nấm Candida có nguy hiểm không thì câu trả lời là sẽ gây nguy hiểm khi nấm đi vào máu, đây là một tình trạng khẩn cấp cần được can thiệp kịp thời.

Do đó, khi có dấu hiệu nhiễm nấm Candida thì bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám và được các bác sĩ tiến hành các phương pháp sau nhằm chẩn đoán sớm bệnh: 

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi về thói quen chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cơ thể của người bệnh, xác định tiền sử bệnh và các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng. 
  • Xét nghiệm: Tiến hành các xét nghiệm máu, đo lượng đường huyết để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. 
  • Nội soi: Thực hiện nội soi thực quản, quan sát hình ảnh bên trong để đánh giá mức độ lây lan của nấm. 

5. Phương pháp điều trị nấm Candida

Trị nấm Candida chủ yếu là dùng thuốc. Thuốc trị nấm Candida sẽ được chỉ định dựa vào vị trí nhiễm nấm của người bệnh. Các loại thuốc chống nấm bao gồm:

  • Nhiễm nấm candida miệng: Có thể sử dụng nystatin, clotrimazole dạng bôi. Nếu trường hợp nặng, có thể kết hợp thuốc fluconazole hoặc itraconazole dạng uống.
  • Nhiễm nấm candida ở thực quản: Có thể sử dụng thuốc fluconazole, itraconazole đường uống.
  • Nhiễm nấm candida ở da: Người bệnh chỉ cần giữ da sạch sẽ, khô ráo kết hợp sử dụng các thuốc bôi chứa các thuốc chống nấm như nystatin, miconazole, clotrimazole, ketoconazole.
  • Nhiễm nấm candida ở vùng sinh dục: Đối với nữ, khi xác định bị nhiễm Candida âm đạo, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc fluconazole đường uống, kết hợp đặt thuốc âm đạo như miconazole. Đối với nam, thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu bị viêm bao quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole.

Xem thêm: Những dấu hiệu ‘tố cáo’ bạn đang bị viêm bao quy đầu

6. Phương pháp phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Để ngăn chặn khả năng phát triển của nấm Candida trong cơ thể, bạn cần ghi nhớ và áp dụng những phương pháp phòng tránh sau đây: 

nhiem-nam-candida-la-gi-nhan-biet-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-2
Lưu ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ (Nguồn: Internet) 
  • Vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Thay bàn chải đánh răng thường xuyên, không dùng chung bàn chải đánh răng với người khác. Bên cạnh đó, hãy vệ sinh lưỡi đúng cách, không tự ý cạo lưỡi khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ vùng kín sạch sẽ: Luôn giữ cho vùng kín khô thoáng, sạch sẽ, không lạm dụng dung dịch vệ sinh vùng kín, không mặc quần áo bó sát và quần lót quá chật.
  • Cẩn trọng khi sử dụng thuốc: Luôn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện mua thuốc kháng sinh về tự điều trị bệnh.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Kiểm soát tốt đường huyết, nhất là những bệnh nhân bị đái tháo đường.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Thực hiện lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.

Nhiễm nấm Candida không gây nguy hại tới tính mạng, nhưng để không tốn thời gian cũng như không phải trải qua cảm giác khó chịu khi điều trị bệnh, thì bạn cần chủ động phòng ngừa và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.