Những điều cần biết về hiện tượng vàng da

(VOH) - Sắc thái của các bộ phận trên cơ thể sẽ ‘hé lộ’ tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu xuất hiện triệu chứng vàng da thì có gì đáng lo ngại?

Tỷ lệ người bị vàng da ngày càng phổ biến, đây là một biểu hiện bất thường khi cơ thể có thể đang mắc bệnh lý nghiêm trọng. 

1. Vàng da là thế nào?

Vàng da là một triệu chứng có thể xảy ra ở khá nhiều bệnh khác nhau. Khi nồng độ chất bilirubin được gan chuyển hóa vào dịch mật tăng cao do diễn biến của bệnh lý gây ra, lúc này da và kết mạc mắt sẽ chuyển sang màu vàng, đây chính là vàng da. Thậm chí ở nam giới tình trạng này có thể cùng xảy ra với hiện tượng tinh trùng chuyển vàng.

2. Nguyên nhân gây vàng da

Hiện tượng vàng da có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên ở mỗi đối tượng sẽ do các yếu tố khác nhau gây nên. 

2.1. Nguyên nhân gây vàng da ở người lớn

nhung-dieu-can-biet-ve-hien-tuong-vang-da-voh-0
Hiện tượng vàng da ở người lớn (Nguồn: Internet)

Vàng da xảy ra ở người lớn là triệu chứng của khá nhiều bệnh. Dưới đây là các nhóm bệnh lý có thể gây ra tình trạng vàng da:

Bệnh lý về gan 

  • Viêm gan cấp tính: Đối với người thường xuyên sử dụng rượu bia, các chất kích thích dễ mắc  phải các bệnh thuộc nhóm viêm gan cấp tính như viêm gan siêu vi. Khi mắc viêm gan cấp tính, khả năng tiết bilirubin vào dịch mật sẽ giảm, nhưng nồng độ chất này trong máu lại tăng cao, gây vàng da. 
  • Viêm gan mãn tính: Các trường hợp viêm gan mãn tính thường gặp như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan hay viêm gan tự miễn. Chức năng của gan lúc này sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường do các mô sẹo lớn hình thành. 

Xem thêm: Bệnh viêm gan B nguy hiểm như thế nào?

Bệnh lý về hồng cầu

  • Tốc độ hồng cầu bị phá hủy tăng nhanh do mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, sốt rét hay tụ máu ở mô làm rối loạn nồng độ bilirubin trong máu. 
  • Tình trạng tồn đọng bilirubin khi các tế bào gan không kịp chuyển hóa sẽ gây vàng da. 

Bệnh lý về ống mật

  • Các bệnh lý về ống mật thường hay gặp là tắc nghẽn đường mật, u nang ống mật hay sỏi mật. 
  • Hoạt động của ống mật gián đoạn làm cản trở dòng lưu chuyển của dịch mật, khiến bilirubin thấm vào máu, gây vàng da.

Bệnh lý do ảnh hưởng của thuốc

  • Một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau có thành phần gây vàng da hoặc ứ mật nếu sử dụng trong một thời gian dài.
  • Chức năng bài tiết của gan lúc này sẽ suy giảm, khả năng chuyển hóa chất sẽ hoạt động kém hiệu quả. 

2.2. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ em 

nhung-dieu-can-biet-ve-hien-tuong-vang-da-voh-1
Vàng da xảy ra ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ cao (Nguồn: Internet) 

Trẻ em là nhóm thường phải điều trị vàng da, đặc biệt tỉ lệ xảy ra trong những ngày đầu sau sinh rất cao. Các yếu tố sau đây được xem là tác nhân gây vàng da ở trẻ:

  • Viêm gan B: Trẻ thường dễ mắc viêm gan B, chủ yếu do lây truyền từ mẹ khi mang thai. Ở những trẻ mắc bệnh này thường có biểu hiện vàng da, sốt, chảy nước mũi và phân có thể bạc màu. 
  • Tan máu bẩm sinh (Thalassemia): Đây là hiện tượng thiếu máu huyết tán ở trẻ. Bệnh lý này làm ảnh hưởng đến việc tạo ra haemoglobin chuyên chở oxy cho hồng cầu, làm tăng tốc độ loại bỏ tế bào hồng cầu. 
  • Nhiễm virus EBV: Virus EBV lây truyền chủ yếu qua đường nước bọt khi bé sử dụng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc uống nước,…Đây là nguyên nhân gây nên bệnh bạch cầu đơn nhân, làm suy giảm khả năng chống chọi với vi khuẩn bên ngoại xâm nhập. 
  • Sinh non: Các tế bào ở gan của trẻ sinh non thường chưa phát triển, rất dễ thiếu men G6PD khiến cho hồng cầu dễ vỡ. 

Xem thêm: Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sinh non

3. Phương pháp chẩn đoán tác nhân gây vàng da 

Để xác định chính xác tình trạng bệnh gây vàng da, tại cơ sở y tế các chuyên gia sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán. 

  • Thăm khám lâm sàng: Các bác sỹ sẽ tìm hiểu thói quen sinh hoạt, thăm khám tiền sử bệnh cũng như quan sát những dấu hiệu bất thường tại các bộ phận trên cơ thể, từ đó chẩn đoán lâm sàng bệnh lý. 
  • Tiến hành xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu nhằm kiểm tra nồng độ các thành phần, đặc biệt cần xác định lượng bilirubin trong máu.

Sau khi nhận thấy có dấu hiệu vàng da, hãy tới thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán chính xác bệnh lý đang mắc phải và được tư vấn phương pháp điều trị đặc hiệu.